Financial Times: Trung Quốc dự định huy động 1.000 tỷ nhân dân tệ để giải cứu các dự án BĐS đang đình trệ
BÀI LIÊN QUAN
Hãng công nghệ Trung Quốc ra mắt mẫu xe tự hành với vô lăng tháo rời, giá rẻ hơn cả xe TeslaBài học rút ra từ vết xe đổ của Nhật Bản mà Trung Quốc cần lưu ý"Điểm mặt" 4 phú bà giàu có nhất Trung Quốc: Có tới 3 người là “con nhà nòi”, ai cũng sở hữu ngoại hình xuất chúngNước đi táo bạo của Chính phủ Trung Quốc
Nguồn tin của Financial Times cho biết, Bắc Kinh có ý định phân bổ các khoản vay lên đến 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 148 tỷ USD) cho các dự án bất động sản đang bị đình trệ. Đây được coi là kế hoạch tham vọng nhất của chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực hồi sinh lại ngành bất động sản và xoa dịu những người mua nhà tham gia vào làn sóng tẩy chay các khoản nợ đang thế chấp.
Ngành địa ốc Trung Quốc đang chiếm khoảng ⅓ tổng sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm kéo dài của ngành này là một trong những lý do khiến cho nền tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Các nguồn thạo tin cho biết, lúc đầu ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ phát hành khoảng 200 tỷ nhân dân tệ các khoản vay với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Lãi suất vào trung bình năm vào khoảng 1,75%.
Theo kế hoạch mới được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phê chuẩn, các ngân hàng sẽ sử dụng khoản vay từ PBoC cùng với vốn riêng của mình để có thể tái tài trợ cho các dự án bất động sản còn đang dang dở. Tuy nhiên, lãi suất của các khoản vay này có thể bằng với lãi suất trên thị trường.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng các ngân hàng sử dụng đòn bẩy và nhân số tiền tài trợ ban đầu lên gấp 5 lần để có thể huy động tổng cộng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ. Hiện tại, Bắc Kinh mong muốn số tiền này sẽ phần nào có thể đáp ứng được lượng vốn cần thiết để có thể hoàn thiện những dự án còn đang dang dở.
Tuy nhiên, các ngân lãnh đạo ngân hàng và giới phân tích đều cảnh báo rằng PBoC khó có thể đạt được số tiền mục tiêu mà do các ngân hàng không dễ để kiếm được lợi nhuận từ các dự án bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Trong năm qua, các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đang nợ nần ngập đầu. Các nhà phát triển bất động sản đã phải tạm dừng xây dựng hàng triệu căn hộ trên khắp Trung Quốc. Việc này đã khiến cho người mua nhà tại nhiều thành phố tức giận và từ chối trả nợ vay thế chấp, điều này đã làm lo ngại về nguy cơ bất ổn cả xã hội và tài chính.
Nhiều nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã bị vỡ nợ sau khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc một trong những động cơ quan trọng nhất của nền kinh tế đang bị hư hại khiến cho hàng triệu người mua nhà rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Giới phân tích đã đưa ra cảnh báo về kế hoạch mới của PBoC, kế hoạch này chỉ có thể thành công khi các nhà phát triển bất động sản được nhắm đến có thể tạo ra đủ dòng tiền từ việc bán hay cho thuê các căn hộ còn lại để hoàn trả các khoản vay mới.
Ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng làm việc tại Hang Seng Bank China nhận định: “Rất nhiều dự án nhà ở đang dang dở đã được bán hết hoặc tập trung ở các thành phố kém phát triển. Ở những khu vực này, nhu cầu mua hay thuê nhà là rất thấp. Chính vì thế, số lượng các nhà phát triển bất động sản mà quỹ giải cứu có thể đầu tư vào đây mà không bị lỗ sẽ rất ít”.
Khó thành công?
Số lượng giao dịch nhà ở tại thành phố “bậc 3”, khu vực này là nơi tập trung chủ yếu của các dự án nhà ở chưa hoàn thành, giảm hơn ⅓ trong tháng 7 so với một năm trước. Bất chấp hàng loạt biện pháp mà nhà chức trách địa phương tung ra để có thể thúc đẩy được nhu cầu của người mua nhà như việc làm giảm lãi suất hoặc trợ cấp, lượng giao dịch vẫn ảm đạm. Những người mua nhà cũng không tin tưởng quỹ mới của ngân hàng trung ương.
Anh James Lu, nhân viên bán hàng làm việc ở thành phố Trịnh Châu đã vay 650.000 nhân dân tệ để mua được căn hộ trị giá 910.000 nhân dân tệ. Anh nói: “Tôi chẳng thấy chút hy vọng nào. Các nhà phát triển bất động sản đã cạn tiền và việc giải cứu các dự án này không có chút ý nghĩa nào về mặt kinh tế”.
Anh Lu là một trong những 4.900 người mua nhà tại dự án Kangqiao Nayunxi đã ngừng trả nợ vay thế chấp 9 tháng sau khi việc xây dựng bị hoãn lại. Khoản thanh toán nợ thế chấp hàng tháng của anh lên đến 4.000 nhân dân tệ, số tiền bằng ⅔ thu nhập của cả gia đình anh.
Theo ước tính của ngân hàng Everbright, các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đã trì hoãn việc xây dựng của 8 triệu căn nhà và sẽ cần đến 2.000 tỷ nhân dân tệ mới có thể hoàn thành. Sự chậm trễ này đã có nhiều người mua nhà tại hơn 300 dự án dang dở tuyên bố trên mạng xã hội rằng họ sẽ ngừng trả nợ vay thế chấp cho đến khi việc xây dựng được kết nối lại.
Như thế, chỉ trong 2 tuần đã có thêm người mua nhà tại 100 dự án gia nhập vào làn sóng tẩy chay thế chấp. Các cố vấn của chính phủ cho biết, tốc độ và quy mô của phong trào “tẩy chay” này khiến cho giới chức quản lý tài chính của Trung Quốc bị bất ngờ.
Trước đó, các quan chức của chính quyền nhà nước đã giao trách nhiệm giải quyết tình trạng bế tắc nguồn vốn cho các nhà phát triển và chính quyền các địa phương.
"Chậm trễ trong việc xây dựng không phải là vấn đề mới", mọt cố vấn cho biết. "Điều gây bất ngờ chính là sự lây lan nhanh chóng của vấn đề này".
Theo nhà kinh tế trưởng về châu Á tại TS Lombard, ông Rory Green nhận định: "Các quan chức trung ương bị đặt vào tình thế gian nan vì họ không muốn tạo thêm các rủi ro đạo đức hay để các chính quyền địa phương nhận lãnh quá nhiều nợ bất động sản. Nhưng mặt khác, vấn đề này phải quyết dứt điểm vì nó liên quan đến ổn định xã hội".
Thách thức của chương trình giải cứu này chính là các dự án đình trệ đã chuộc lấy quá nhiều nợ nần. Nhiều nhà phát triển địa ốc đã không trả được nợ cho các chủ thầu và chủ nợ từ trước khi ngừng xây dựng. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc hồi sinh các dự án bởi các chủ nợ sẽ yêu cầu phải hoàn trả lại tiền vay.
Theo một lãnh đạo giấu tên của một ngân hàng nhà nước được PBoC yêu cầu tham gia giải cứu tiết lộ: "Nhiều dự án chưa hoàn thành có giá trị bằng 0 hoặc âm khi tính đến các khoản nợ đang có. Chúng tôi sẽ không động vào những dự án đó dù xét về mặt chính trị đó là hành động đúng đắn".