Giải pháp nào tăng cường thu hút “nguồn lực vàng” kiều hối?
BÀI LIÊN QUAN
Luật Đất đai sửa đổi được thông qua: Hút thêm dòng vốn từ Việt kiềuLuật bất động sản mới chào đón Việt kiều đầu tưBất động sản chu kì mới và bài toán dẫn vốn kiều hốiNguồn lực "vàng" từ kiều hối
Kiều hối về Việt Nam trong những năm qua liên tục gia tăng. Đây được xem là nguồn lực quan trọng, góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ chính sách tiền tệ, tỷ giá, nhất là trong bối cảnh các đồng tiền đang có sự biến động.
Theo Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. TP.HCM tiếp tục là địa phương nhận lượng kiều hối lớn nhất, lên tới gần 9,5 tỷ USD, chiếm khoảng 60% cả nước.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình 3 năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17 - 18 tỷ USD kiều hối mỗi năm (vào năm 2022, kiều hối thậm chí đạt kỷ lục 19 tỷ USD) và đứng trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Để rõ hơn về ý nghĩa của lượng kiều hối này, có thể so sánh với số vốn FDI thực hiện năm qua. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cả năm 2023 đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn FDI thực hiện ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD. Như vậy, nếu lượng kiều hối về Việt Nam gần bằng một nửa so với vốn FDI đăng ký.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân.
Các chuyên gia đánh giá, nguồn kiều hối có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở các địa phương và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiều hối về Việt Nam thường với một số mục đích: Hỗ trợ tiêu dùng, tích luỹ của người nhà tại Việt Nam; đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; đầu tư vào bất động sản.
“Cuối năm là thời điểm người ở nước ngoài gửi tiền nhiều về cho gia đình, thân nhân trong nước. Do đó, dòng kiều hối đổ về những tháng cuối năm tương đối nhiều”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lượng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao là điều rất đáng mừng. Điều này cho thấy đồng bào Việt Nam ở nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Ngoài ra, điều này cho thấy những chính sách khuyến khích, thu hút kiều bào đầu tư về nước trong những năm qua cũng đang phát huy hiệu quả.
Theo ông Thịnh, để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng” này, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và các thủ tục thông thoáng; các ngân hàng cần có những ưu đãi, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều chuyển tiền về nước, hạn chế dòng tiền chảy qua các kênh không chính thống.
Có chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đề nghị, chính quyền cần có chính sách tạo thuận lợi cho Việt kiều đầu tư về trong nước, ví dụ thông thoáng hơn trong việc tiếp cận đất đai của người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiều hối - trợ lực của thị trường bất động sản
Đề cập đến dòng kiều hối chảy vào bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong 3 năm trở lại đây, nguồn kiều hối đổ vào bất động sản hạn chế hơn trước nhiều so với giai đoạn trước dịch bệnh.
“Trước đây, nhiều người ở nước ngoài, thậm chí những người hưu trí gửi tiền về cho người thân trong nước khá nhiều để mua bất động sản, nhưng trong và sau dịch bệnh thì lượng tiền gửi đã chậm hơn”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia cho rằng, khi thị trường bất động sản chưa trở nên sôi động thì dòng kiều hối đổ về để đầu tư vào bất động sản có lẽ cũng chưa sôi động.
Chia sẻ về việc các luật mới đã tạo điều kiện thông thoáng hơn cho việc sở hữu nhà trong nước của kiều bào, ông Hiếu cho hay, luật có những cởi mở hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều rào cản trong việc sở hữu nhà, đất của kiều bào.
“Kiều bào về nước họ thích mua nhà riêng lẻ, nhưng việc sở hữu đất hiện rất khó khăn. Đa số kiều bào cũng không thích việc ở chung cư, bởi chung cư cao cấp ở Việt Nam thì hiện rất đắt đỏ, còn chung cư giá vừa phải thì tồn tại rất nhiều vấn đề. Hơn nữa, những kiều bào có thu nhập cao thì thường họ thích về Việt Nam để đầu tư hơn là định cư”, ông Hiếu nêu.
Dù vậy, ông Hiếu vẫn đánh giá bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt trong trung và dài hạn và đây cũng là kênh hứa hẹn thu hút nhiều nguồn lực kiều hối đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, LS. Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định theo hướng người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
“Quy định mới được kỳ vọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước”, ông Tuấn nêu.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng đánh giá các luật mới sẽ kích thích người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam. Điều này tạo nên lượng cầu lớn đối với thị trường.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Thêm nữa, cùng với dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng không ngừng tăng lên. Điều này tạo nên nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam rất lớn.