Fed tiếp tục tăng lãi suất lên 5%, kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái?
BÀI LIÊN QUAN
Khả năng Fed vẫn quyết tăng lãi suất, mặc kệ nền kinh tế rơi vào suy thoáiLạm phát Mỹ đạt đỉnh trong 4 thập kỷ: Khả năng Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tăng caoKinh tế trưởng của VESS - PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định: Fed cứng rắn trong việc tăng lãi suất nhìn từ góc độ kinh tế là một yếu tố tích cực!Kiên định tăng lãi suất
Theo vneconomy.vn, một khảo sát do Bloomberg thực hiện cho thấy các dự báo kết quả của cuộc họp chính sách vào lúc 2h chiều ngày 2/11 theo giờ Washington, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) là cơ quan điều hành của Fed sẽ lần thứ 4 liên tiếp tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm đưa lãi suất cơ bản liên bang lên mức 4%.
Khảo sát của Bloomberg được thực hiện với hơn 40 chuyên gia kinh tế, thời gian khảo sát từ 21 - 26/10/2022.
Trước đó, trong biên bản cuộc họp hồi tháng 9, Fed dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12/2022 đưa lãi suất chạm mốc 4,4% trong năm 2022 và 4,6% trong năm 2023, trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất từ năm 2024.
Có nhiều lý do khiến Fed phải kiên định với chính sách thắt chặt tiền tệ và tiếp tục tăng lãi suất bởi các chỉ số lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua tại Mỹ, cao hơn rất nhiều so mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra. Xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp tục khiến chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao và tăng mạnh hơn dự báo trong 2 tháng vừa qua.
James Knightley, chuyên gia kinh tế trưởng đang làm việc tại ING Groep NV nhận định: “Áp lực lạm phát vẫn rất lớn và nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tháng 11. Hiện chúng tôi dự báo lãi suất tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường yếu như hiện nay, nhưng nếu rủi ro tăng cao chúng ta có thể thấy lãi suất tăng 75 điểm cơ bản lần thứ 5 liên tiếp”.
Mới đây, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed khẳng định Fed cam kết mạnh mẽ sẽ làm mọi cách để bình ổn giá cả. Nhiều người cho rằng chính sách của ông Jerome khá giống với người tiền nhiệm là Paul Volcker, người đã nâng lãi suất lên mức cao chưa từng thấy để chiến đấu với lạm phát vào thời kỳ đầu những năm 1980. Vị cựu lãnh đạo này cũng từng đưa ra cảnh báo thời gian tới sẽ “rất đau đớn” vì mục tiêu là tạo ra mức tăng trưởng kinh tế thấp để giảm áp lực về giá cả và không dẫn tới hệ lụy khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Mặc dù vậy, Fed chưa từ bỏ hy vọng nền kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, trong các cuộc khảo sát trước thềm cuộc họp của FOMC vào tháng 11 này, khi được hỏi liệu nền kinh tế hàng đầu thế giới này có suy thoái trong 24 tháng tới hay không, kết quả là lần đầu tiên 75% các chuyên gia kinh tế đều đưa ra dự báo sẽ xảy ra suy thoái kinh tế trong 2 năm tới. Còn 25% chuyên gia đưa ra dự báo kịch bản hạ cánh cứng với GDP không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm trong thời gian tới. Hạ cánh cứng là tăng trưởng bằng 0 hoặc tăng trưởng âm trong 1 thời gian nhưng không đủ dài để được coi là suy thoái.
Lãi suất tăng thêm 0,75 điểm phần trăm?
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo mức tăng lãi suất tại cuộc họp trong tháng cuối cùng của năm 2022. Theo đó, 75% các ý kiến đều nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, còn 25% dự báo tăng 0,75 điểm phần trăm.
Nếu trường hợp tăng 0,75 điểm phần trăm xảy ra thì kể từ tháng 3 đến tháng 12/2022, lãi suất đã tăng thêm 375 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất kể từ những năm 1980, thời điểm Chủ tịch Fed là Volcker và lạm phát ở Mỹ cao kỷ lục.
“Hiện Fed chỉ đối mặt với 2 lựa chọn: hành động quá nhiều hoặc quá ít, và các thành viên đã chọn vế đầu tiên”, Joel Naroff, Chủ tịch Naroff Economics nói. Theo ông, Fed đang muốn tránh lặp lại kịch bản lạm phát dai dẳng như những năm 1970.
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo Fed sẽ tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán. Theo chính sách hiện hành, Fed đang cắt giảm 1.100 tỷ USD mỗi năm, và theo dự kiến đến cuối năm nay quy mô bảng cân đối kế toán của Fed sẽ giảm xuống còn 8.500 tỷ USD. Đến tháng 12/2024 còn 6.700 tỷ USD.
Trước đó, vào ngày 22/9 vừa qua, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, biện pháp tăng lãi suất này đã không được sử dụng đến trong nhiều thập kỷ vừa qua. Do đó, đưa mức lãi suất cơ bản liên bang lên mức 3% - 3,25%, đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Để Fed tạm dừng nâng lãi suất, lạm phát phải giảm gần một nửa.
Ngày 13/10, Bộ Lao động Mỹ đã công bố dữ liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 9 đã tăng cao hơn so với mức dự báo. Nguyên nhân do chi phí nhà ở, thực phẩm và các dịch vụ chăm số y tế tăng cao bất chấp việc giá xăng tại Mỹ giảm. Cụ thể, chỉ số CPI trong tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 8 và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI tại Mỹ tăng 0,6% trong tháng 9.
Hiện tình hình lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phục hồi hậu đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và gián đoạn trong chuỗi cung ứng khiến giá nhiên liệu và một số hàng hóa thiết yếu tại Mỹ tăng mạnh. Đây chính là nguyên nhân khiến Fed tiếp tục phải nâng lãi suất cơ bản và điều này có thể khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm, ở kịch bản tồi tệ hơn thậm chí là rơi vào suy thoái.
“Với việc Fed tiếp tục thắt chặt mạnh tay để chống lại lạm phát cao dai dẳng, chúng tôi dự báo một cuộc suy thoái vừa phải sẽ bắt đầu trong quý 3 năm tới vì tăng trưởng thực sẽ chuyển âm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh”, chuyên gia kinh tế cấp cao Brett Ryan của Deutsche Bank cho biết.