Hàng chục ngàn công nhân tại KCN mất việc: BĐS công nghiệp có bị “vạ lây”?
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản công nghiệp phát huy các điểm sáng trong năm 2023?TS. Nguyễn Minh Phong: “Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục nóng trong 3 – 5 năm tới"Thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam giảm nhiệtCông nhân thất nghiệp, chủ kho bãi thất thu
Từ đầu tháng 10/2022 đến nay, anh Nguyễn Minh Nghĩa, một chủ trọ tại huyện Châu Thành, An Giang treo biển cho thuê hơn 10 căn nhà trọ nhưng vẫn không có khách. Từ khi Công ty TNHH An Giang Samho cắt giảm lao động khiến nhiều người trả lại nhà trọ để về quê.
“Gia đình tôi cho thuê 18 căn trọ. Thế nhưng, từ năm ngoái, người thuê nhà cứ liên tiếp trả lại, thu dọn hành lý về quê. Hỏi ra mới biết là kinh tế khó khăn, đơn hàng kém, công ty cho họ nghỉ việc. Một số người thì ở lại đi tìm việc ở công ty khác, một số người thì tạm về quê nên trả lại nhà. Từ đó đến nay, những căn trọ của tôi luôn trong tình trạng trống, thất thu khá nhiều”, anh Nghĩa chia sẻ.
Được biết, căn trọ của anh Nghĩa cho thuê với mức giá khá hợp lý, chỉ khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/căn, tùy diện tích. Trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 chưa tràn vào, khu trọ của anh luôn kín phòng. Thậm chí có thời điểm, mặc dù hết phòng rồi nhưng vẫn có rất nhiều người đến hỏi. Anh Nghĩa đang lên kế hoạch vay thêm ngân hàng để mở rộng khu trọ lên gần 30 phòng thì dịch Covid-19 kéo đến.
Giống như anh Nghĩa, anh Trần Hoài Lanh, ngụ tại phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cũng đang “ế” hai kho bãi từ tháng 9/2022 đến nay. Gia đình anh Lanh ở cạnh Khu công nghiệp Tân Tạo và sống bằng việc “ăn theo” khu công nghiệp. Trước đây, mỗi tháng anh cho một công ty sản xuất đồ gia dụng thuê hai kho bãi này với giá 60 triệu đồng/tháng.
“Thời điểm dịch bệnh thì không nói vì các doanh nghiệp đều hầu như không sử dụng kho bãi vì giãn cách và cách ly xã hội nên gia đình tôi không thu được đồng nào. Đầu năm 2022, họ tiếp tục thuê lại 2 kho để làm hàng xuất khẩu nhưng xin hỗ trợ mức giá là 45 triệu đồng/2 kho trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, công ty này trả lại 1 kho, vừa ra Tết nguyên đán 2023, trả lại nốt kho còn lại vì không có đơn hàng. Thậm chí, công ty còn phải sa thải đi một nửa lao động”, anh Lanh nói.
Thời gian qua, cơn bão suy thoái kinh tế thế giới đang đè nặng lên các doanh nghiệp, kể cả các công ty lớn quy mô quốc tế. Đơn cử như Công ty mẹ của Google đã sa thải 6% lực lượng lao động. Trong khi đó, Meta - công ty mẹ của Facebook sa thải khoảng 13% lực lượng lao động. Một ông lớn khác là Microsoft đã cắt giảm gần 1.000 việc làm; Amazon thông báo cắt giảm 18.000 nhân viên… Theo thống kê, trong 1 tháng đầu năm 2023, số người nghỉ việc của các công ty công nghệ trên toàn thế giới là gần 100.000.
Tại Việt Nam, lao động tại các khu công nghiệp cũng đang đứng ngồi không yên vì đã mất việc hoặc đứng trước nguy cơ mất việc làm. Cách đây không lâu, Công ty TNHH An Giang SAMHO phải lên phương án hỗ trợ cho 5.300 lao động đã và sẽ mất việc làm; Công ty TNHH Tỷ Hùng (TP.HCM) phải ngậm ngùi chấm dứt hợp đồng với gần 1.190 lao động trong tổng số hơn 1.800 người lao động. Cũng tại TP.HCM, Công ty TNHH Việt Nam Samho đã ra thông báo giảm hơn 1.400 công nhân vì thiếu đơn hàng, khó khăn trong hoạt động kinh doanh…
Dẫn ra các số liệu này để thấy rằng, làn sóng sa thải nhân viên vì kinh tế khó khăn đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều công ty. Kinh tế kho khăn cộng với việc làn sóng lao động bị sa thải đã ảnh hưởng trực tiếp đến phân khúc bất động sản công nghiệp và bất động sản cho thuê. Cụ thể đó là kho bãi và các căn hộ cho thuê, khu nhà trọ.
Tác động không lớn đến BĐS công nghiệp
Trong năm 2022, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng của thị trường. Bởi việc Việt Nam mở cửa kinh tế sau dịch cộng với cơ sở hạ tầng được hoàn thiện sẽ giúp phân khúc này có nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp gặp khó khăn đang là nguyên nhân khiến giá bất động sản công nghiệp chững lại.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tiềm năng của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn rất lớn trong năm 2023 và cả những năm tiếp theo. Trong đó, yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những nguyên nhân giúp bất động sản công nghiệp của chúng ta vẫn có sức hút các nhà đầu tư ngoại.
Cũng theo chuyên gia này, năm 2023, các hoạt động mua bán, sáp nhập dự án bất động sản, khu công nghiệp sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Vì thế, các loại hình bất động sản văn phòng, khu công nghiệp, nhà ở, khách sạn… tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai… sẽ tiếp tục nhộn nhịp. Đây chính là điều kiện rất tốt để bất động sản công nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cảnh báo, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam một phần cũng nhìn nhận thấy giá bất động sản công nghiệp của chúng ta ở mức hợp lý. Nhưng, nếu giá đất cứ tăng phi mã sẽ tác động bất động sản khu công nghiệp, chế xuất, các công trình dịch vụ, phụ trợ. Điều này gây giảm sức thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cùng quan điểm, TS Kinh tế Trần Khắc Tâm cho rằng, việc các doanh nghiệp ồ ạt cho công nhân nghỉ việc là điều không lãnh đạo công ty nào mong muốn. Đó là bước đường cùng. Bởi, chẳng ai muốn sa thải những lao động đã gắn bó với công ty mình. Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, không xuất khẩu được, không đủ tiền bù lỗ nên phải thu hẹp quy mô sản xuất và giảm lao động.
“Tuy nhiên, việc giảm lao động tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp chỉ tác động không quá lớn đối với phân khúc bất động sản công nghiệp. Đầu tiên là những doanh nghiệp kinh doanh kho bãi bị ảnh hưởng vì kho bãi để không do doanh nghiệp thu hẹp quy mô. Tiếp đến là những người kinh doanh nhà trọ bị ảnh hưởng lớn vì mất người thuê. Và tiếp đến là các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nhỏ bởi bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Ở tầm nhìn vĩ mô, các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia vẫn rót hàng tỷ USD vào các khu công nghiệp Việt Nam”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm phân tích.
Vị này nói rằng, trong thời gian tới, để thu hút được nhiều “đại bàng” là các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại các khu công nghiệp, Việt Nam cần phải làm tốt nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông, logistics, kho bãi, cảng biển… Và đặc biệt, Việt Nam cần đào tạo được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, lành nghề và chuyên nghiệp. Đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.