Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụngHà Nội: Sau "sốt" đất đấu giá Hoài Đức, liền kề và biệt thự xung quanh tăng giá
Thứ hai, 26/08/2024-10:08
Sau vụ việc đất đấu giá Hoài Đức có mức trúng hơn 133 triệu đồng/m2, gấp 18 lần giá khởi điểm thì loạt liền kề, biệt thự bỏ hoang quanh khu vực này đã có động thái tăng giá.
Dù đã qua nhiều ngày, nhưng đến nay “sức nóng” về phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu LK03 và LK04, thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức), với mức khởi điểm từ 7,3 triệu đồng/m2 và có giá trúng lên tới 133,3 triệu đồng/m2 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, giá trúng đấu giá tại xã Tiền Yên ngang ngửa với giá của liền kề, biệt thự trong các khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức. Đồng thời, hậu “cơn sốt” đất đấu giá, loạt biệt thự và liền kề bỏ hoang quanh khu vực cũng liên tục tăng giá.
Các biệt thự bỏ hoang trong Khu đô thị (KĐT) Lideco, nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi. Đây cũng là dự án lớn nhất huyện Hoài Đức và gần khu vực đấu giá đất.
Hiện tại, các căn biệt thự bỏ hoang tại đây đang được rao bán với giá từ 106 – 155 triệu đồng/m2, có căn view hồ được ra giá hơn 55 tỷ đồng.
Cùng với sức nóng của phiên đấu giá đất ở xã Tiền Yên, giá biệt thự tại KĐT Lideco thời gian gần đây cũng tăng cao, và đã tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, KĐT Lideco do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, có quy mô 38,23ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng. Dự án được xây dựng năm 2008, hoàn thiện từ năm 2013 nhưng hiện nay phần lớn các căn biệt thự, liền kề của dự án vẫn bỏ hoang.
Sát cạnh KĐT Lideco là Khu nhà ở xã Tân Lập - Cienco 5 nằm tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) do Cienco 5 làm chủ đầu tư, mặc dù đã xây dựng xong phần thô nhưng lại bỏ hoang nhiều năm.
Tương tự như KĐT Lideco, hiện tại giá bán của các căn liền kề tại Khu nhà ở xã Tân Lập – Cienco 5 đã tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, dao động trong khoảng 100 – 115 triệu đồng/m2.
Được biết, dự án Khu nhà ở xã Tân Lập - Cienco 5 có quy mô dân số dự kiến khoảng 2.200 người, với mức tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, bắt đầu được xây dựng từ năm 2009, nhưng đến nay số lượng người về ở chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cách đó không xa, KĐT mới Vân Canh do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, mặc dù bỏ hoang phần lớn nhưng giá bán đã tăng 71,4% trong 1 năm qua. Hiện giá bán đang dao động trong khoảng 120 – 150 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu, dự án có tổng diện tích trên 68,5 ha, quy mô dân số 13.190 người. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2008 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu bàn giao cho người mua nhà từ năm 2012. Nhưng nhiều nhà bỏ hoang chưa được đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp.
Cũng trên địa bàn huyện Hoài Đức, loạt biệt thự bị bỏ hoang nhiều năm ở Khu biệt thự Hoa Phượng (An Khánh) thời gian gần đây cũng có dấu hiệu tăng giá 20% so với giai đoạn trước, dao động trong khoảng 90 – 103 triệu đồng/m2.
Được biết, Khu biệt thự Hoa Phượng do 3 công ty bao gồm Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển Công nghệ AVN, Công ty Kinh doanh Vật tư Thiết bị và Công ty CP Lý Hùng làm chủ đầu tư. Mỗi công ty đầu tư một lô trong 3 lô đất của dự án. Khu biệt thự Hoa Phượng được xây dựng năm 2008, hoàn thiện xây thô năm 2010. Tuy nhiên đến hiện tại, số lượng biệt thự được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vô cùng khiêm tốn.
Theo nhiều chuyên gia, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cộng với các “cơn sốt đất” trước thông tin lên quận, nên giai đoạn 2008 – 2009 trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xuất hiện hàng chục KĐT mới, khu đô thị kiểu mẫu với phân khúc biệt thự, nhà liền kề. Tuy vậy, đến hiện tại mặc dù đã hoàn thiện phần thô, nhưng phần lớn các căn liền kề và biệt thự không được đưa vào sử dụng. Việc này dẫn đến tình cảnh hoang hóa, xuống cấp…gây lãng phí tài nguyên đất đai, nhếch nhác diện mạo đô thị.
Do đó, ngay khi hiện tượng đấu giá đất tại xã Tiền Yên có mức trúng “kỷ lục”, môi giới và nhà đầu tư cũng nhanh chóng "thừa nước đục thả câu", nâng giá các căn liền kề, biệt thự bỏ hoang lên một mặt bằng mới với hi vọng thanh khoản được các bất động sản này...
Liên quan đến hiện tượng “sốt” đất đấu giá vùng ven Hà Nội, trao đổi với Đô Thị Mới, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, phiên đấu giá đất ở Thanh Oai, Hoài Đức nói riêng và nhiều phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội gần đây phần nào phản ánh những vấn đề tồn tại của thị trường.
Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường Hà Nội vài năm trở lại đây gần như không nhiều dự án nhà ở mới chính thống. Trong khi đó, các dự án đất đai cũng trong tình cảnh tương tự, không ít phiên đấu giá đất không thành công. Điều này phản ánh về thực tế nguồn cung của thị trường yếu, trong khi lực cầu vẫn rất mạnh. Bởi lẽ, nhà, đất vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn rất nhiều.
Trong khi đó, quá trình sửa các luật mới mà điển hình nhất là Luật Đất đai 2024 kéo dài, sẽ khiến tâm lý mong ngóng, chờ đợi của nhà đầu tư ngày càng tăng cao. Do đó, các phiên đấu giá đất mới có hiện tượng, dù chỉ có mấy chục lô đất nhưng có tới hàng nghìn hồ sơ tham gia và giá trúng gấp hàng chục lần giá khởi điểm…Tuy nhiên, ông Đính cũng đưa ra cảnh báo tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.
Còn TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam cho rằng, về cơn “sốt đất” đấu giá các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... có giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, "thổi giá".
Bởi theo dõi các phiên đấu giá gần đây, xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.... tham giá đấu giá, trả giá cao. Đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.