Dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh dần về cuối năm
BÀI LIÊN QUAN
Cầu tín dụng bất động sản đang ở mức thấp kỷ lụcTheo Doanh nghiệp & Kinh doanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú thông tin, tín dụng của nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với hồi cuối năm ngoái (tăng 9,87%) tính đến hết ngày 29/8/2023.
“Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền", theo Phó Thống đốc.
Phó Thống đốc cho biết NHNN và cả hệ thống tín dụng đã kiểm tra, rà soát liên tục để tháo gỡ khó khăn, song vốn vẫn chưa được hấp thụ.
Lãi suất cho vay ngắn hạn 7-8% được cho là phù hợp
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã giải thích một số nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng năm nay rất thấp. Đó là tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm và đơn hàng thấp nên doanh nghiệp không muốn vay. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn cũng tăng lãi suất, điều này gián tiếp tác động tới sự hấp thụ vốn của nền kinh tế nước nhà.
Đối với nguyên nhân chủ quan, Chính phủ đã có những chính sách hồi phục kinh tế, thế nhưng việc thực hiện chưa như kỳ vọng, do đó sức khỏe của các doanh nghiệp yếu đi.
Bên cạnh đó, sau những vụ việc lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên niềm tin của nhà đầu tư cũng sụt giảm. Bởi vậy, dòng vốn chảy vào doanh nghiệp còn hạn chế.
Tiếp đó là yếu tố lãi suất. Vào cuối năm ngoái, nhiều NHTM đã tăng lãi suất 1 năm lên mức hơn 11%, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn đã lên tới 13-15%, còn trung và dài hạn là 17-18%.
Ngoài ra, tỉ lệ lạm phát thấp khiến mức lãi suất thực quá cao, và doanh nghiệp lại tăng chi phí vốn.
Theo ông, lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ ở khoảng 7-8% và cho vay trung hạn 10-12% là phù hợp với lạm phát 3-4%.
Tuy nhiên, các nhà băng đối mặt với chi phí vốn trong suốt nửa đầu năm nên khó có thể giảm lãi suất cho vay. Bởi vậy, cần giảm chi phí bình quân huy động vốn của các NHTM và giá hàng tồn kho cần giảm.
Chuyên gia khuyến nghị rằng trong tình trạng hiện nay, NHNN cần vận dụng các công cụ về chính sách tiền tệ để kéo hàng tồn kho huy động vốn xuống thấp bằng một số công cụ như thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt hoặc điều chỉnh dự trữ bắt buộc.
“Tóm lại, NHNN đóng vai trò lớn hơn trong việc gia tăng niềm tin thị trường liên ngân hàng cho các tổ chức tín dụng lớn dư thừa thanh khoản cho vay tổ chức tín dụng nhỏ. Đó là giải pháp kéo lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay thấp xuống, kéo "giá bán" hàng hóa xuống, thì sẽ có nhiều người mua", theo phân tích của TS. Trương Văn Phước.
Thông thường, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng gấp đôi đầu năm
So với tháng 7, tăng trưởng tín dụng tháng 8 khá khả quan. Điều này cho thấy tín dụng đã lấy được đà tăng trưởng, hợp với xu thế những tháng cuối năm thường ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với đầu năm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, kinh tế Việt Nam thường có xu hướng hồi phục mạnh vào quý III trong những năm qua. Cùng với đó, ở giai đoạn cuối năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn gấp đôi so với giai đoạn nửa đầu năm.
Năm nay ghi nhận tình trạng trái ngược khi tháng 7 chứng kiến tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với các tháng trước đó. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, điển hình là ở khu vực chế biến, chế tạo vì các doanh nghiệp gặp khó về cả đơn hàng và các vấn đề mới như phát triển xanh và tín chỉ carbon.
Dù vậy, sự sụt giảm đó chỉ diễn ra trong một tháng rồi lại hồi phục, lấy lại đà tăng vào tháng 8 nên không thể hiện được xu thế chung. Trong tháng 8, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã phục hồi khá tốt và dự báo có thể duy trì cho đến hết năm khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lượng đơn hàng cải thiện.
Ngành chế biến chế tạo vẫn giữ vững xu hướng tăng trưởng của tháng 7 khi bước sang tháng 8, trong khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lần đầu vượt mức 50 điểm sau ảm đạm suốt 6 tháng. Đây là một tín hiệu tích cực bởi đó là động lực quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất công nghiệp nói riêng.
Ngành xuất khẩu tăng trưởng liên tiếp trong 3 tháng gần đây, theo đó đang cho thấy dấu hiệu hồi phục. Dẫu vậy, lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự phục hồi của ngành sản xuất cũng mang đến tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng tín dụng bởi nhóm các doanh nghiệp sản xuất, nhất là chế biến chế tạo vẫn là ưu tiên, tạo sự đột phá, truyền dẫn, lan tỏa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với cải thiện khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
TS. Nghĩa cho biết về lâu dài thì các hệ thống tổ chức tín dụng cần nhìn xa trông rộng hơn, tài trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, chuyển đổi xanh, ngoài ra hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng như mua bán sáp nhập để tái cấu trúc nền kinh tế.
Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay việc giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn và ổn định cho hệ thống cũng rất quan trọng, để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất một số giải pháp về việc khôi phục niềm tin trên thị trường, triển khai các giải pháp cải thiện hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh hoặc chuyển hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có tiềm năng phát triển tốt như nông lâm thủy sản và các ngành xuất khẩu…