Đấu giá đất vùng ven bị kiểm tra: “Cò đất” sắp hết cửa làm ăn bát nháo?
BÀI LIÊN QUAN
Nhiều điểm bất thường, đấu giá đất ven đô vào “tầm ngắm”Đất đấu giá Hoài Đức rao bán chênh 250- 600 triệu đồng/lô, nhiều nhà đầu tư "quay xe""Chiêu trò" đấu giá đất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường bất động sảnQuyết liệt với các dấu hiệu bất thường
Sau yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 2771/UBND-TNMT về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành gồm Tư pháp, Tài chính, Thanh tra, Công an thành phố, kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có) và báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/8.
Đồng thời, rà soát quy trình, thủ tục, quy chế… về đấu giá quyền sử dụng của các quận, huyện, thị xã, hoàn thành trước ngày 27/8. Song song với đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải rà soát lại toàn bộ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để việc tổ chức đảm bảo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm như tại huyện Thanh Oai 7-8 lần, huyện Hoài Đức 18 lần. Việc này có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở và bất động sản.
Sau các yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá, huyện Hoài Đức đã có thông báo về việc hủy 2 phiên đấu giá ngày 26/8 và 9/9 với tổng số 52 lô tiếp theo tại xã Tiền Yên. Theo đó, những khách hàng đã mua hồ sơ, đặt cọc tiền để tham gia sẽ được bảo lưu hoặc hoàn trả lại theo đúng quy định. Thời gian đấu giá các lô đất này sẽ được thông báo sau.
Đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, việc tạm hoãn đấu giá khu đất này để thực hiện kiểm tra, rà soát theo Công điện 82 (ban hành ngày 21/8) của Thủ tướng Chính phủ. Chiều mai (23/8), đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện kiểm tra tại Hoài Đức về việc xác định giá khởi điểm, sự phù hợp của giá trúng với thực tế thị trường, cũng như điều kiện trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, đang phối hợp với cơ quan Công an xác minh nhóm đối tượng "thổi giá" đất tại các phiên đấu giá.
Nên tạm dừng đấu giá đất
Trước diễn biến “nóng bỏng” của những phiên đấu giá đất vùng ven, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản sửa đổi không quy định về bảng giá đất mỗi năm, địa phương được quyền quyết định giá sàn rất dễ tạo cơ hội cho giới đầu cơ trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Dẫn ví dụ thực tế, ông Hiếu cho biết, ngay sau khi các phiên đấu giá kết thúc, các môi giới đã rao bán chênh các lô trúng với giá bán chênh từ 200 – 300 triệu đồng/lô, thậm chí có lô lên tới 500 – 600 triệu đồng/lô.
Đây là biểu hiện của bắt tay làm giá, “quân xanh – quân đỏ” trong đấu giá, nhằm loại các đối thủ tiềm lực yếu để nắm được quyền nâng giá bán để kiếm lời. Cũng không loại trừ việc tạo sóng, "thổi giá" của rất nhiều "cò đất" đã tạo tâm lý sợ bỏ lỡ của những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Để nhận định có đầu cơ hay không trong các cuộc đấu giá vùng ven Hà Nội gần đây, giới chuyên gia cho rằng, cần chờ cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và đến thời hạn nộp tiền, những người trúng đấu giá có hủy cọc hay không sẽ có nhiều căn cứ để kết luận.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban xã hội của Quốc hội khóa XV cho rằng, giá đất trong các phiên đấu giá tăng bất thường có thể đến từ hoạt động đầu cơ.
Do vậy, nên tạm dừng việc đấu giá đất để chấn chỉnh, tránh tiếp tay cho “cò mồi” trục lợi, người có nhu cầu sử dụng đất thật thì trượt đấu giá, người trúng đấu giá lại không phải người địa phương, nhiều khả năng là các nhà đầu tư “ôm đất, thổi giá”.
Đồng quan điểm, TS. Trần Khắc Tâm – Phó chủ tịch Liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam nhận định, việc xác minh dấu hiệu bất thường trong các phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, nhiều người mua đất nền xong không phát triển nhà ở trên đất, hoặc trả giá cao bất thường tại các phiên đấu giá rồi bỏ cọc tạo ra hệ lụy, hỗn loạn, mất niềm tin vào thị trường.
Cũng theo ông Tâm, cần tạm dừng đấu giá đất nền tại các huyện vùng ven Hà Nội đến khi có kết quả xác minh, lấy đây làm cơ sở để xác định lại giá đất khởi điểm và tìm ra giải pháp đấu giá minh bạch hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao tỷ lệ đặt tiền cọc lên so với hiện tại. Bởi với mức cọc thấp như hiện nay, chỉ cần bỏ ra một số tiền không lớn sẽ dễ dẫn đến trường hợp nhiều người “đổ xô” đi đấu giá đất, tạo hiệu ứng đám đông để đầu cơ, nếu không thoát được hàng sớm thì chấp nhận bỏ cọc. Với quy định hiện hành, người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị cấm tham gia đấu giá trong thời gian ngắn không đủ sức răn đe, dễ bị luồn lách.