Hà Nội: Giá đất quanh đường vành đai 4 có khu vực lên đến 150 triệu đồng/m2
BÀI LIÊN QUAN
Phân khúc nào đang có tỷ suất sinh lời tốt nhất?Ăn theo quy hoạch, giá đất ven sông Hồng lại "sốt"Hạ tầng triển khai đồng loạt, bất động sản vùng ven nổi "sóng"Nhà đầu tư đổ xô đi săn đất
Tờ trình UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112,8km, trong đó có 58,2km qua địa phận thành phố Hà Nội, từ Km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) đến Khu đô thị Mê Linh (huyện Mê Linh) và Khu đô thị Mê Linh qua sông Hồng, kéo dài đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức...
Theo Dân Trí, vừa qua, thông tin triển khai đường vành đai 4 vùng Thủ đô đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Giá đất các vùng ven Hà Nội vì thế mà liên tục "nóng".
Ngay từ cuối năm 2021, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chủ động đi săn tìm đất ở khu vực gần tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Tiêu chí lựa chọn đầu tư của anh Tiến là đất nền và có vị trí gần đường sắp triển khai này. Hiện tại, anh đang nắm trong tay tới 3 mảnh đất nền, nếu tính theo giá thị trường, anh đang lãi gấp 1,5-2 lần so với giá mua vào trước đó.
"Dù thông tin triển khai tuyến đường này chưa được xác định nhưng khi có quy hoạch như hiện tại thì đây là một cơ hội đầu tư bất động sản thích hợp. Giá đất có tăng nóng, nhưng đây là xu hướng tăng chung của thị trường", anh Tiến nói.
Tương tự đó, chị Hoa, một môi giới nhà đất ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, trước kia đất làng, xã ở khu vực xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) chỉ dao động trong khoảng từ 3-4 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp khoảng 3-4 lần.
"Cách đây 2 năm, giá đất ở xã Thanh Xuân chỉ 3-5 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp 2-4 lần. Nhất là những mảnh nằm ven đường 35, hiện có giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Do đất tăng nóng nhưng trong thời gian ngắn, nhiều chủ đất ở địa bàn dù muốn bán nhưng lại lưỡng lự, nghe ngóng chờ tăng giá thêm", chị Hoa cho hay.
Đồng ý là có cơ hội đầu tư, nhưng anh Nguyễn Đức Hùng, một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm ở Hà Nội chia sẻ rằng, thời gian qua, xuất hiện nhiều môi giới kéo về khu vực Sóc Sơn thuê mặt bằng để mở văn phòng giao dịch bất động sản làm cho thị trường nóng hơn. Bên cạnh đó, việc đổ tiền theo quy hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ hay mốc giới...
Đất ven đường vành đai có giá lên tới 150 triệu đồng/m2
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng vừa qua cho biết, trong quý I, giá đất nền và nhà ở riêng lẻ có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư, bình quân tăng khoảng từ 5-10% so với quý trước.
Tại Hà Nội, có nơi giá đất vùng ven tăng một cách chóng mặt. Đất khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh có giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn. Các khu vực đường vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức, gần cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương có giá hơn 100 triệu đồng/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng có giá khoảng 150 triệu đồng/m2.
Còn theo kết quả khảo sát thực tế, tại một số khu vực liên quan tới đường vành đai 4, giá đất đã có biến động. Một số nơi còn xuất hiện tình trạng thổi giá bất động sản, những cơn sốt đất ảo ngầm có khả năng gây nhiễu loạn thị trường.
Tại huyện Đan Phượng, thị trường nhà đất ở nhiều xã nhận được sự quan tâm lớn. Lượng rao bán nhà đất tăng mạnh, đặc biệt là khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện và thị trấn Phùng. Theo đó, giá đất ghi nhận tại khu trục đường lớn khoảng từ 60-70 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Phùng có giá khoảng từ 130-140 triệu đồng/m2, tăng khoảng từ 10-15%.
Còn tại khu vực huyện Hoài Đức, ghi nhận thấy giá đất tại các xã như Đức Thượng, Dương Liễu, Song Phương, Tiền Yên có nhích lên, tăng thêm khoảng từ 10-15 triệu đồng/m2 so với năm ngoái. Theo đó, giá đất trung bình tại huyện vào khoảng 40-50 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm có giá khoảng 130-150 triệu đồng/m2.
Trước hiện tượng giá đất tăng "nóng", các chuyên gia bất động sản cảnh báo, dù tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua các địa phương sẽ làm tăng "sức nóng" thị trường bất động sản, song tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ hay mốc giới...
Trên thực tế, đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc "ôm" đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Vì thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh "tiền mất tật mang".
"Thực tế hai bên tuyến đường này thường sẽ bị rào, không thể đỗ xe... Bình thường ít ai đang di chuyển trên đường vành đai, cao tốc tự nhiên lại dừng lại uống cốc nước hay mua gói bánh, ngủ nghỉ... trừ những tình huống bắt buộc. Không đưa vào kinh doanh dịch vụ được thì bất động sản không gia tăng giá trị hoặc giá trị không cao", ông Trần Văn Sơn, một giảng viên đào tạo đầu tư bất động sản khuyến cáo và khẳng định, nếu không có kinh nghiệm mà đầu tư theo đường cao tốc, đường vành đai thì tỷ lệ thất bại sẽ không nhỏ.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, ở đâu hạ tầng giao thông tốt thì kinh tế, đô thị phát triển, tất yếu bất động sản cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết những thông tin về khu vực được dự báo là tiềm năng đều là những thông tin bên lề. Vì thế, các nhà đầu tư nếu bị lôi kéo vốn vào các khu vực đó sẽ dễ bị cuốn vào những cơn "sốt đất ảo", mua phải đất với giá đỉnh rồi không thanh khoản được, bị "chôn vốn" khi cơn "sốt đất hạ nhiệt".