FLC dự định mua lại tòa trụ sở từ OCB, sau đó bán lại cho một bên khác
BÀI LIÊN QUAN
Thêm một thành viên xin từ nhiệm, HĐQT FLC chỉ còn 2 thành viênThị trường chứng khoán hôm nay 30/5: Cổ phiếu "họ FLC" bất ngờ bứt phá, VN-Index nối dài chuỗi tăng 5 phiên liên tiếpThị trường chứng khoán hôm nay 26/5: VN-Index đi ngang, cổ phiếu "họ FLC" mất thanh khoảnNgày 29/06/2022, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã ban hành nghị quyết thông qua việc Tập đoàn FLC cùng với CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (Mã: FHH) dự tính mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã chứng khoán: OCB). Theo đó, giá chuyển nhượng sẽ được xác định bởi bên thứ ba, cũng chính là đơn vị thẩm định giá độc lập.
Cụ thể, HĐQT Tập đoàn FLC cho phép bán hoặc chuyển nhượng tòa nhà trụ sở 265 Cầu Giấy cho một bên khác với giá trị tối thiểu là 2.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà này từ OCB. Được biết, mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán.
Trước đó, vào ngày 21/09/2020, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC (khi đó ông Trịnh Văn Quyết còn đảm nhiệm vị trí chủ tịch) đã thông qua việc sử dụng tài sản là tòa nhà ở địa chỉ số 265 Cầu Giấy để đảm bảo nghĩa vụ tài chính tại ngân hàng OCB chi nhánh Thăng Long.
Đến ngày 9/11/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã đồng ý sử dụng tòa tháp văn phòng 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) và Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã: BAV) tại ngân hàng OCB.
Do đó, tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn FLC đã thuộc sở hữu của OCB trong khoảng hơn 1 năm qua. Được biết, tòa nhà FLC Cầu Giấy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Tòa nhà này có tổng diện tích các sàn là hơn 101.000 m2 với 42 tầng, trong đó có 4 tầng hầm cùng 38 tầng nổi. Trong đó, các tầng nổi từ tầng 1 cho đến tầng 5 là khu trung tâm thương mại, tầng 6 là khu kỹ thuật. Còn các tầng từ 7 cho tới tầng 37 là khu văn phòng.
Riêng đối với FLCHomes, công ty này đã dùng các quyền sử dụng thửa đất Khu 2, Khu 3A + 3B + 3C tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy để gán nợ cho ngân hàng OCB. Trong đó, Khu 2 có diện tích lên tới 1.160 m2 dùng để để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi cùng với 4 tầng hầm. Ngoài ra, diện tích của Khu 3A + 3B + 3C là 2.297 m2 dùng để xây khu thương mại cao 5 tầng. Được biết, thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.
Sau khi gán nợ tòa nhà trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC đã quyết định cho thuê lại một phần diện tích của tòa nhà này để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn và những bên thứ ba do FLC chỉ định. Ngoài ra, bên cho thuê là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Thế chấp dự án khu biệt thự ở tỉnh Gia Lai để "gán nợ" cho OCB
Ngày 28/6 vừa qua, HĐQT Tập đoàn FLC đã phê duyệt việc sử dụng 1.480 quyền sử dụng đất thuộc sở hữu hợp pháp của FLC tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai để có thể đảm bảo nghĩa vụ tài chính của tập đoàn cùng với công ty con là Công ty TNHH Một thành viên FLC Land phát sinh tại Ngân hàng OCB.
Cụ thể, HĐQT Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) đã ban hành Nghị quyết thông qua việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của FLC nhằm bảo đảm nghĩa vụ tài chính của FLC và công ty TNHH Một thành viên FLC Land phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để có thể đảm bảo quy định pháp luật hiện hành.
Tài sản đảm bảo chính là quyền khai thác, sử dụng, quản lý dự án và đầu tư. Ngoài ra còn có quyền hưởng và nhận hoa lợi, lợi tức phát sinh, quyền nhận các khoản tiền có được liên quan và phát sinh gồm có cả khoản tiền bồi thường hoặc hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do giải tỏa, đền bù theo quy định của Pháp luật liên quan, bồi thường hoặc hỗ trợ từ bên thứ ba; quyền tài sản hoặc tài sản khác gắn liền với đất phát sinh từ 1.480 QSDĐ thuộc Dự án đầu tư khu A, khu B và khu C – khu biệt thự nhà ở thuộc Khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Nghĩa vụ đảm bảo là đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của Tập đoàn FLC cùng với công ty FLC Land đối với ngân hàng OCB, bao gồm toàn bộ những nghĩa vụ trả nợ (gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phải trả, chi phí xử lý tài sản thế chấp và các khoản phí, chi phí khác) theo một số các hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký kết và các khoản vay/cấp tín dụng/bảo lãnh/cam kết cấp tín dụng khác và mọi nghĩa vụ tài chính của FLC và FLC Land đối với OCB
Bên cạnh đó, mục đích đảm bảo nhằm đổi chấp một phần hoặc toàn bộ những tài sản thế chấp khác đang được sử dụng để đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ nêu trên, đồng thời đề nghị ngân hàng OCB xuất trả tài sản cho công ty.
Được biết, FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 2/7 tới, mục đích là bầu bổ sung ba thành viên HĐQT và ba thành viên Ban Kiểm soát sau khi nhiều thành viên quan trọng đã xin từ nhiệm.