Hà Nội: Cần sớm "bịt” lỗ hổng trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
Nhu cầu lớn nhưng còn nhiều sai phạm
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025".
Theo đó, TP.Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, trong đó sẽ ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.
TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn - vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng nhà ở xã hội đang triển khai; chấn chỉnh chủ đầu tư và nhà thầu thi công việc tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Việc làm này nhằm phát hiện người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để thông báo cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội biết để xóa tên trong danh sách dự kiến được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
UBND cấp huyện nơi có nhà ở xã hội chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện trong mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn do mình quản lý.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát việc quản lý sử dụng nhà ở của các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
TP.Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tuân thủ việc mua bán, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện đối tượng mua bán, sử dụng nhà ở xã hội không đúng quy định, xử lý vi phạm theo quy định hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND cấp huyện để xử lý vi phạm nếu vượt thẩm quyền.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, đã có 12.659 căn hộ nhà ở xã hội tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở. Việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục.
UBND TP.Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.
Một số dự án nhà ở xã hội được UBND TP. Hà Nội điểm tên cụ thể là dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp không sử dụng; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp.
Cần kiểm soát chặt hơn nữa
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã; các chủ đầu tư dự án có NƠXH, hướng dẫn việc bán, cho thuê, thuê mua NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Theo đó, các đối tượng thuê, thuê mua, mua NƠXH gồm: Người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Điều kiện để các đối tượng trên được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH gồm: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định; phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố nơi có NƠXH. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên.
Các đối tượng là người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân, quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập.
Về nguyên tắc bán, cho thuê, thuê mua NƠXH, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ NƠXH một lần. Người thuê NƠXH không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký.
Người mua, thuê mua NƠXH không được phép thế chấp, không được chuyển nhượng nhà ở trong thời gian tối thiểu 5 năm và chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng - PV) theo quy định của pháp luật đất đai.
Theo Sở Xây dựng, trong thời hạn chưa đủ 5 năm, nếu bên mua, thuê mua có nhu cầu bán lại NƠXH thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư hoặc cho đối tượng được mua, thuê mua NƠXH theo quy định với giá bán tối đa bằng giá bán NƠXH cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.
Bàn về việc "bít" lỗ hổng trong sử dụng nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để xử lý hiện tượng môi giới bán nhà ở xã hội dù không có thỏa thuận với chủ đầu tư để chiếm đoạt tiền cọc hay việc thu chênh, rao bán suất mua nhà ở xã hội… các cơ quan cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản. Hiện nay, vẫn còn nhiều sàn “ngoài luồng” không đăng ký với Sở xây dựng các địa phương cũng như môi giới không có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
"Đối với các sàn, môi giới có hành vi làm việc không đúng quy định pháp luật cần kiên quyết xử lý, không cho phép hoạt động. Đối với môi giới bất động sản vi phạm quy định trên sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề và cấm hoạt động trong một thời hạn" - ông Đính đề xuất.
Còn theo luật sư Lê Ngọc Sơn, TP Hà Nội yêu cầu quản lý chặt việc đăng ký cư trú tại các dự án nhà ở xã hội là giải pháp đúng đắn. Điều này đảm bảo người cần nhà ở thực sự ở đó chứ không phải những người không có nhu cầu ở mua rồi để cho thuê, chuyển nhượng trá hình. Mặt khác, vị luật sư cũng cho rằng, chúng ta cần thay đổi quan niệm về sở hữu nhà ở xã hội.
"Đã là chính sách ưu đãi về nhà ở thì Nhà nước nên đầu tư theo hướng nhà ở xã hội chỉ cho thuê mua hoặc cho thuê. Khi người ở không còn nhu cầu, Nhà nước sẽ lấy lại để cho những đối tượng có nhu cầu thực sự sử dụng, như hiện nay là không hợp lý dẫn đến việc nhiều đối tượng không có nhu cầu thực sự lợi dụng mua bán kiếm lời dựa trên những ưu đãi của chính sách" - Luật sư Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Làm rõ thêm những vấn đề về thị trường bất động sản trong phiên chất vấn được đại biểu Quốc hội nêu ra ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ. Các dự án này mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây, sau khi có gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. |