Grab và GoTo đặt cược vào chiến lược “siêu ứng dụng”, tham vọng thành công như WeChat
BÀI LIÊN QUAN
Sau vòng gọi vốn cộng đồng, các startup Việt triệu USD vẫn nhận kết buồn dù được nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”“Mùa đông gọi vốn” ở Đông Nam Á ngày càng lạnh thê thảm: Có startup công nghệ cuối năm ngoái vẫn huy động được tiền, giờ đã cạn vốn, đóng cửaTheo Doanh nghiệp & Kinh doanh, lấy cảm hứng từ sự thành công của WeChat, những công ty Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) đã quyết tâm theo đuổi chiến lược về “siêu ứng dụng”. Thế nhưng, giờ đây, cả hai công ty đều gặp khó khăn khi họ buộc phải cắt giảm nhiều loại dịch vụ bởi việc gọi vốn đầu tư đã không còn đơn giản và dễ dàng như trước đây.
Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) trong suốt cả thập kỷ qua đã nỗ lực chạy theo cái được gọi là “siêu ứng dụng”. Theo tờ Financial Times, đây là một ứng dụng tích hợp nhiều tính năng, từ giao đồ ăn, gọi xe và cả thanh toán, cung cấp cho người dùng nhiều tiện ích trên cùng một ứng dụng/ nền tảng.
Hai đơn vị này đã liên tục nhận được nguồn vốn từ giới đầu tư. Họ đặt cược vào sự thành công trong chiến lược theo đuổi về siêu ứng dụng trong khi nhu cầu dùng các dịch vụ trên Internet đã gia tăng đáng kể ở thời kỳ đại dịch COVID 19.
Thế nhưng, trong 12 tháng qua, mọi thứ đã không đi theo đúng ý muốn của công ty. Cả hai đơn vị này đều đã buộc phải cắt giảm hàng nghìn nhân sự và giảm thiểu hoạt động ở một số mảng kinh doanh vốn không còn động lực tăng trưởng. Hiện tại, giá cổ phiếu của Grab và GoTo đã giảm khoảng 60% so với thời điểm IPO.
Theo các nhà phân tích, đà tăng của mức lãi suất đã khiến thời kỳ gọi vốn một cách đơn giản chấm dứt đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Hiện tại, các công ty phải đánh giá xem mô hình kinh doanh của họ liệu có thể đem lại lợi nhuận hay không.
Là những startup lớn nhất Đông Nam Á, Grab và GoTo đã theo đuổi chiến lược về siêu ứng dụng, vốn được lấy cảm hứng từ sự thành công của WeChat. Thuộc sở hữu của Tencent có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, ứng dụng tích hợp nhiều tính năng như chơi game, nhắn tin, thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến…
WeChat đã thành công khi tạo nên một cuộc cách mạng về siêu ứng dụng tại khu vực châu Á. Giới đầu tư cũng đã đặt niềm tin nhiều hơn với các công ty, doanh nghiệp nỗ lực theo đuổi chiến lược đó.
Tất cả đã đạt tới mức đỉnh khi GoTo và Grab lần lượt niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Jakarta và Sàn giao dịch Chứng khoán New York. Mức định giá của hai công ty cũng đã lên tới hàng chục tỷ USD.
Các công ty này hiện phải tính toán việc theo đuổi chiến lược về siêu ứng dụng. Bên cạnh việc sa thải 11% tổng lực lượng lao động, bằng khoảng hơn 1.000 người chỉ vào tháng trước, Grab còn phải giảm thiểu các hoạt động kinh doanh nhà bếp trên nền tảng đám mây, dành ít thời gian hơn vào việc mở rộng sang các đơn vị như giải trí, hay giảm trợ cấp trong các lĩnh vực như giao đồ ăn.
Theo người sáng lập Grab, Anthony Tan, công ty có trụ sở tại Singapore đang ở đà hòa vốn vào cuối năm 2023. Thế nhưng. tốc độ tăng trưởng của công ty đang dần chậm lại và số lượng giao dịch của khách hàng cũng giảm dần đi.
Công ty mẹ Gojek cũng ở tình trạng tương tự khi đã thực hiện một số đợt sa thải nhân sự và loại bỏ bớt một số mảng kinh doanh theo yêu cầu, không đạt được hiệu quả cao trong hoạt động như GoMassage và GoClean.
Vào tháng trước, ông Patrick Walujo đã được bổ nhiệm lên làm giám đốc điều hành của GoTo. Động thái này được một số nhà đầu tư đánh giá rằng có thể đem đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Theo một nhà đầu tư, ông ấy là một doanh nhân tài giỏi người Indonesia và không phải là một người đa cảm. Ông ấy sẽ làm nếu cần phải đưa ra những quyết định khó khăn hay cần phải làm một số thỏa thuận nào đó.
Theo chia sẻ từ Shane Chesson, đối tác sáng lập của Openspace, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư sớm vào Gojek, mô hình “siêu ứng dụng” mang ý nghĩa đặc biệt trong việc nắm bắt hoạt động hàng ngày của khách hàng.
Theo ông Chesson, các doanh nghiệp đã tập trung trở lại vào những thứ thiết yếu, và bỏ đi những dịch vụ không cần thiết và phù phiếm. Bên cạnh đó, cũng đã kiểm duyệt những kỳ vọng xung quanh việc giảm giá liên tục cho người tiêu dùng.
Theo một lãnh đạo cấp cao của Grab, công ty dù đã cắt giảm một số dịch vụ song vẫn có một niềm tin rằng Grab có thể mang đến nhiều dịch vụ hơn cho khách hàng mà vẫn đảm bảo có lợi nhuận, giống như cách mà Uber đã làm.
Trong khi, một số người khác cảm thấy nghi ngờ rằng liệu các “siêu ứng dụng” tại Đông Nam Á như Grab và GoTo có thể mang đến cho các nhà đầu tư mức lợi nhuận ổn định hay không, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện trên thị trường.
Chẳng hạn như ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của ByteDance đã sớm lấn sân sang mảng thương mại điện tử và qua thời gian ngắn cũng khẳng định được vị thế ở khu vực Đông Nam Á trong vòng 1 năm qua.
Theo phân tích của nhiều nhà đầu tư, Grab và GoTo có thể vẫn đang lan man qua quá nhiều dịch vụ ở cùng một ứng dụng. Một nhà đầu tư cho biết các công ty này vẫn mang đến nhiều dịch vụ hơn trên một ứng dụng nếu so sánh với Uber. Điều đó khiến họ vấp phải nhiều sự cạnh tranh, bị đẩy vào tình cảnh khó có thể theo đuổi một mô hình bền vững trong tương lai. Không thể cùng một lúc họ có được cả lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng vượt bậc.