Những điều cần thiết để trở thành chuyên viên tín dụng
BÀI LIÊN QUAN
Những thông tin cần biết về thẻ dập nổiTự do hoá tài chính ngân hàng là gì? Lợi ích và rủi ro của tự do hoá tài chínhChuyên viên tín dụng là gì?
Trong tiếng Anh, chuyên viên tín dụng là Loan Officer, đây là một trong những chức vụ nhân viên làm trong ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tài chính. Những người làm chuyên viên tín dụng có nhiệm vụ hỗ trợ người vay trong quá trình đăng kí nhận khoản vay. Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp nhất định, chuyên viên tín dụng sẽ được gọi bằng những cái tên khác. Ví dụ như chuyên viên tài chính, chuyên viên cho vay, chuyên viên thẩm định tín dụng… Song, chung quy lại thì chuyên viên tín dụng sẽ đều là người hỗ trợ việc vay tiền cho người tiêu dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp, với những khoản vay có đảm bảo hoặc không được đảm bảo. Đồng thời, họ cũng có thể là người cho vay thế chấp đây là một nhánh vay phức tạp hơn rất nhiều.
Công việc của chuyên viên tín dụng
Chuyên viên tín dụng không chỉ đơn giản thực hiện các thủ tục cho vay mà họ sẽ là người làm việc trực tiếp, liên lạc đến các khách hàng để tư vấn và đưa ra gói dịch vụ hợp lý. Đồng thời, họ cũng sẽ phải thực hiện các thủ tục, giấy tờ cần thiết để hoàn tất quá trình cho vay. Vì thế, công việc của chuyên viên tín dụng cũng khá bận rộn và nhiều khâu:
Tìm kiếm và tư vấn khách hàng cần vay
Đa phần thời gian làm việc của chuyên viên tín dụng là phải tìm kiếm, khai thác các khách hàng có nhu cầu vay tiền hoặc vay vốn. Sau đó, họ sẽ chịu trách nhiệm việc giới thiệu những dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng khách. Khi đã nắm bắt được mong muốn và yêu cầu của khách hàng đối với những sản phẩm tín dụng của doanh nghiệp, thì chuyên viên tín dụng sẽ phải thuyết phục được khách hàng sử dụng những sản phẩm đó.
Lưu ý một số đơn vị doanh nghiệp, chuyên viên tín dụng cũng cần phải liên lạc với khách hàng qua số điện thoại được cung cấp sẵn. Bởi lẽ có những khách hàng sẽ chủ động liên hệ để yêu cầu mở tài khoản tín dụng nên chuyên viên tín dụng sẽ phải phục vụ cả những đối tượng này trong quá trình làm việc.
Thẩm định và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ
Sau khi xác định được khách hàng cần vay khoản gì và sử dụng dịch vụ nào thì chuyên viên tín dụng sẽ tiến hành việc thẩm định và hướng dẫn khách hàng hoàn tất thủ tục giấy tờ, hồ sơ vay. Đồng thời, chuyên viên tín dụng cần phải chịu trách nhiệm trong quá trình sàng lọc, không xử lý cấp khoản vay cho người không đáp ứng yêu cầu.
Bước thẩm định này rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, đề phòng có thể gặp những khách hàng thiếu uy tín, không có khả năng trả nợ cần thiết. Như vậy doanh nghiệp có thể vừa mất tiền, mà những người làm tín dụng cũng phải chịu trách nhiệm về việc không thẩm định khách kĩ lưỡng.
Khi đã tìm hiểu đầy đủ thông tin của khách hàng và chấm duyệt họ đủ điều kiện để vay tín dụng thì chuyên viên sẽ tiến hành thực hiện thủ tục, hồ sơ để cung cấp khoản vay đã thỏa thuận với khách. Thông thường, quy trình này sẽ mất một khoảng thời gian rất lớn để khi tổng hợp được những tài liệu cần thiết.
Theo dõi hiệu quả sử dụng tín dụng của khách hàng
Trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ và số vốn đã vay, chuyên viên tín dụng vẫn cần phải theo dõi, giám sát xem họ sử dụng có hiệu quả không, mục đích chính đáng hay không. Để tránh trường hợp khách hàng sử dụng nguồn vốn này vào mục đích bất chính, dễ xảy ra rủi ro với những khách hàng làm việc phi pháp.
Bên cạnh đó, chuyên viên tín dụng cũng sẽ chịu trách nhiệm về việc quản lý quá trình thu hồi nợ của khách hàng một cách chặt chẽ. Trường hợp xảy ra sự cố ngoài mong muốn thì chuyên viên tín dụng phải xử lý ngay lập tức, không được để phát sinh tình huống ngoài ý muốn dẫn đến việc gián đoạn quá trình trả nợ định kì của khách hàng.
Trên lý thuyết thì đơn giản vậy nhưng thực tế các chuyên viên tín dụng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực công việc hơn. Bởi lẽ có rất nhiều khoản vay quy trình phức tạp, cần có rất nhiều tài liệu để hoàn thiện nên chuyên viên tín dụng sẽ phải tập hợp các tài liệu, tìm hiểu về khách hàng để thẩm định kĩ lưỡng.
Cơ hội nghề nghiệp của chuyên viên tín dụng
Công việc chuyên viên tín dụng là công việc có tính đặc thù nên để thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp, tránh rủi ro thì những người đảm nhận vị trí này phải có kiến thức sâu rộng về các sản phẩm, thuộc nằm lòng những quy tắc cho vay của ngân hàng, đơn vị tài chính, tổ chức tín dụng…
Bên cạnh đó, công việc này có rất nhiều áp lực nên đòi hỏi phải có những kĩ năng mềm, tầm nhìn chiến lược cũng như những mối quan hệ rộng rãi. Không phải ai cũng đủ sự kiên nhẫn và tính cách để phù hợp với công việc chuyên viên tín dụng, đồng thời, cần phải có nhiệt huyết và tình yêu với nghề thì mới bền vững được.
Do đó, tại các đơn vị thì nhu cầu tuyển dụng chuyên viên tín dụng là rất cao, mức lương mà các đơn vị này chi trả cho vị trí này cũng rất hấp dẫn. Bên cạnh mức lương cơ bản, chuyên viên tín dụng sẽ được nhận thêm khoản hoa hồng nếu như tư vấn và chốt được với khách hàng hợp đồng. Hợp đồng càng cao thì hoa hồng nhận về càng lớn và không có bất cứ giới hạn nào.
Đối với những chuyên viên tín dụng đã có kinh nghiệm và kĩ năng tốt thì mức lương có thể đạt được vài chục triệu đồng một tháng. Còn nếu là nhân viên mới vào nghề, nếu chăm chỉ, cố gắng thì mức lương đạt được vào khoảng 10-15 triệu đồng/tháng, đây là mức lương được đánh giá là khá cao trên thị trường.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thì các tập đoàn tài chính, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng thêm các sản phẩm và phạm vi hoạt động của mình. Vì thế, mọi người sẽ có cơ hội lớn hơn trong quá trình tìm việc nhưng cũng phải chú ý đến sự cạnh tranh đang diễn ra trên thị trường.
Kỹ năng cần có của chuyên viên tín dụng
Chắc chắn những ai muốn trở thành một chuyên viên tín dụng thì phải có được lượng kiến thức khổng lồ và toàn diện đối với các sản phẩm cho vay của doanh nghiệp đang làm việc cũng như của doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, cần phải nắm rõ mọi quy định, quy tắc về các định chế tài chính do pháp luật bán hàng. Đồng thời, cần phải sử dụng tốt những tài liệu cần thiết để phục vụ việc tư vấn và chốt với khách hàng những dịch vụ cho vay phù hợp. Ngoài ra, để trở thành một chuyên viên tín dụng thì phải có những kĩ năng mềm đặc trưng như sau:
Kỹ năng giao tiếp khéo léo
Giao tiếp là một trong những kĩ năng cực kì quan trọng và phải có của những chuyên viên tín dụng, vì họ thường xuyên phải làm việc với rất nhiều khách hàng khác nhau. Khách hàng sẽ có rất nhiều kiểu có người dễ tính người khó tính nên chuyên viên tín dụng cần phải có sự linh hoạt để xử lý thật khéo léo giúp cho khách hàng cảm thấy dễ chịu.
Năng động và chủ động
Những ai làm công việc của một chuyên viên tín dụng sẽ thường xuyên phải gặp mặt khách hàng để tư vấn, do đó, đây là vị trí bắt buộc chuyên viên tín dụng phải thật năng động, tràn đầy năng lượng không ngại khó khăn, gian khổ và đặc biệt phải là những người chịu khó di chuyển. Gặp được càng nhiều khách hàng thì cơ hội chốt đơn thành công sẽ càng cao hơn rất nhiều.
Xử lý tình huống nhanh nhạy
Trong khi làm việc chuyên viên tín dụng sẽ phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn, đồng thời, phải tiếp xúc với nhiều người, nên không thể tránh khỏi những tình huống éo le, khó khăn… Vì thế, chuyên viên tín dụng phải là người có những kĩ năng xử lý tình huống nhanh nhẹn, linh hoạt và mượt mà. Nhất là khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn nếu gặp khách hàng không có khả năng trả nợ.
Hết sức cẩn thận
Chuyên viên tín dụng cần phải xử lý rất nhiều vấn đề liên quan đến tiền bạc nên cần phải hết sức cẩn trọng để không nhầm lẫn trong quá trình xử lý, gây ra những hậu quả không lường về sau. Bên cạnh đó, sự cẩn thận sẽ giúp tránh được những sai sót trong quá trình xử lý giấy tờ.
Chuyên viên tín dụng là nghề nghiệp có sự đòi hỏi rất cao về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kĩ năng mềm. Song, nếu trở thành một chuyên viên tín dụng giỏi thì chắc chắn bạn sẽ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý giá không phải ai cũng có được.