Đưa Quảng Ninh trở thành “Dubai Việt Nam” nhờ 3 xung lực của bất động sản du lịch
Quảng Ninh sử dụng 3 xung lực để vượt qua đại dịch
Theo Nhịp sống Kinh tế, trải qua giai đoạn toàn nền kinh tế, nhất là ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid - 19 thì đến nay, những tín hiệu hồi phục tích cực đang dần xuất hiện. Theo đó, các nhà đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nhanh chóng đón đầu xu hướng du lịch hậu Covid. Đặc biệt, nguồn khách cả trong và ngoài nước đang bùng phát nhu cầu du lịch - nghỉ dưỡng rất lớn.
Trước ngày dỗ tổ Hùng Vương, trở lại Quảng Ninh tham dự Hội thảo “Xung lực thị trường Bất động sản Du lịch nghỉ dưỡng Vùng Duyên hải Bắc Bộ", ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phấn khởi khi lại chứng kiến “đặc sản tắc đường” sau hơn 2 năm trầm lắng vì dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ: “Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, tính riêng tháng 3/2022, Việt Nam đã đón tiếp 15 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, nâng số du khách đến trong quý I lên mức 20 nghìn lượt".
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng rất vui mừng khi cho rằng, sự đổ bộ của hàng loạt “ông lớn” địa ốc như Vingroup, Sun Group, CEO,... đã giúp Quảng Ninh có thêm đòn bẩy với các dự án bất động sản “hoành tráng”, các dịch vụ, tiện ích được đầu tư chất lượng bên cạnh những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, du lịch. “Las Vegas, Dubai, Thẩm Quyến, Singapore... là những khu vực thiếu đi sự ưu ái của thiên nhiên và văn hóa. Tuy nhiên, họ đã có những công trình mới, chất lượng, cải thiện dịch vụ đẳng cấp hơn nên đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn trên toàn cầu” - ông Thành nói.
Với riêng tỉnh Quảng Ninh, TS. Võ Trí Thành nhận định, địa phương này đang có thành phố trực thuộc nhiều nhất cả nước và sở hữu nguồn xung lực rất lớn. “Quảng Ninh là tỉnh hiếm hoi không cần xin Trung ương tiền mà chỉ cần xin cơ chế. Đây cũng là tỉnh đầu tiên tự triển khai xây dựng cao tốc. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn và trong 2 năm dịch bệnh vẫn ghi nhận mức dương của tăng trưởng kinh tế”. Theo đó, sẽ có 3 xung lực chính để đưa Quảng Ninh ngày càng phát triển.
Hạ tầng và quy hoạch chính là hai xung lực đầu tiên, TS Võ Trí Thành cho biết “Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn quan tâm tới những quy hoạch của Quảng Ninh và các tỉnh có điều kiện để phát triển ngành du lịch”.
Quảng Ninh đang sở hữu hệ thống hạ tầng tương đối phát triển khi có 5.000 km cao tốc đến năm 2030, một cung đường chất lượng cao tuyệt đẹp và cao tốc chạy dọc bờ biển. Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gói phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng sẽ chi ra 1/3 số tiền để đầu tư vào hệ thống hạ tầng trong vòng 2 năm. Bên cạnh đó là kế hoạch mỗi năm chi 570.000 tỷ đồng đã được triển khai theo kế hoạch 5 năm trước đó.
Đối với xung lực thứ 3, TS. Võ Thế Thành nhận định đó là sự cộng hưởng từ các lợi thế tiềm năng. Theo đó, để ngành du lịch hấp dẫn du khách thì phải có 3 nhân tố là thiên nhiên, lịch sử văn hóa và các công trình bất động sản du lịch cũng như các sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng,...
“Một số thành phố du lịch lớn trên thế giới như Las Vegas, Dubai, Thẩm Quyến, Singapore,... đều thiếu đi yếu tố thiên nhiên hoặc văn hóa, nhưng chỉ nhờ hàng loạt công trình mới và chất lượng dịch vụ mà trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng toàn cầu” - ông Thành chia sẻ.
Theo số liệu, Quảng Ninh hiện có gần 17.200 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó là các tuyến giao thông trọng điểm, rút ngắn khoảng cách và thời gian, chỉ mất chưa đến 2 tiếng để di chuyển từ Quảng Ninh tới trung tâm Hà Nội. Trong đó, Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng được xem là tam giác vàng tăng trưởng năng động của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét, xung lực bất động sản nghỉ dưỡng của Quảng Ninh đến từ các sáng kiến huy động nguồn lực xã hội và sự đầu tư của doanh nghiệp vào bất động sản, tạo nên những nét đặc trưng cho địa phương.
Khai thác triệt để nguồn khách du lịch quốc tế
Có thể nói, năm 2019 là thời hoàng kim của du lịch Quảng Ninh khi đón tới 5,7 triệu lượt khách quốc tế trên tổng 14 triệu lượt khách du lịch. Trước đó đã có những ý kiến không tích cực về nguồn khách Trung Quốc, TS. Võ Trí Thành cho rằng, “Đừng coi khách Trung Quốc là khách bình dân”. “Trung Quốc vốn dĩ là quốc gia tiêu thụ hàng hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới, trong đó hơn một nửa số lượng đồng hồ Rolex toàn cầu được Trung Quốc tiêu thụ. Singapore đã xây dựng riêng một chiến lược nhằm thu hút 1% so người giàu Trung Quốc”.
Với nguồn khách cao cấp Trung Quốc, Quảng Ninh đang xác định đối tượng cạnh tranh tham khảo là đảo Hải Nam. Tam Á - thành phố thứ 2 của Hải Nam, nơi từng tổ chức Miss World nhiều năm, hiện đã phát triển bất động sản du lịch vượt bậc, hơn rất nhiều so với Quảng Ninh, từ những khách sạn đẳng cấp quốc tế tới cảng tự do, khu thương mại sầm uất, trung tâm tài chính,... Có thể thấy, Hải Nam là địa điểm rất hấp dẫn du khách, cả khách nội địa lẫn khách du lịch quốc tế.
Chính vì vậy, Quảng Ninh nói riêng hay 5 tỉnh thành phố vùng Duyên hải Bắc bộ nói chung đang là điểm sáng cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam. Theo đó, những tiềm lực về thiên nhiên, văn hóa bản địa, cơ sở hạ tầng và các chính sách sẽ là động lực thu hút đầu tư. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hệ thống pháp lý để phát triển bất động động sản du lịch còn nhiều kẽ hở, chưa đồng nhất vì vậy cần nhanh chóng điều chỉnh về pháp luật kinh doanh bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, Chính phủ vẫn đang nỗ lực để cải thiện hệ thống pháp lý, thời gian tới các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản du lịch sẽ được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thị trường đặc thù này phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh.