Hàng loạt doanh nghiệp “gọi” vốn ngoại thành công trong bối cảnh các kênh huy động vốn quen thuộc bị thu hẹp
BÀI LIÊN QUAN
Mùa mua sắm cuối năm không còn nhộn nhịp, các doanh nghiệp xoay sở ra sao?Các doanh nghiệp hàng đầu nước Đức đang làm ăn ra sao tại Việt Nam?Doanh nghiệp địa ốc sẽ gặp nhiều thách thức trong việc huy động vốnThời điểm hiện tại, trong bối cảnh dòng vốn trong nước đang bị hạn chế thì nguồn vốn ngoại trở thành lựa chọn lý tưởng nhất cho các doanh nghiệp Việt. Chỉ trong một tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã chốt thành công hàng trăm triệu USD từ nước ngoài, trong đó có nhiều “ông lớn” trên thị trường Việt.
Các doanh nghiệp đua nhau huy động vốn ngoại
Ngày 11/11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết đã ký kết thành công thỏa thuận vay vốn với trị giá lên đến 500 triệu USD, con số này tương đương với gần 12.500 tỷ đồng. Được biết, số vốn này được “gọi” từ 5 định chế tài chính lớn, bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và cuối cùng là Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. Đáng chú ý, mới tháng 4 năm nay, ngân hàng này mới được giải ngân khoản vay hợp vốn lên đến 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn châu Á.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng chia sẻ, đơn vị vừa mới ký kết thành công khoản vay 200 triệu USD trong vòng 7 năm cùng với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC). Ngoài ra, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng thành công gọi vốn ngoại với hạn mức lên đến 105 triệu USD với nhóm ngân hàng nước ngoài, đồng thời hợp đồng mới ký kết này còn có quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (con số này tương đương với 3.675 tỷ đồng).
Cách đây không lâu, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 cũng đã hoàn tất thương thảo khoản vay 60 triệu USD của Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable. Luỹ kế từ đầu năm cho đến nay, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD vốn quốc tế.
Không riêng gì các công ty tài chính mà đối với mảng bán lẻ tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng đang “tấp nập” tìm nguồn vốn ngoại. Cụ thể, Tập đoàn Masan và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) cũng vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn với trị giá lên đến 600 triệu USD. Điều đáng nói, đây chính là khoản vay hợp vốn lớn nhất, có kỳ hạn dài nhất mà Masan từng huy động được, đồng thời thu hút được 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn.
Vào đầu năm nay, Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng dự kiến sẽ vay tối đa lên đến 250 triệu USD với BNP Paribas, Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Limited – chi nhánh Singapore cùng với các bên khác (nếu có). Ngoài ra, The Sherpa cũng đã được phê duyệt về hợp đồng với các bên nêu trên với khoản vay tối đa lên đến 350 triệu USD. Theo kế hoạch, Tập đoàn Masan trong năm nay dự kiến sẽ phát hàng 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, những trái phiếu này không có đảm bảo và cũng không kèm theo chứng quyền.
Trước đó không lâu, Be Group là công ty chủ quản của ứng dụng gọi xe Be cũng đã ký hợp đồng đối với việc tiếp nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Ngoài ra, Tập đoàn Lộc Trời hồi cuối tháng 10 năm nay cũng đã tiến hành lễ ký kết, đồng thời công bố gói tín dụng với giá trị 100 triệu USD được cho vay hợp vốn bởi MB cùng với 6 ngân hàng quốc tế khác, nhằm phục vụ cho việc mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
Đặc biệt, ông lớn trong thị trường bất động sản Việt là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng mong muốn có thể vay thêm được 40 triệu USD từ VietinBank Filiale Deutschland (chi nhánh của ngân hàng VietinBank tại Đức) cùng với Maybank Labuan (chi nhánh của Maybank ở Malaysia). Mới tháng 8 vừa qua, Hội đồng quản trị của Novaland đã thông qua giao dịch về việc bảo đảm nghĩa vụ đối với vốn vay của Công ty đối với khoản vay 100 triệu USD đến từ Quỹ đầu tư Credit Opportunities III Pte. Limited (Singapore)… Vào hồi tháng 6 năm nay, Novaland cũng đã tiến hành chào bán thành công lô trái phiếu với tổng trị giá lên đến 5.774 tỷ đồng cho hai nhà đầu tư nước ngoài được dẫn đầu bởi Warburg Pincus.
Điểm qua một chút về bức tranh vốn của doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua, nợ vay ngân hàng cùng với trái phiếu trong quý 3/2022 tiếp tục giảm xuống. Trong tháng 10, tính riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đã bị đóng băng. Trước đó, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Fiin Group cũng cho biết: "Trong nửa đầu năm nay, có đến 51% cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ nhiều nguồn khác, trong đó chủ yếu là đến từ hợp đồng hợp tác kinh doanh".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản đã tận dụng kênh vốn từ khách hàng thông qua việc nỗ lực hoàn thiện những thủ tục pháp lý cũng như tiến độ triển khai những dự án để tiến hành mở bán, từ đó nhận về các khoản trả trước từ khách hàng, đặc biệt là những khách hàng cá nhân. Ngoài ra, các chủ đầu tư còn có thể xây dựng nên những phương án tài chính hấp dẫn để đẩy mạnh tiến độ thu tiền trả trước từ phía khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cũng tận dụng kênh vốn từ những đối tác hợp tác kinh doanh cùng với nhà cung cấp để phục vụ cho việc bổ sung vốn lưu động.
Vốn ngoại trở thành “phao cứu sinh”
Nhìn chung vào thời điểm hiện tại, có thể dễ dàng nhận ra rằng nguồn vốn đang là vấn đề lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng ngân hàng bị thu hẹp, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị đứt gãy trong khi thị trường cổ phiếu lại liên tiếp giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, áp lực của việc đáo hạn trái phiếu cũng trở thành câu chuyện “nóng bỏng tay” của những doanh nghiệp lớn tại thời điểm cuối năm nay và cả năm tới.
Trong bối cảnh này, cấu trúc vốn của những doanh nghiệp bất động sản lớn đã ghi nhận sự chuyển hướng mạnh mẽ. Đáng chú ý, rất nhiều công ty đã tiến hành đa dạng hóa các nguồn vốn một cách nhanh chóng, từ đó giảm thiểu sự lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng cũng như lệ thuộc vào trái phiếu.
Đồng thời, khi dòng vốn trong nước trở nên khó khăn thì dòng vốn ngoại càng trở nên quan trọng và trở thành “phao cứu sinh” đối với rất nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng có một điều quan trọng mà các doanh nghiệp bắt buộc phải làm, đó là phải chứng tỏ được sức hút của mình trước các tổ chức nước ngoài thì mới có thể dễ dàng huy động vốn ngoại thành công.