Gia Cát Lượng - Nhà quân sự đại tài của Trung Quốc
BÀI LIÊN QUAN
Vua Minh Thái Tổ vị hoàng đế kiệt xuất lập ra triều đại nhà Minh4 triết lý sống đỉnh cao về TẦM NHÌN, KẾT GIAO, CƠ HỘI, THỜI CƠ của Tào Tháo: Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn!Gia Cát Lượng là ai?
Gia Cát Lượng là ai có lẽ là câu hỏi mà những người chưa từng đọc Tam Quốc diễn nghĩa quan tâm. Gia Cát Lượng sinh năm 181 mất năm 234, tên tự là Khổng Minh, có hiệu là Ngọa Long, ông là một nhà quân sư, nhà chính trị, ngoại giao tài năng xuất chúng trong lịch sử đất nước Trung Quốc. Ông cũng một trong những khai quốc công thần, là Thừa tướng của nhà Thục Hán trong thời đại Tam Quốc.
Gia Cát Lượng vốn là một nhân vật có thực của lịch sử Trung Hoa thế nhưng hình tượng Khổng Minh lại được biết đến nhiều nhất thông qua tác phẩm tiểu thuyết vô cùng nổi tiếng của nhà văn La Quán Trung là "Tam Quốc diễn nghĩa".
Cuộc đời của Khổng Minh Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng sinh vào năm 181 tại Dương Đô, Từ Châu (nay thuộc địa phận huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông là con thứ hai trong một gia đình nghèo có đến 3 anh em. Vào năm ông 12 tuổi, cha mẹ không may qua đời khiến ông và các anh em phải chuyển đến sống nhờ nhà chú.
Năm 25 tuổi, Gia Cát Lượng lấy vợ là Hoàng Nguyệt Anh - một trong 5 người phụ nữ bị coi là xấu xí nhất trong lịch sử đất nước Trung Quốc). Hai người chỉ có với nhau duy nhất 1 người con trai đặt tên là Gia Cát Chiêm.
Vào năm 27 tuổi, Khổng Minh Gia Cát Lượng được Lưu Bị thuyết phục chiêu mộ về làm quân sư, nhằm giúp Lưu Bị khôi phục lại vương triều nhà Hán.
Trong những năm tháng phò tá Lưu Bị, Khổng Minh đã đóng góp rất nhiều công lao lớn, giúp Lưu Bị gây dựng nên cơ đồ nhà Thục Hán. Trong đó, thành công lớn nhất của Gia Cát Lượng đó là xây dựng nên liên minh hai nước Thục - Ngô để chiến đấu chống lại quân Tào Ngụy, từ đó hình thành nên thế chân vạc thời kỳ Tam Quốc.
Sau khi chúa công Lưu Bị mất vào năm 223, Khổng Minh Gia Cát Lượng tiếp tục phò tá con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện nhằm hoàn thành sứ mệnh là khôi phục vương triều nhà Hán.
Trong quãng thời gian này, ông đã thực hiện đến 5 chiến dịch điều binh đi Bắc phạt nhằm tiêu diệt hoàn toàn quân Tào Ngụy nhưng đều không thành công. Vào năm 234, trong khi đang chuẩn bị tổ chức chiến dịch quân sự Bắc phạt lần thứ 6, Gia Cát Lượng không may bị ốm liệt giường, sức khỏe suy yếu rồi qua đời, thọ 53 tuổi.
Sự thật về cái chết của Gia Cát Lượng
Theo ghi chép sử sách thì Gia Cát Lượng Khổng Minh qua đời năm 234 tại Gò Ngũ Trượng vì cơn bạo bệnh. Tuy nhiên, căn bệnh thực sự đã dẫn đến cái chết của đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Nhiều nhà sử học đã đưa ra ý kiến phỏng đoán rằng Gia Cát Lượng chết là do mắc phải một căn bệnh về đường tiêu hóa. Tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng đã nhiều lần tả cảnh Gia Cát Lượng bị đau đớn, nôn ra máu, rất có thể đây là triệu chứng, biểu hiện của căn bệnh viêm loét hệ tiêu hóa. Đó là hậu quả của thói quen căng thẳng, mệt mỏi quá độ, lao lực do phải làm việc quá sức, ăn uống nghỉ ngơi không điều độ.
Một số chuyên gia sử học cũng cho rằng Khổng Minh Gia Cát Lượng sinh bệnh tật là do phải chịu quá nhiều những áp lực nặng nề sau những lần thực hiện Bắc phạt không thành công, binh sĩ tổn thất nặng nề.
Không chỉ như vậy, ông còn phải liên tục chứng kiến những tướng lĩnh, cận thần thân tín của mình lần lượt qua đời, đặc biệt nhất trong số đó là lão tướng Triệu Vân. Đấy thực sự là đòn giáng quá mạnh vào sinh mệnh vốn đã mỏng manh, tâm lý mệt mỏi của ông.
Thời điểm Cuối tháng 8/234, Gia Cát Lượng qua đời ngay khi nằm trên giường bệnh. Mộ phần của ông được chôn cất tại địa phận núi Định Quân.
Tài năng của Gia Cát Lượng như thế nào? Liệu khả năng của ông có thực sự bị thần thánh quá mức
Qua những tình tiết trong cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung, Khổng Minh Gia Cát Lượng được khắc họa hình ảnh là một người thông minh tài giỏi, túc trí đa mưu, tính toán mọi sự như thần.
Để đánh giá chính xác hơn về tài năng thực sự của Gia Cát Lượng, người đời sau thường xem xét đến những trận chiến mà ông đã từng tham gia chỉ đạo cũng như những màn đấu trí gay cấn với 2 đối thủ lớn nhất của ông là Chu Du và Tư Mã Ý.
Đại chiến Xích Bích
Đại chiến Xích Bích luôn được hậu thế đánh giá là trận đánh nổi tiếng nhất diễn ra trong thời kỳ Tam Quốc không chỉ bởi quy mô tầm vóc to lớn mà còn vì ý nghĩa thực sự của nó. Chính trận chiến khốc liệt này đã định hình nên thế chân vạc của 3 nước đó là: Ngụy - Thục - Ngô.
Và theo miêu tả trong cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" thì người có đóng góp công lao lớn nhất trong trận chiến huyền thoại này chính là Gia Cát Lượng với câu chuyện mượn gió Đông để đánh giặc.
Trận đại chiến Xích Bích diễn ra giữa bối cảnh Tào Tháo đem hơn 22 vạn đại quân tiến đánh xuống Giang Nam với mục tiêu quyết bình định được vùng đất phương Nam, từ đó nhất thống thiên hạ.
Để chống lại quân Tào, liên minh của hai đội quân Lưu - Tôn đã được thành lập nhưng số lượng chỉ có khoảng hơn 5 vạn quân. Tương quan lực lượng giữa hai bên có sự chênh lệch vô cùng lớn.
Tuy nhiên đội quân Tào Tháo cũng không hoàn toàn có được lợi thế tuyệt đối bởi vì họ không quá giỏi về đánh thủy chiến. Thời tiết vào lúc chuẩn bị cho trận chiến đang là mùa đông, gió Bắc thổi rất mạnh.
Để tránh cho việc bị lật thuyền, Tào Tháo cho quân lính sử dụng những sợi xích sắt lớn để nối các chiến thuyền với nhau.
Để ứng phó với số lượng quân Tào vô cùng đông đảo, Chu Du và Gia Cát Lượng đã thảo luận và đưa ra kế sách "hỏa công" để tiêu diệt gọn đội quân địch. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là gió lúc đó ở khu vực Giang Nam là gió Tây Bắc, nếu như đội quân liên minh Lưu - Tôn sử dụng hỏa công thì cũng có nghĩa là “gậy ông đập lưng ông” tự thiêu chính minh.
Điều mà họ còn thiếu nhất ở đây chính là gió Đông. Ở vào thời khắc then chốt, Gia Cát Lượng đã nghĩ ra cách là lập đàn để cầu gió Đông để có thể giải quyết được vấn đề lớn nhất trong trận chiến.
Khi trận thủy chiến diễn ra, đội quân tinh nhuệ của liên minh Lưu - Tôn đã áp sát vào những chiến thuyền của đội quân Tào Tháo và phóng hỏa. Gió Đông thổi rất mạnh khiến cho lửa cháy ngày càng to.
Việc nối các chiến thuyền lại với nhau của Tào Tháo là tự đào mồ chôn mình. Chỉ trong phút chốc, hàng trăm chiếc chiến thuyền lớn của quân Tào đã bị cháy rụi. Tào Tháo đại bại buộc lòng phải rút quân, chạy trốn cùng với vài trăm quân lính còn sót lại.
Trận đại chiến Xích Bích kết thúc cùng với chiến thắng vẻ vang thuộc về nhóm liên minh của Lưu - Tôn. Kế hoạch thống nhất toàn thiên hạ của Tào Tháo bị sụp đổ, và từ đây hình thành nên thế chân vạc thời Tam Quốc.
Theo nhận định của nhà văn La Quán Trung thì quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng là một người tài giỏi, hiểu biết "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý". Ông vốn đã biết được rằng ở vào thời điểm Đông Chí, khí hậu sẽ dần ấm áp lên, và khi đó gió Đông Nam sẽ bắt đầu thổi nên quyết định lựa chọn thời điểm này để "mượn gió Đông" đánh quân Tào.
Gia Cát Lượng và đối thủ lớn nhất Chu Du
Chu Du là danh tướng lẫy lừng của nhà Đông Ngô. Ông nổi tiếng khi kết hợp với Gia Cát Lượng giành được chiến thắng trong trận đại chiến Xích Bích. Mặc dù theo những tình tiết trong cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", Gia Cát Lượng được cho là người có công lao lớn nhất khi nhờ cậy vào gió Đông" để tổ chức trận chiến đại phá đội quân Tào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sử học cho rằng đây chỉ là tình tiết hư cấu được sáng tạo ra bởi nhà văn La Quán Trung.
Thực tế, chính Chu Du mới là người có công lao lớn nhất trong trận chiến này khi đích thân ông thuyết phục khuyên nhủ Tôn Quyền hạ quyết tâm đánh quân Tào. Và Chu Du cũng là người trực tiếp tham gia việc chỉ huy đánh trận chiến này.
Xét về tài năng, Chu Du hoàn toàn không thua kém mưu trí Gia Cát Lượng. Thậm chí ông còn là tiền bối của Khổng Minh bởi lẽ khi trận đại chiến Xích Bích chính thức nổ ra, Chu Du đã có đến 15 năm kinh nghiệm dẫn quân chinh chiến trong khi đó Gia Cát Lượng chỉ mới tham gia vào việc chính sự hơn 1 năm.
Theo mô tả trong cuốn tiểu thuyết, nhân vật Chu Du được miêu tả là lòng dạ hẹp hòi, rất ganh ghét, đố kỵ với tài năng của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ông được cho là đã bị Gia Cát Lượng chọc tức đến mức sinh bệnh mà chết, và phải thốt lên một câu rằng: "Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?".
Tuy nhiên, sử gia kỳ cựu Trần Thọ đã khẳng định Chu Du là người: "Tính tình khoáng đạt, rộng lượng, thấu hiểu lòng người…là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ".
Điều này đã được chứng minh là trước khi qua đời, việc đầu tiên mà ông làm là tiến cử tướng Lỗ Túc thay thế mình tiếp tục gánh vác việc nước mặc dù trước đó giữa họ thường mâu thuẫn và bất đồng quan điểm. Ông hoàn toàn không phải là người đố kỵ, nhỏ nhen như nhiều người lầm tưởng.
Những câu nói nổi tiếng nhất của Gia Cát Lượng
Là một bậc kỳ tài hiếm có, những câu nói của Gia Cát Lượng vì thế luôn được thế hệ sau coi trọng, ghi nhớ:
- Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi (Tạm dịch sang tiếng Việt: Thời trẻ nếu không chịu cố gắng nỗ lực, khi về già sẽ gánh chịu nhiều đau thương).
- Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy (Tạm dịch ra là: Chớ cậy là có tài mà kiêu ngạo lên mặt với người khác, chớ cậy được yêu mến, sủng ái mà thoải mái tác oai tác quái)
- Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính (Tạm dịch: Lười nhác thì sẽ không thể tinh thông, nóng nảy mạo hiểm thì sẽ không thể có được suy nghĩ lý tính).
Khổng Minh Gia Cát Lượng có thể nói là một trong những nhân tài kiệt xuất của Trung Quốc. Tuy rằng tài năng của ông nhiều khi được thế hệ sau thần thánh quá mức, nhưng ông vẫn là một danh tướng tài giỏi và hết mực trung thành với Lưu Bị và nhà Thục Hán.
Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin cơ bản về Gia Cát Lượng và cuộc đời ông. Hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Hãy theo dõi website của chúng tôi thường xuyên để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!