Giải bài toán sử dụng đất vàng hậu di dời trụ sở (Kỳ 1): Đừng để trụ sở di dời... cao ốc "mọc" lên
Cao ốc "mọc" nhan nhản hậu di dời
Từ năm 1992, Hà Nội đã có kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp ra khỏi nội đô, sau khi quy hoạch chung được duyệt.
Đến năm 2008, Chính phủ thông qua chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội bằng Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội vào tháng 01/2015.
Sau hơn một thập kỷ thực hiện chủ trương di dời các trụ sở cơ quan Bộ, ngành và cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, Hà Nội vẫn chưa hoàn thành mục tiêu của chủ trương đề ra. Đồng thời, vấn đề quản lý các mảnh “đất vàng”, vốn là trụ sở của các cơ quan bộ ngành và các cơ sở sản xuất công nghiệp còn nhiều bât cập hơn. Nhiều bộ ngành không chịu “nhả” những mảnh “đất vàng” này và nhiều mảnh “đất vàng” vốn được ưu tiên không gian xanh, tạo quỹ đất xây dựng công trình an sinh xã hội theo chủ trương ban đầu, thì hàng loạt chung cư, cao ốc mọc lên thế chỗ khiến đô thị càng thêm ngột ngạt, áp lực ngày càng đè nặng lên hạ tầng giao thông khu vực nội đô.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.
Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.
Năm 2016, bến xe Lương Yên được quyết định di dời sau 12 năm tồn tại. Thời điểm đó người dân địa phương khá vui mừng vì cho rằng sẽ sớm thoát khỏi cảnh tắc đường, thoát cảnh nhốn nháo do việc bắt trả khách. Thế nhưng thời gian sau đó, khu đất đã được điều chỉnh xây dựng 3 tháp nhà ở cao tầng tiếp tục gây thêm ách tắc giao thông khu vực. Tương tự, bến xe Hà Đông do tỉnh Hà Tây cũ quản lý, cũng đã ngừng hoạt động để xây dựng chung cư cao tầng.
Đối với cơ sở giáo dục, hiện mới có Đại học Y tế công cộng là trường duy nhất thực hiện di dời. Song, khu đất “vàng” của trường tại số 138 Giảng Võ (quận Ba Đình) lại được chuyển đổi xây dựng một tổ hợp dự án nhà cao tầng. Đối với cơ sở y tế, hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết trung ương đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành.
Tương tự, những mảnh “đất vàng” từ các cơ sở sản xuất để lại hậu di dời cũng được các tòa nhà cao tầng thế chỗ. Điển hình như các khu “đất vàng” trên đường Nguyễn Tuân của Nhà má xe máy Thống Nhất được dự án Thống Nhất Complex thế chỗ; dự án 90 Nguyễn Tuân cũng là khu đất của Xí nghiệp xe buýt do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội quản lý.
Một ví dụ điển hình khác là dự án Tổ hợp khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, giáo dục và căn hộ Royal City tại địa chỉ 74 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội. Dự án này nằm trên khu “đất vàng”, trước là Nhà máy Cơ khí Hà Nội thuộc Công ty TNHHNN MTV Cơ khí Hà Nội.
Về phía trụ sở các cơ quan bộ, ngành, nơi thì cố giữ, nơi thì cũng trở thành các tòa cao ốc tổ hợp văn phòng và chung cư. Đơn cử như trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ở 42 Lý Thường Kiệt đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi chức năng (xây dựng công trình thương mại, văn phòng cao 21 tầng). Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, Ba Đình cũng đang được triển khai lập dự án nhà ở.
Mặc dù đã có trụ sở mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng ở đường Lê Quang Đạo (Q. Nam Từ Liêm – Hà Nội) nhưng Bộ Ngoại giao đã đề nghị cho phép Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn được kêu gọi đối tác bên ngoài đầu tư xây dựng lại cơ sở nhà, đất cũ tại số 2, ngõ 294 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) thành Tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao phục vụ hoạt động đối ngoại.
Khu vực nội đô cây xanh thì ít, bê tông thì nhiều
Hiện nay, tỷ lệ diện tích cây xây/ đầu người ở khu vực nội đô Hà Nội chưa đến 2 m2. Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10-15 m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hiệp Quốc đề ra là 39 m2/người. Như vậy, so với chuẩn thế giới,Hà Nội đang thiếu cây xanh trầm trọng.
Về tỷ lệ diện tích không gian công cộng, Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Theo chia sẻ của ông Lê Quang Bình, Chủ tịch PPWG, qua khảo sát về nhu cầu không gian công cộng của người dân Hà Nội. Có tới 93% người dân được hỏi muốn diện tích đất hậu di dời của các nhà máy, cơ quan bộ, ngành được xây dựng công viên, 43 % muốn xây dựng cơ sở y tế, 40% muốn xây dựng cơ sở giáo dục. Đồng thời, 92% người dân Hà Nội được hỏi cho rằng, không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% số người được hỏi cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.
Khi mà diện tích công viên, mặt nước của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa gây ra. Những diện tích bị giảm này chủ yếu do bị san lấp làm đường xá, xây dựng cao ốc hay bãi đỗ xe. Điều này khiến Hà Nội ngày càng thiếu cây xanh và không gian công cộng mà bê tông ngày càng nhiều.
Giải bài toán sử dụng đất vàng
Theo điều 15, Luật Thủ đô, Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội nêu rõ:
Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời tru sở các bộ, ngành và các cơ sở sản xuất gây ôi nhiễm được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ở những khu đất sau khi di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành phản ánh trái ngược hẳn so với các văn bản quy định ở trên. Không phải công viên, trường học hay các công trình công cộng mà là những rừng cao ốc với bê tông và cốt thép.
Những ví dụ điển hình như: trên đoạn đường Nguyễn Tuân chỉ dài 720m mà phái gánh tới 20 tòa chung cư; đường Lê Văn Lương – Tố Hữu dài chỉ khoảng 2 km nhưng phải gánh tới hơn 40 tòa cao ốc …. Và chắc chắn, nếu Hà Nội sẽ còn nhiều rừng cao ốc nữa sẽ mọc lên thay vì những công viên cây xanh và không gian công cộng khác.
Theo KTS. Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống Tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, “Một khu đất mà có không gian công cộng thì giá trị khu đất đó cũng tăng lên. Giá trị này thuộc về người dân. Trong khi đó, khu đất chuyển đổi thành trung tâm thương mại thì lợi ích đó thuộc về một nhóm người. Đó là những doanh nghiệp, tập đoàn sở hữu khu trung tâm thương mại đó".
Còn theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, “Sau khi di dời các cơ sở được cho là gây thảm họa ra khỏi Thành phố để bớt độc hại thì việc xây dựng bất động sản trên khu đất lại gây thảm họa cho Thành phố bằng một cách khác, đó là thảm họa mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt, không khí không thể nhìn thấy được. Đó là sự ngấm ngầm của bụi mịn, chất độc chì trong xăng xe hằng ngày lan tỏa. Nhưng di dời rồi quỹ đất ấy không được quy hoạch, quản lý hợp lý, lại bị nhồi nhét chung cư, phá vỡ quy hoạch đô thị… thì hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn”.
Thông tin thêm về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Luật Thủ đô xác định: Di dời trụ sở một số bộ ngành, các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp và các cơ sở y tế để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh. Nếu không làm đúng như vậy là trái với Luật Thủ đô và cũng cho thấy việc di dời trụ sở bộ ngành đã thiếu sự giám sát, chỉ đạo của Nhà nước trong thực hiện Luật Thủ đô và Quy hoạch chung”.
Đông đảo người dân mong muốn, luật Thủ đô cũng đã quy định nhưng dường như cái lợi ích của một nhóm người vẫn cao hơn lợi ích của đông đảo nhân dân. Những khu đất hậu di dời đều là những mảnh đất vàng, có vị trí đẹp nếu xây dựng các cao ốc văn phòng, chung cư thì lợi nhuận là không nhỏ. Có lẽ chính bởi số lợi nhuận khổng lồ này nên ai cũng muốn xí phần, các bộ, ngành có mới rồi nhưng vẫn không chịu nới cũ. Các nhà máy, cơ sở sản xuất gât ôi nhiễm dù đã được bố trí nơi sản xuất mới nhưng bằng cách này hay cách khác vẫn biến những tòa cao ốc "mọc" trên lô đất vàng này.
Kỳ 2: Ai sẽ được sử dụng đất vàng hậu di dời trụ sở?