ETF Diamond trở thành "thỏi nam châm hút tiền", đâu là những cái tên sáng nhất VN-Index?
BÀI LIÊN QUAN
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam liệu đã đủ hấp dẫn để nhà đầu tư quay trở lại?Các quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam làm ăn ra sao trong tháng 5?Những động lực nào giúp thị trường chứng khoán "tỏa sáng" trong tháng 6?Nhiều quỹ ETF bơm ròng trong tháng
Theo Nhịp sống kinh tế, trong báo cáo cập nhật dòng vốn toàn cầu tháng 5/2022 được công bố mới đây, SSI cho biết sự điều chỉnh sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam giúp định giá trở nên hấp dẫn hơn về đầu tư dài hạn và kích hoạt dòng tiền từ khối ngoại.
Theo đó, nhiều quỹ ETF đã bơm ròng trong tháng, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến DCVFM VNDiamond và Fubon với giá trị lần lượt là 3.010 tỷ đồng và 1.861 tỷ đồng. Ngoài ra, các quỹ ETF nội khác như DCVFM VN30 và SSIAM VNFINLead cũng ghi nhận mức bơm ròng ở mức khá, lần lượt là 72 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Đồng thời, các quỹ ETF ngoại khác bắt đầu diễn biến tích cực hơn, như quỹ FTSE Vietnam đảo chiều bơm ròng trong nửa cuối tháng.
Nhìn chung, tổng dòng vốn ETF trong tháng 5/2022 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ 2 của giai đoạn 5 tháng đầu năm trong các năm quá khứ (chỉ sau giá trị 13.100 tỷ đồng trong năm 2021). Lực mua trong 5 tháng đầu năm chủ yếu vẫn từ Quỹ Fubon và DCVFM VNDiamond.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 5, tổng giá trị là 3.489 tỷ đồng, với sự nhập cuộc mạnh mẽ của DCVFM VNDiamond và Fubon. Tính chung cho 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng gần 1 nghìn tỷ đồng. Theo SSI quan sát, khối ngoại có xu hướng tập trung giải ngân ở các nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể về tỷ trọng năm 2022 khi tăng lên khoảng 7%, song mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước dịch Covid-19 khoảng 15%.
Theo thống kê giao dịch quỹ ngoại tuần 30/5-3/6 của Chứng khoán KIS cho thấy, trong tuần trước, hoạt động mua ròng tăng mạnh. Ghi nhận giá trị mua ròng ở mức 2.130 tỷ đồng với sự dẫn dắt tới từ nhóm tài chính ngân hàng.
Đối với ETF, dòng vốn tích cực tiếp tục duy trì ở mức cao tại Việt Nam, ghi nhận mức 85 triệu USD tương đương với gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, dòng vốn tích cực tiếp tục được dẫn dắt bởi lực cầu trên VFMVN Diamond, ở mwucs 71 triệu USD. Ngoài ra, dòng vốn tích cực còn duy trì ở mức ổn định trên Fubon FTSE Vietnam.
Tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF là lựa chọn không tồi trong ngắn hạn
Với sự tham gia mạnh mẽ của dòng vốn từ quỹ hoán đổi danh mục ETF đã giúp thị trường ghi nhận diễn biến khả quan trong giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Trong đó, các cổ phiếu kín room ngoại như nhóm ngân hàng và bán lẻ luôn là thỏi nam châm hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại sẵn sàng mua toàn bộ cổ phiếu mỗi khi các mã chứng khoán này hở room, thậm chí còn mua thỏa thuận với giá cao hơn đến 40-50% giá trên sàn.
Thực tế, HoSE đã sớm xây dựng bộ chỉ số VN Diamond Index kể từ cuối năm 2009 - làm cơ sở hoạt động cho một quỹ đầu tư ngoại là DCVFM VNDiamond ETF (Mã: FUEVFVND). Trong đó gồm có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đã gần kín room ngoại - điều mà nhà đầu tư nước ngoài rất khó mua trực tiếp như MSB, TCB, MBB, VPB, TPB, OCB, VIB,...
Sự giao dịch sôi động trong những tuần gần đây không chỉ tới từ khối ngoại mà có cả khối tự doanh. Trong đó, nhóm này mua ròng rất mạnh tại các cổ phiếu ngành bán lẻ. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngân hàng với những mã được tư doanh mua ồ ạt như TCB, ACB, VPB, MBB, TPB, MSB, VIB.
Giới phân tích đánh giá, việc VND mạnh lên so với những quốc gia khác như Thái Lan hay Đài Loan cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ cho xu hướng rút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này. Tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF có lẽ là sự lựa chọn hợp lý trong ngắn hạn.
Về chiến lược tháng 6, Chứng khoán Rồng Việt nhận định đây là cơ hội tích lũy các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục ETF. Bên cạnh đó, đây cũng là những cổ phiếu được hỗ trợ bởi triển vọng tích cực của kết quả kinh doanh quý 2 cũng như cả năm, giúp giảm thiểu rủi ro giảm giá khi quỹ này được rút ra.
Mới đây, công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital cũng thông báo đã được cấp chứng chỉ chào bán quỹ DCVFM VNMIDCAP ETF ra công chúng và mô phỏng biến động của chỉ số VNMIDCAP (VN70). Sự ra đời của quỹ này có thể là bệ phóng tiềm năng cho các cổ phiếu dẫn đầu về vốn hóa trong chỉ số VN70 sau khi thu hút thành công trong thời gian tới.
Trong rổ VNMIDCAP, dự kiến ngành ngân hàng có tỷ trọng lớn nhất với 31,8%, theo sau là bất động sản 15,2% và nguyên vật liệu 16,1%. Những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong DCVFM VNMIDCAP ETF là SSB, MSB, VND, VIB, DGC,…
Trong thời gian tới, VIB dự kiến sẽ là cái tên sáng giá, với vốn hóa đứng trong top 3 thị trường, dự kiến chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VNMIDCAP nếu chưa vào VN30 trong dịp cơ cấu này.
Trong báo cáo mới đây của đội ngũ SGI Capital đánh giá nền kinh tế vẫn đang trong quá trình hồi phục vững chắc. Số lượng doanh nghiệp mở mới tiếp tục gia tăng nhanh chóng, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, cùng với đó là ngân sách Nhà nước liên tục thặng dư nhờ thuế.
Theo SGI Capital, thị trường chứng khoán luôn đi trước các diễn biến kinh tế và có thể phản ánh những lo lắng về lạm phát và rủi ro thắt chặt tiền tệ ở mức độ cao nhất. Khi những tín hiệu cho thấy lạm phát giảm bớt, dòng tiền sẽ quay trở lại. Nhìn vào thị trường trong nước, đơn vị này tiếp tục lạc quan với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng với đà phục hồi kinh tế, đặc biệt với những doanh nghiệp có nền so sánh thấp trong giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trong quý 2 và quý 3/2021. SGI Capital tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp trong VN-Index sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cho năm 2022.