Giá xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam tăng mạnh nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường EU
Giá viên nén gỗ xuất khẩu tăng mạnh
với 75% nhu cầu viên gỗ toàn cầu, EU là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới khi mức tiêu thụ của năm 2021 đạt 23,1 triệu tấn, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Dự kiến con số của năm nay sẽ thiết lập mức kỷ lục mới là 24,3 triệu tấn.
Giá xuất khẩu viên nén gỗ của nhiều nước trong đó có Việt Nam tăng mạnh nhờ nhu cầu về mặt hàng này tăng cao.
“Giá xuất khẩu viên nén gỗ có thời điểm vào năm 2021 xuống 100 USD/tấn nhưng hiện đang là 180-200 USD/tấn", theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest).
Theo đó, giá của mặt hàng này đã tăng gấp 1,8-2 lần. Theo lý giải của ông Hoài, Việt Nam thường xuất khẩu viên nén gỗ sang Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng hiện nhu cầu tại châu Âu tăng cao nên giá xuất khẩu tại Việt Nam cũng tăng.
Nga đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ trong đó có viên nén gỗ từ tháng 3 năm nay nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Do đó viên nén xuất khẩu từ Nga được coi là bất hợp pháp.
Bởi vậy, thị trường nhập khẩu viên nén gỗ trên thế giới bị gián đoạn và các nước châu Âu phải tìm nguồn cung mới.
Phó Chủ tịch Viforest cho biết: “Hàng loạt những điều kiện để viên nén gỗ có thể gia tăng xuất khẩu là những xung đột địa chính trị tại các nước châu Âu, nguồn cung năng lượng khan hiếm và cam kết của các quốc gia về việc giảm phát thải khí nhà kính. Bởi lẽ, viên nén gỗ được coi là năng lượng sinh khối và so với các nhiên liệu hóa thạch truyền thống thì nó ít phát thải hơn”.
Giá của viên nén xuất khẩu không chỉ tăng mạnh tại châu Âu mà sang Hàn Quốc cũng tăng cao, theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu từ các Hiệp hội gỗ và tổ chức Forest Trends.
Theo đó, các đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có giá 150 - 160 USD/tấn, tăng khoảng 19,4% so với cuối năm ngoái, Trong khi Nhật Bản ghi nhận mức giá 140 - 145 USD/tấn, tăng khoảng 10%.
Các nhà máy nhiệt điện tại Nhật Bản và Hàn Quốc dùng viên nén nhiều hơn vì giá năng lượng tăng, điều này đã giúp giá xuất khẩu viên nén tăng mạnh, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt.
Giá chưa có dấu hiệu chững lại
Viforest cho biết viên nén là một mặt hàng mới nổi của ngành xuất khẩu chế biến gỗ Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Lượng xuất khẩu của Việt Nam vào năm ngoái đạt trên 3,5 triệu tấn giúp ngành gỗ thu về hơn 400 triệu USD.
Hai thị trường tiêu thụ viên nén lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc. Có tới trên 95% tổng lượng viên nén xuất khẩu của cả nước được xuất sang hai thị trường này. Khu vực châu Á Thái Bình Dương được xem là khu vực kỳ vọng để những nhà sản xuất viên nén tại Việt Nam phát triển vì đây là nơi có số lượng nhà máy điện than lớn nhất toàn cầu.
EU đang thiếu nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga nên nhu cầu đối với viên nén của khu vực này tăng lên.
Bên cạnh đó, các quốc gia chủ yếu nhập khẩu viên nén từ Nga trước đó tại EU đang tìm kiếm nguồn cung thay thế vì mất hoàn toàn nguồn cung 2,4 triệu tấn hàng năm từ Nga sau lệnh cấm.
Mỹ và Canada là một số nguồn cung thay thế, ngoài ra còn có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt gia tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường sử dụng viên nén gỗ hàng đầu thế giới.
Wood Resources International LLC cho biết tại châu Âu, 40% viên nén gỗ được dùng để sưởi ấm khu dân cư, 36% cho nhà máy điện, 14% cho việc sưởi ấm các tòa nhà thương mại và 10% cho nhà máy điện và nhiệt điện. Trong vòng nửa thập kỷ tới, nhu cầu viên nén gỗ có thể tăng 30 đến 40% và sản lượng viên gỗ của châu Âu có thể tăng tới 10 triệu tấn tùy theo cách thức phát triển nhập khẩu.
Không chỉ là nguồn cung mới quan trọng đối với EU, Mỹ và Canada cũng là nhà cung cấp viên nén gỗ hàng đầu cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Bởi vậy, hai quốc gia châu Á sẽ thiếu hụt sản lượng một khi EU hút hàng từ Mỹ và Canada. Và rồi giá của viên nén gỗ tiếp tục ở mức cao vì sự khan hiếm.
Theo báo cáo của Viforest, giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam hiện chưa có dấu hiệu sẽ chững lại trong tương lai.
Thế nhưng, việc thị trường xuất khẩu đang đề ra những yêu cầu nghiêm ngặt về tính hợp pháp của gỗ được dùng để làm sản phẩm này đang là một thách thức với hoạt động xuất khẩu mặt hàng viên nén của Việt Nam.
Cụ thể, đa số các quốc gia châu Âu và hiện cả Nhật Bản đều yêu cầu có chứng chỉ đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu để làm viên nén có nguồn gốc từ diện tích rừng được quản lý bền vững (FSC).
Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 186.000 ha diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ FSC, theo Viforest. Lượng gỗ nguyên liệu được đưa vào làm viên nén còn hạn chế vì diện tích cho khai thác mới chỉ chiếm khoảng 40 - 50%.
Hơn nữa, vì nguyên liệu đầu vào đang chịu sự cạnh tranh từ mặt hàng dăm gỗ nên sản lượng cung ứng không tăng nhiều dù giá xuất khẩu đi lên.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho hay: “Giá dăm gỗ xuất khẩu còn tăng cao hơn giá viên nén tăng. Đây là hai sản phẩm đều dùng gỗ rừng trồng. Bởi vậy, lượng xuất khẩu viên nén gỗ khó có thể tăng nhanh khi nhu cầu tăng còn nguyên liệu thì hạn chế”.