Khẩn trương tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển nhà ở công nhân
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội đẩy nhanh quá trình cải tạo ký túc xá sinh viên bỏ hoang thành nhà ở xã hội giá rẻKiến nghị duy trì chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ cung cấp hàng triệu m2 nhà ở xã hội lắp dựng sẵn từ năm 2022Trong công văn 261 của Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp trên cả nước đã chịu nhiều tác động lớn. Nguyên nhân là do đây là nơi tập trung đông người từ nhiều nơi khác nhau cùng đến sinh sống. Không gian chật hẹp nhưng số người lại đông dẫn tới không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm.
Do đó để nhanh chóng phục hồi sản xuất và kinh tế thì việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Đây là yếu tố giúp người lao động có thể “an cư lạc nghiệp”.
Tại văn bản 261, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết ngay trong những ngày đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Trong đó, Chính phủ được giao nhiệm vụ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân.
Đồng thời bố trí 2 gói hỗ trợ cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc hỗ trợ lãi suất qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà cho công nhân, nhà ở xã hội.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể. Đó là khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt các chương trình phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đồng thời phải xác định rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt trong đó là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội (có nhà ở của công nhân tại khu công nghiệp), chỉ tiêu về cải tạo và xây dựng lại các chung cư đã cũ.
Ngoài ra, phải kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật. Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở dành cho công nhân. Thiết chế của tổ chức công đoàn phải đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại những khu công nghiệp đó.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố có cơ chế, giải pháp cụ thể. Nhằm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia tích cực để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Cần có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Phối hợp chặt chẽ với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội thông báo đến doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp), dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn đánh giá nhu cầu về nguồn vốn để đề xuất tham gia Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
"Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp)", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp cho rằng, với sự quan tâm của các cơ quan chức năng bằng hàng loạt các chính sách phù hợp. Trong năm 2022 và các năm tới phân khúc bất động sản nhà ở xã hội sẽ có nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
“Nếu các giải pháp của Bộ Xây dựng được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân hơn. Qua đó, giúp khai thông thị trường bất động sản, cân bằng cán cân cung - cầu, giá cả cũng cạnh tranh hơn”, ông Điệp nói.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong quý 4 năm 2021, cả nước có 3 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới, dự kiến cung cấp cho thị trường 3.361 căn hộ. Các dự án này tại Lạng Sơn, Hà Nội, Bình Dương. 79 dự án đang triển khai xây dựng tương ứng với 114.835 căn hộ. 9 dự án với 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Các dự án nhà ở dành cho công nhân đã có 122 dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng, tương đương với quy mô xây dựng là khoảng 54.144 căn hộ, tổng diện tích lên tới 2.710.000m2. Bên cạnh đó, có 107 dự án đang được tiếp tục triển khai, có quy mô xây dựng khoảng 145.000 căn hộ, tổng diện tích là 7.330.00m2.