Hà Nội: Người dân chật vật "vượt lũ" ở hầm chui bằng xe kéo
BÀI LIÊN QUAN
Lượng hàng tồn kho bất động sản thực tế có thể cao hơn con số báo cáoTích cực “săn” quỹ đất sạch: Cuộc chạy đua nước rút của các “ông lớn” bất động sảnBất động sản nghỉ dưỡng, du lịch có nhiều yếu tố hỗ trợ50.000 đồng cho 1 lần kéo qua đoạn ngập
5 ngày sau những cơn mưa lớn, tính đến chiều 28/7, một số điểm ở đường gom và hầm chui dân sinh quanh Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vẫn ngập sâu trong nước, khiến người dân đi lại vô cùng vất vả.
Như hầm chui dân sinh ở nút giao Lê Trọng Tấn - Đại lộ Thăng Long hay hướng về phía Hòa Lạc cũng có 3 - 4 hầm chui vẫn đang chìm trong nước. Nhiều người đi xe máy, ô tô con khi vượt qua đoạn ngập đã bị chết máy phải gọi cứu hộ.
Anh Trần Văn Quang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, anh đi xe máy từ Hòa Lạc về trung tâm Hà Nội, thấy đoạn ngập nhưng anh nghĩ rồ ga có thể qua được nên vẫn liều đi. Không ngờ đến đúng giữa đoạn ngập, xe chết máy. Anh phải thuê xe kéo của người dân với giá 50.000 đồng để đưa xe máy qua đoạn ngập.
Còn chị Phạm Thị Thùy Linh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, chị sợ đang đi qua đoạn ngập thì xe chết máy nên thuê kéo qua đoạn ngập ngay từ đầu. Tại đoạn ngập cũng có thợ sửa xe lưu động, nhưng xe bị chết máy muốn làm nổ trở lại phải mất 50.000 đồng, thay bugi thì 200.000 đồng. Vậy nên, thuê xe kéo ngay từ đầu vừa tiết kiệm hơn còn an toàn, không bị ướt, không phải dắt xe.
Tại khu vực Km6 Đại lộ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội), không chỉ đường mà nhiều nhiều nhà xưởng xung quanh cũng chìm trong biển nước. Phương tiện chết máy hàng loạt khi cố lưu thông qua đây. Người dân sinh sống tại đây cho hay, quãng ngập này đã kéo dài 5 ngày nay, nước rút rất chậm. Năm nay, đây là lần ngập úng nặng và kéo dài nhiều ngày nhất.
Lan tỏa hành động đẹp
Liên quan đến câu chuyện ngập úng nhiều ngày tại khu vực Đại lộ Thăng Long, mới đây, mạng xã hội đã lan toả hình ảnh đẹp của 1 người đàn ông đứng cùng 2 đứa trẻ, chỉ dẫn các phương tiện di chuyển qua đoạn đường tắt không bị ngập. Tấm biển được viết nắn nót dòng chữ: "Đường ngập, đi lối này".
Chị Kiều Quỳnh (mẹ bé trai xuất hiện trong tấm ảnh) cho biết, khu vực đặt tấm biển chỉ dẫn nằm ở lối cầu chui dân sinh số 19, Đại lộ Thăng Long. Hôm trước chị về nhà ngoại, phải đi qua chỗ ngập. Lúc đó, có một số người mời chị lên xe kéo để đi qua đoạn ngập với giá 50.000 đồng/lượt. Sinh sống ở đây nên chị quen đường, chị đã tìm đường tắt và chỉ cho một số người khác đi lối không bị ngập.
Tối 27/7, chị về nhà nội ăn cơm. Trong bữa ăn, chị có kể chuyện đi qua đoạn đường ngập. Cả nhà nghe xong đều có chung một suy nghĩ: "Nếu có người chỉ đường cho mọi người đi như vậy thì tốt quá". Em rể chị Quỳnh là bộ đội, đang được nghỉ phép về chơi, nhiệt tình ủng hộ ý kiến này. Anh nói với 2 con trai của chị Quỳnh, 3 chú cháu cùng ra khu vực ngập chỉ đường cho mọi người.
Chị Quỳnh kể, sáng nay ngủ dậy, mấy chú cháu làm theo đúng kế hoạch và nhờ ông nội viết biển chỉ dẫn. Cả 3 chú cháu đứng từ 7h sáng, sau đó bé em về trước, còn bé anh ở lại đến 12h trưa rồi về ăn cơm với chú. Con trai lớn của chị Quỳnh năm nay lên 10 tuổi, còn con trai nhỏ 8 tuổi. Hai bé rất ngoan và biết phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.
Chị Quỳnh bộc bạch, giúp được mọi người chút nào thì hay chút đó. Bố chị đi đường, thấy xe hết xăng, ông cũng xắn tay giúp. Chị chỉ mong sẽ lan toả được những điều tích cực tới cộng đồng.
Thực tế, ở những điểm ngập úng sâu, cơ quan chức năng vẫn để biển cảnh báo và thường xuyên có người túc trực. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố đi qua, cả xe máy, ô tô lẫn cả người đi bộ.
Về tình trạng ngập kéo dài này, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Ngà vẫn ở mức cao nên còn tồn tại các điểm úng ngập trên tuyến đại lộ Thăng Long. Để rút ngập, đập Thanh Liệt cuối sông Nhuệ vẫn đang mở để tháo nước ra sông Hồng. Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đang phối hợp cùng các đơn vị thủy nông vận hành bơm liên tục như trạm bơm Khai Thái, Yên Nghĩa để nhanh chóng hạ mực nước sông Nhuệ.
Nguy cơ tái ngập hiện hữu
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và các chuyên gia thời tiết cảnh báo, từ đầu tuần này, Hà Nội lại có mưa to trở lại, có thể kéo dài 3 - 4 ngày. Do đó, các khu vực đang bị ngập nếu không tiêu thoát bớt nước đệm để tạo dung tích chứa dự phòng thì sẽ tiếp tục tái diễn tình trạng ách tắc giao thông kéo dài do ngập úng.