Hành trình sụp đổ đáng kinh ngạc của đội bóng từng giàu nhất Trung Quốc
BÀI LIÊN QUAN
"Săn" bất động sản cắt lỗ mùa World Cup: Người lời tiền tỷ, kẻ ngậm trái đắng vì “nhẹ dạ, cả tin”"Á quân World Cup 2022" kinh doanh từ thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, truyền hình tới game… tại Việt Nam với số vốn đầu tư gần 4 tỷ USDWorld Cup giúp ai cũng có thể mua nhà tại Qatar!Thất bại 1-4 trước Changchun Yatai hôm 27/12 đã khiến Guangzhou FC chính thức bật bãi khỏi China Super League (CSL). Thật ra điều này không làm ai ngạc nhiên bởi Guangzhou FC đã chơi rất tệ trong suốt năm 2022. Họ chỉ thắng 3/33 trận ở CSL 2022, đồng thời thua cả 6 trận AFC Champions League.
Cũng phải thôi bởi đội hình của Guangzhou FC không có ngôi sao. Họ là đội duy nhất ở giải đấu hàng đầu Trung Quốc không bao gồm cầu thủ ngoại. Trước khi mùa giải 2022 khởi tranh, các cầu thủ lớn nối nhau ra đi, để lại nhóm cầu thủ trẻ hoặc vô danh. Đó là những người chấp nhận tiếp tục dù nhận mức lương ít ỏi và thường xuyên nhận không đúng hạn.
Những ngày tuyệt đẹp của Guangzhou FC đã qua đi như một giấc mộng. 13 năm qua họ đã tận hưởng cuộc sống nhung lụa của đội bóng giàu nhất Trung Quốc, giành tới 17 danh hiệu lớn nhỏ sau khi chi tới 2,2 tỷ NDT để mua cầu thủ và sẵn sàng bỏ ra 200 triệu để thưởng mỗi năm.
Cuộc đời Guangzhou FC bắt đầu sang trang trước khi mùa giải 2010 bắt đầu. Khi đó đội bóng này có tên Dược phẩm Guangzhou và bị giáng xuống hạng vì dàn xếp tỷ số. Ngay lập tức công ty Dược phẩm rút lui để tránh tiếng xấu, tạo điều kiện cho Tập đoàn Evergrande tiếp quản CLB. Thời điểm đó Tập đoàn Evergrande đang nổi lên là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu châu Á. Trước đó, vào tháng 10/2009, tập đoàn đã huy động được 722 triệu đô trong đợt phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Từ một CLB nghèo nàn, Guangzhou vụt trở thành đội bóng thừa mứa tiền bạc. Để đạt mục tiêu thăng lên CSL, Ban lãnh đạo đặt ra mức thưởng 1 triệu NDT cho trận thắng sân nhà, 1,2 triệu nếu thắng ở sân khách. Trong trường hợp thắng 3 trận liên tiếp, đội nhận thêm 1,5 triệu.
Mùa 2011 Guangzhou đã ở CSL và mục tiêu là vô địch luôn trong mùa đầu lên chơi ở giải đấu cao nhất Trung Quốc. Ngoài khoản tiền lớn chi cho chuyển nhượng, 10 triệu đô được bỏ ra để biến Dario Conca thành cầu thủ đắt nhất lịch sử bóng đá châu Á, đồng thời cũng hưởng mức lương cao ngất 12,5 triệu đô. Chính sách thưởng cũng thay đổi, thắng 5 triệu, hòa 1 triệu. Cuối mùa khi lên ngôi vô địch, cả đội nhận thêm 102 triệu.
Những năm tiếp theo, Guangzhou trở thành điểm đến hứa hẹn của các ngôi sao thế giới bởi số tiền họ bỏ ra ngay cả các đội bóng châu Âu cũng phải kiêng dè. Năm 2013 Guangzhou vô địch AFC Champions League, tổng số tiền thưởng lên đến 258 triệu NDT, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu không chỉ Trung Quốc mà còn cả châu Á.
Bây giờ nhìn lại, suốt những năm tháng huy hoàng, Guangzhou đã tiêu tốn 308,16 triệu euro cho các bản hợp đồng chuyển nhượng, tương đương 2,286 tỷ NDT. Những ngôi sao họ từng sở hữu gồm Paulinho, Robinho, Elkeson, Alan Douglas, Lucas Barrios và Jackson Martinez, trong khi HLV cũng toàn sao số, như Marcelo Lippi, Felipe Scolari, Fabio Cannavaro.
Nếu quy đổi ra danh hiệu, nó hoàn toàn xứng đáng. Trong 13 năm, Guangzhou 2 lần vô địch AFC Champions League, 8 lần đăng quang CSL, 1 lần lên ngôi ở giải hạng Nhất, 2 danh hiệu Cúp Quốc gia, 4 Siêu Cúp và 2 lần đứng thứ 4 ở FIFA Club World Cup. Không đội bóng Trung Quốc nào thành công đến thế, kể cả hàng chục năm chứ đừng nói là trong hơn một thập kỷ ngắn ngủi.
Nhưng rồi thị trường bất động sản Trung Quốc bất ngờ đóng băng. Tập đoàn Evergrande rơi vào cảnh nợ nần sau một thời gian đầu tư liều lĩnh và dàn trải. Các khoản thanh toán đến hạn phải trả đẩy Tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới vào khủng hoảng. Những người đứng đầu liên tục bán tháo tài sản Tập đoàn để trả nợ, đồng thời rút khỏi Guangzhou.
Không còn nhận được dòng tiền từ Tập đoàn Evergrande, Guangzhou lập tức rơi vào thảm cảnh. HLV Canavaro ra đi, kéo theo đó là những ngôi sao ngoại, trong đó có những cầu thủ nhập tịch với mức lương khủng, rồi tiếp theo là những tuyển thủ nội. Điều tồi tệ là Guangzhou không nhận được xu chuyển nhượng nào từ họ, bởi trong cảnh hết tiền, đạt được thỏa thuận chia tay đã là thành công. Nó giúp CLB tiết kiệm hàng trăm triệu tiền lương mỗi năm.
Khi Tập đoàn Evergrande quay lưng, Guangzhou thậm chí không đủ tiền trả lương cho những cầu thủ còn lại. Theo quy định của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, lẽ ra Guangzhou đã bị trừ điểm và xuống hạng trước mùa giải 2022 vì không có khả năng thanh toán nợ đọng. Để nền bóng đá Trung Quốc không sụp đổ, LĐBĐ và Hiệp hội các CLB phải cắn răng hỗ trợ Guangzhou tham gia CSL 2022. Các khoản chi phí gồm đi lại, ăn ở, sân bãi được hỗ trợ một phần lớn.
Bây giờ tương lai Guangzhou sau khi xuống hạng không biết đi về đâu. Hiệp hội bóng đá Quảng Châu đang chịu án phạt từ Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, bị đình chỉ tư cách thành viên trong 2 năm. Vì vậy họ không thể tiếp nhận đội bóng. Nếu không có doanh nghiệp nào đứng ra, Guangzhou nhiều khả năng bị giải thể, giống như Jiangsu Suning, đội đã bị giải tán chỉ vài ngày sau khi lên ngôi vô địch CSL 2020.
Câu chuyện buồn của Guangzhou có thể đại diện cho bức tranh bất động sản Trung Quốc trong một thập kỷ qua. Có những giai đoạn bất động sản bùng nổ nhanh chóng, với vô số dự án mọc lên một cách mất kiểm soát, thậm chí trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, đồng thời tạo nên tầng lớp siêu giàu trong xã hội. Những rõ ràng sự thiếu bền vững dựa trên các khoản vay mạo hiểm đã khiến tất cả sụp đổ nhanh như lúc nó xuất hiện.
Tương tự đội bóng Guangzhou trở thành đứa con vô thừa nhận, một gánh nặng cho nền bóng đá, các dự án bỏ hoang đang đầy rẫy ở Trung Quốc, biến thành tàn tích của một thời xốc nổi.