meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Gánh nặng kép khi nhà chậm tiến độ bàn giao còn lãi suất ngân hàng thì tăng vù vù

Thứ tư, 26/10/2022-07:10
Để có nơi an cư, nhiều người dân đã dùng tiền tích góp, vay thêm ngân hàng để có thể mua trả góp nhà chung cư. Thế nhưng, lãi suất vay ngân hàng cứ tăng vù vù còn nhà chung cư thì chậm tiến độ bàn giao, khiến người dân đã trót vay tiền mua nhà cứ... đứng ngồi không yên.

Mòn mỏi chờ nhà

Anh Lê Trung Thành (36 tuổi) cho biết, hiện anh đang mua trả góp một căn hộ tại dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo hợp đồng, nhà sẽ được bàn giao vào quý 2/2022 nhưng đến thời điểm hiện tại anh vẫn chưa được nhận nhà. Hiện tòa nhà gồm 28 tầng đã cất nóc xong nhưng vẫn chưa hoàn thiện. 

“Hằng ngày đi làm qua đây, tôi thấy họ đang thi công với trạng thái cầm chừng, chỉ lác đác vài thợ làm việc. Với tiến độ này, chắc Tết năm nay gia đình tôi vẫn chưa được về nhà mới” – anh Thành than thở.


Lãi suất ngân hàng tăng khiến nhiều người mua nhà lo ngại khi mà tiến độ công trình rất chậm
Lãi suất ngân hàng tăng khiến nhiều người mua nhà lo ngại khi mà tiến độ công trình rất chậm

Anh Thành cho biết, anh vay ngân hàng 1 tỉ đồng để mua nhà. “Chúng tôi ở tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, hằng ngày vừa phải đi làm, vừa phải trả lãi ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê trọ mà dự án cứ chậm tiến độ thế thì... đúng là đứng ngồi không yên” – anh Thành nói.

Còn anh Phạm Minh Tuấn (Hà Nội) cho biết, anh đang đóng tiền trả góp một căn hộ thuộc tầng 15 của chung cư tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện tại, anh đã đóng 70% giá trị căn hộ và dự án đang trong tình trạng thi công chậm. Theo lộ trình vay tiền ngân hàng, năm đầu tiên anh được hưởng lãi suất 7,5%/năm, đến năm tiếp theo thì áp dụng lãi suất thả nổi. Khi làm hợp đồng vay tiền ngân hàng, anh được nhân viên tín dụng khẳng định rằng, lãi vay sẽ không vượt quá 11% nhưng hiện tại, lãi vay đã vượt 12%/năm rồi.

“Nếu lãi suất tiếp tục tăng thì không chỉ tôi mà nhiều người dân sẽ có khả năng vỡ nợ vì lãi thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ giao động 3 – 3,8%. Lãi cơ sở thay đổi theo thị trường và sự điều chỉnh của mỗi nhà băng” – anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự, chị Lý Thị Nhàn (32 tuổi) cho biết, cách đây 2 năm, gia đình chị đã làm hợp đồng mua một căn chung cư tại một dự án thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Theo cam kết của chủ đầu tư, nhà sẽ được bàn giao vào cuối năm 2021. Nhưng hiện tại, chị Nhàn vẫn phải gồng gánh trả nợ, trả lãi, trả tiền thuê trọ, mà vẫn chưa được nhận nhà. 

“Sau khi hết 1 năm hưởng lãi suất vay mua nhà ưu đãi 6,5%, tôi sẽ phải chịu lãi suất thả nổi gần 10%/năm. Như vậy, mỗi tháng tôi phải trả lãi khoảng 10 triệu đồng thay vì 6,5 triệu đồng như trước đây. Chưa được tận hưởng cuộc sống văn minh, hiện đại, tiện nghi như lời chủ đầu tư nói mà chúng tôi chỉ thấy mình đang “cõng” quá nhiều khoản nợ” – chị Nhàn cho biết.

Lãi suất có xu hướng tiếp tục tăng

Trong thời gian qua, các ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất cho vay, trong đó có lãi suất vay mua nhà từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Trong báo cáo mới đây nhất gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là khó khăn và thách thức.

Theo khảo sát, hiện lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng đang dao động ở mức 4,99 – 9%/năm. Cụ thể, ngân hàng MSB có lãi suất 4,99%/năm, được cố định trong 3 tháng đầu với khoản vay có thời hạn từ 24 tháng trở lên. Ngân hàng PV Bank có lãi suất vay mua nhà ưu đãi là 5%/năm trong 6 tháng đầu, các tháng sau ở mức 12%/năm.


Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là khó khăn và thách thức
Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới là khó khăn và thách thức

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất vay mua nhà. Đơn cử, ngân hàng Shinhan Bank điều chỉnh lãi cố định trong năm đầu tiên từ 6,2%/năm lên 8,2%/năm, cố định lãi vay 36 tháng từ 7,6%/năm lên 8,9%/năm; lãi suất cho vay cố định 60 tháng từ 7,8%/năm lên 9,5%/năm.

Còn ngân hàng Techcombank đã tăng thêm 3,9%/năm cho lãi suất vay mua nhà, lên mức 10,59%/năm, trong đó giai đoạn thả nổi lãi suất, ưu đãi giảm trừ lên đến 1,2%/năm với từng nhóm khách hàng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành, khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Thực tế, cũng theo công ty này, lãi suất huy động hiện nay đã quay trở lại mặt bằng lãi suất của cuối năm 2020. Tính đến hết tháng 9/2022, lãi suất huy động trong 12 tháng tăng 0,06 điểm%, lên mức 6,24%/năm.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, lạm phát ở Việt Nam đang gia tăng nên mặt bằng lãi suất khó duy trì ở mức hiện tại, nhất là khi đồng USD đang tăng áp lực lên tỷ giá. 

“Chúng ta cần có một chính sách lãi suất phù hợp, có thể tăng nhưng phải ở mức vừa phải, tránh gây áp lực quá lớn lên cuộc sống của người dân. Tiếp đó, chúng ta cần điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không bị mất giá quá nhiều” - TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Làm gì khi nhà bị chậm tiến độ bàn giao?

Còn về vấn đề dự án nhà chung cư chậm bàn giao, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khuyến cáo, khi chọn mua chung cư, người dân cần lưu tâm đến uy tín của chủ đầu tư cũng như vấn đề pháp lý của dự án. Nếu căn hộ chung cư không có sổ đỏ, đồng nghĩa với việc nó xây dựng không đúng quy định và rất dễ rơi vào tình trạng trục trặc trong quá trình xây dựng, dẫn đến bàn giao nhà chậm dự kiến.

Theo quy định, nếu chủ đầu tư chậm bàn giao nhà thì sẽ phải chịu các khoản bồi thường
Theo quy định, nếu chủ đầu tư chậm bàn giao nhà thì sẽ phải chịu các khoản bồi thường

Đại diện Công ty Luật Bảo Ngọc (Hà Nội) cho biết thêm, theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Dân sự 2015, nếu chủ đầu tư chậm bàn giao nhà thì sẽ phải chịu các khoản bồi thường sau: Bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận. Thiệt hại được xác định bao gồm cả vật chất và tinh thần theo quy định tại Điều 360, 360 và 419 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, Chủ đầu tư chậm bàn giao nhà có thể bị xử lý về hành vi Chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, có thể bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng.

Trong trường hợp chủ đầu tư không giải quyết yêu cầu bồi thường, người dân có quyền khởi kiện lên tòa án cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch cải tạo tập thể, chung cư cũ: Thị trường sẽ đón nhận nguồn cung lớn ở khu vực trung tâm

Dùng nhiều tài khoản ngân hàng nhằm “né thuế”, người bán hàng online đối mặt với phạt nặng

Hà Nội: Người dân đối mặt với vòng xoáy giá nhà cho thuê tăng mạnh

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

Bảng giá đất mới của Hà Nội: Cần kiểm soát hiệu quả, ngăn chặn tình trạng đầu cơ

Tin mới cập nhật

Thị trường bất động sản năm 2025: Chủ đầu tư cần tính toán kỹ hơn về giá bán thay vì chạy theo lợi nhuận

20 giờ trước

Nhiều địa phương có thêm các KCN tầm cỡ, tăng cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động

20 giờ trước

TP.HCM: Phân khúc trung cấp chỉ chiếm 10% nguồn cung căn hộ mới năm 2025

20 giờ trước

Hà Nội đẩy nhanh kế hoạch cải tạo tập thể, chung cư cũ: Thị trường sẽ đón nhận nguồn cung lớn ở khu vực trung tâm

20 giờ trước

Mặt bằng, căn hộ nhộn nhịp theo Metro số 1

1 ngày trước