Huyện Thuỷ Nguyên: Thị trường đất nền vùng ven sôi động nhất Hải Phòng
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản Hải Phòng: Dồi dào dư địa phát triểnĐiểm sáng thu hút đầu tư
Thủy Nguyên là một huyện trực thuộc thành phố Hải Phòng, được đánh giá là một trong những huyện giàu có hàng đầu miền Bắc. Kinh tế Thuỷ Nguyên phát triển đa dạng bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản và du lịch.
Những năm qua, kinh tế Thủy Nguyên luôn tăng trưởng vượt kỳ vọng và duy trì ở mức cao. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện đạt 17,2%; hoàn thành 17/18 chỉ tiêu thành phố giao và 10/10 chỉ tiêu của huyện đề ra. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 20 xí nghiệp, nhà máy và hàng trăm cơ sở sản xuất - kinh doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động, cùng với 4 khu công nghiệp chính là KCN Bến rừng (1.964 ha), KCN VSIP (1.600 ha), KCN Nam Cầu Kiền (263,47ha), KCN Thuỷ Nguyên (300 ha)…
Bên cạnh đó, Thuỷ Nguyên còn được biết đến là mảnh đất trù phú với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Huyện sở hữu 149 di tích nổi tiếng như di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng, bãi cọc Cao Quỳ, đền An Lư…, nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Sông Giá, hang Lương, hang Vua…, cùng 155 lễ hội văn hoá khác nhau được tổ chức định kỳ hàng năm và rất nhiều làng nghề thủ công đang được khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Một trong những doanh nghiệp hàng đầu "đổ bộ" vào Thủy Nguyên phải kể đến Vingroup với siêu dự án Vinhomes Vũ Yên Hải Phòng - đại đô thị sinh thái lớn nhất tại Miền Bắc của tập đoàn Vingroup, với diện tích 872 ha và vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD, bao gồm: Vinpearl, Vinschool, Vinmec,… đặc biệt Vinwonders Vũ Yên sẽ là công viên chủ đề lớn nhất miền Bắc, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Đây được xem là cú huých mạnh mẽ nâng tầm du lịch của huyện Thủy Nguyên nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung trong tương lai gần.
Với mục tiêu đưa huyện Thuỷ Nguyên lên thành phố trước năm 2025, Hải Phòng đã duyệt chi 142 nghìn tỷ đồng đầu tư cho huyện, trong đó, chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án trọng điểm: Cầu Hoàng Văn Thụ dài 1.570m nối liền quận Hồng Bàng, quận Ngô Quyền với huyện Thuỷ Nguyên; cầu Nguyễn Trãi dài khoảng 1.451m, tổng mức đầu tư lên đến 5.400 tỷ đồng; cầu Bến Rừng dài khoảng 1.857m nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh); triển khai xây dựng đường Vành đai 2, Vành đai 3; đồng thời tiến hành cải tạo, nâng cấp đường QL10, đường 359 và những tuyến đường liên thôn liên xã khác…
Theo ông Trần Lưu Quang, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Thuỷ Nguyên sẽ lên thành phố theo đúng vị thế, chứ không phải chỉ mang tính hình thức, quyết tâm xây dựng Thành phố Thuỷ Nguyên thành một Thủ Đức thứ 2. “Giá đất nơi đây sẽ cao lắm, cuộc sống người dân sẽ văn minh lắm”, ông Quang dự báo.
Phân khúc đất nền dậy sóng
Thuỷ Nguyên là một trong những thị trường đất nền vùng ven sôi động nhất thành phố Cảng. Những năm 2018, 2019, khi chưa có thông tin quy hoạch, đất Thuỷ Nguyên dao động từ 8 - 20 triệu đồng/m2. Cuối năm 2020, nhận được tin Thuỷ Nguyên sẽ lên thành phố, đất tại đây ghi nhận tình trạng sốt kinh điển. Sang đầu năm 2021, giá đất huyện đã tăng vọt lên gấp 2 - 3 lần: giá đất tại mặt đường 359 có giá 30 - 40 triệu đồng/m2, các lô đất sát UBND thị trấn Núi Đèo có mức giá gần 100 triệu đồng/m2… Tuy nhiên, chỉ đến khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 trong cùng năm, cơn sốt của đất Thuỷ Nguyên đã nhanh chóng hạ nhiệt, lượng giao dịch cũng giảm mạnh, một số nhà đầu tư xuống tiền đúng giai đoạn sốt nóng đã phải rao bán cắt lỗ: khu vực Núi Đèo dù rao giá 60 triệu đồng/m2, thanh khoản cũng không khá hơn.
Đến năm 2022, bất động sản Thuỷ Nguyên lại “dậy sóng” sau tin Hải Phòng chốt khởi công Trung tâm hành chính - chính trị mới, tăng trưởng 15% chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, lượng giao dịch tăng đột biến, các sàn bất động sản mới liên tục khai trường, môi giới bất động sản và nhà đầu tư khắp nơi đổ dồn về Thuỷ Nguyên tìm kiếm cơ hội.
Kết thúc Quý II/2022, thị trường Thuỷ Nguyên có dấu hiệu chững lại, lượng giao dịch giảm đáng kể, giá mặt bằng chung giảm nhẹ khoảng 5%, áp lực giảm giá sâu xuất hiện ở hầu hết các khu tái định cư. Mặt bằng giá mới của khu tái định cư Bắc Sông Cấm phân khu D ở vị trí đẹp nhất dao động 150 triệu đồng/m2, đất nội bộ giá 70 - 75 triệu đồng/m2; phân khu C giá 50 - 55 triệu đồng/m2; phân khu B giá trung bình 60 - 65 triệu đồng/m2; phân khu A khoảng 50 triệu đồng/m2. Đất khu tái định cư Áp Tràn giá khoảng 45 triệu đồng/m2. Đất nền khu Cửa Trại khoảng 75 triệu đồng/m2 đối với vị trí mặt tiền và khoảng 45 triệu đồng/m2 với vị trí nội bộ. Khu vực có mức tăng giá tốt nhất tại huyện Thuỷ Nguyên là khu tái định cư VSIP 1 và VSIP 3, giá trung bình 40 triệu đồng/m2…
Theo Nhà đất An Phú, đơn vị tiên phong cung cấp các dịch vụ bất động sản tại huyện Thuỷ Nguyên, thị trường Thuỷ Nguyên hiện đang đi ngang theo xu hướng chung của thị trường nhưng sự phát triển kinh tế và thay đổi hạ tầng của Thuỷ Nguyên nổi bật hơn các thị trường khác. Thêm vào đó, lượng dư tiền trong huyện khá lớn do bản chất kinh tế huyện rất phát triển và người dân thời gian vừa qua cũng nhận được các khoản lớn từ giải phóng đền bù. Cùng với việc nhiều chủ đầu tư lớn tham gia xây dựng khu đô thị tại Thuỷ Nguyên như Hoàng Huy, Vingroup, Nam Long…, tiềm năng của bất động sản Thuỷ Nguyên rất đáng kỳ vọng.
Bên cạnh Thuỷ Nguyên, nhà đầu tư có thể cân nhắc các huyện vùng ven khác như là An Dương, Kiến Thuỵ, An Lão với các sản phẩm đất nền khu vực lân cận các khu vực lớn như là Khu công nghiệp Nomura, khu công nghiệp An Dương, Khu công nghiệp Tràng Duệ... Các dự án khu công nghiệp, mở rộng khu công nghiệp thu hút các chuyên gia, người lao động tới sinh sống và làm việc, gia tăng nhu cầu nhà ở tại các địa phương cả ở thị trường nhà đất bán và cho thuê.