Giá vàng liên tục tăng phi mã, người vay vàng méo mặt khi khoản nợ phình to
BÀI LIÊN QUAN
Nguyên nhân nào khiến giá vàng SJC “phi như bay”?Thiếu vắng nền tảng vững vàng về lợi nhuận, cổ phiếu bán lẻ không giữ được đà tăng mạnh mẽNhà mặt phố thi nhau rao bán sau thời điểm “đẻ trứng vàng”Giá vàng gần đây liên tục tăng cao ngất ngưởng, thậm chó có loại còn đắt nhất lịch sử khiến nhiều người vay vàng trước đó, đến nay “méo mặt” lo trả nợ khi khoản nợ phình to.
Chị Lê Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, năm 2019, vợ chồng chị mua một căn hộ chung cư với giá gần 3 tỷ đồng. Theo đó, chị Ngọc Anh đã cân nhắc giữa chuyện vay tiền mặt từ ngân hàng hay vay vàng từ người thân.
Tuy nhiên, do ngại làm thủ tục vay ngân hàng và cũng không muốn trả các khoản lãi hàng tháng, hàng quý, trong khi thấy giá vàng nhiều năm ít biến động nên vợ chồng chị quyết định mượn 10 lượng vàng vào thời điểm giá xoay quanh mức 37,2 triệu đồng/lượng.
Đến năm 2022, chị Ngọc Anh định trả nợ, nhưng giá vàng đột nhiên tăng dựng đứng, cao nhất lịch sử, chị đành nói khó với người thân đợi đến cuối năm 2023 sẽ trả, để đợi giá vàng bình ổn trở lại. Thế nhưng, chờ suốt 1 năm, giá vàng vẫn không trở về mức cũ. Thậm chí, thời gian gần đây, giá vàng còn liên tục tăng và đã xấp xỉ kỷ lục năm 2022, thậm chí có nguy cơ tiếp tục tăng cao hơn. Chị Ngọc Anh lo lắng khôn nguôi vì không thể lùi thời gian trả nợ được nữa.
Giá vàng liên tục tăng cao ngất ngưởng, có loại còn đắt nhất lịch sử |
Theo nhẩm tính, số vàng chị Ngọc Anh vay thời điểm 2019 quy đổi ra tiền là 372 triệu đồng, nhưng nếu trả theo giá vàng hiện nay khoản tiền lên tới gần 740 triệu đồng, tăng gấp đôi so với lúc vay, tức chị phải trả thêm khoảng 370 triệu đồng.
Chị Ngọc Anh than thở, vay vàng từ đầu năm thì đến cuối năm 2019, giá bắt đầu tăng lên mức 39 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm vượt mốc 42 triệu đồng/lượng do chịu tác động của giá thế giới. Lúc này, chị đã thấy lỗ nặng rồi nhưng vẫn cố chờ vàng giảm và hy vọng thị trường sớm bình ổn vì nghĩ có tăng thì có giảm.
“Nhưng càng chờ thì giá lại càng tăng, vàng càng đắt đỏ. Đã có lúc sốt ruột quá, tôi định mua vào để găm hàng, chờ bán khi giá lên cao nhưng lại sợ giá sẽ quay đầu giảm mạnh, lỗ lại chồng lỗ, thành ra liên tục rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, năm 2021, khi quyết định mua chiếc ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng, chị đã mượn 10 lượng vàng của người thân ở thời điểm giá vàng đạt 53 triệu đồng/lượng. Đến nay, theo hẹn chị phải trả số vàng đã vay. Nhưng trước đó từ lâu, chị Mai đã mất ăn mất ngủ, lo lắng không yên vì giá vàng ngày càng tăng cao, khiến món nợ của chị ngày càng phình to.
Đặc biệt, những ngày gần đây, giá vàng liên tục tăng dựng đứng, lập hàng loạt kỷ lục mới về giá. Cho đến hiện tại, giá vàng đã leo lên mức 73,6 triệu đồng/lượng khiến chị Mai rối như tơ vò. Cụ thể, số vàng chị Mai vay từ năm 2021 quy đổi ra tiền là 530 triệu đồng, nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay, ước tính sẽ là 736 triệu đồng, tức chị phải trả thêm hơn 200 triệu đồng.
“Biết là giá vàng sẽ tăng nên tôi đã cẩn thận để dành được bao nhiêu đều đem gửi ngân hàng bấy nhiêu, chờ đến hạn mới rút ra mua vàng. Nhưng giờ giá vàng cao quá. Tôi mua vàng để trả lúc này còn lỗ hơn so với vay lãi ngân hàng”, chị Lan nói.
Nhiều người vay bằng vàng thiệt hại nặng khi trả nợ do vàng tăng giá quá cao |
Bài học đắt giá cho những nhà đầu tư không hiểu rõ cơ chế thị trường
Chia sẻ về việc nhiều người vay vàng bị thiệt hại nặng nề khi trả nợ do giá vàng tăng quá cao, ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ một cửa hàng vàng tại Hà Nội cho rằng, nếu là tình huống bắt buộc phải chịu, còn với những người muốn đầu tư nhưng không hiểu rõ về cơ chế thị trường thì đây là bài học đắt giá.
Thực tế, có không ít người mượn, vay vàng để đầu tư bất động sản với suy nghĩ giá bất động sản lúc nào cũng sẽ tăng nhanh và cao hơn vàng, cứ vay rồi sẽ có lời. Tuy nhiên, vàng là tài sản đầu tư mang tính rủi ro cao, có thể tăng giảm thất thường trong ngắn hạn. Trong khi đó, bất động sản không phải lúc nào cũng sốt hoặc muốn bán là đẩy đi ngay được.
Theo anh Tuấn, chỉ nên đầu tư khi đã cân đối được phần lớn tài chính cũng như dự báo được những rủi ro nếu có và phương pháp giải quyết rủi ro đó.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến cuối năm, giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước Tết và trong Tết.
Chỉ nên đầu tư khi đã cân đối được phần lớn tài chính, dự báo được những rủi ro nếu có và phương pháp giải quyết những rủi ro đó |
Chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác để đầu tư vào vàng. Bởi, nếu vàng giảm trái với dự tính, tình người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Còn trường hợp có khả năng tài chính muốn đầu tư vào kim loại quý ở giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư ⅓ số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ.
“Nếu chấm ở thang điểm 10 thì tôi cho rằng thị trường vàng đạt 7 điểm, thị trường chứng khoán 4 điểm, bất động sản 5 điểm, còn ngân hàng dù lãi suất thấp nhưng lại là thị trường an toàn nhất và vẫn sinh lời đều nên kênh đầu tư vào tiền gửi ngân hàng vẫn ở mức cao nhất, 8 điểm”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia này, những nhà đầu tư đang “ôm” vàng nên chốt lời, nếu có điểm chốt lời 10 hay 20% thì nên bán ra, không đợi giá lên thêm vì giá có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, giá vàng tăng nhưng chắc chắn không mang tính dài hạn. Thời gian qua, giá vàng thường xuyên lên nhanh nhưng cũng xuống rất nhanh. “Giá vàng bất ổn nên nhà đầu tư không nên đầu tư mạnh, nhất là những nhà đầu tư lướt sóng thì nên hết sức cẩn trọng”, ông Phong nói.