Cầu tín dụng bất động sản đang ở mức thấp kỷ lục
BÀI LIÊN QUAN
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có triển vọng cao nhờ nhiều yếu tố hỗ trợSàn giao dịch quyền sử dụng đất: Giúp thị trường bất động sản minh bạchTheo Doanhnhan.vn, một trong số những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng nền kinh tế trong tháng 7 ghi nhận ở mức âm là do khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản thấp.
Liên quan đến vấn đề này, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc tín dụng tăng trưởng thấp cũng đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan cùng nhiều yếu tố chi phối. Trong đó có cả tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
Cụ thể, tín dụng bất động sản hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung. Do đó, khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ khiến tín dụng toàn hệ thống tăng lên. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản thời điểm hiện tại đang tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.
6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng 10,73% của cả năm 2022. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng và tự sử dụng bất động sản lại giảm 1,12%.
Theo bà Hà Thu Giang, nguồn vốn tín dụng hiện đang tập trung vào phía nguồn cung của thị trường. Ngoài ra, cầu tín dụng nhằm mua bất động sản với mục đích tiêu dùng và tự sử dụng đang ngày càng giảm. Điều này chứng tỏ, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trong thời gian qua hiện đã bắt đầu “ngấm” tác dụng. Đồng thời, những khó khăn pháp lý của các dự án bất động sản đang dần được tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của nhiều chủ đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, nhu cầu về mua nhà ở trong bối cảnh khó khăn chung chưa phải là điều mà khách hàng ưu tiên. Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng có một số điểm chưa được hợp lý. Sản phẩm ở phân khúc cao cấp dư thừa trong khi sản phẩm giá rẻ, vừa với thu nhập người dân lại thiếu thốn. Nhiều dự án bất động sản vướng mắc về vấn đề pháp lý nên không đáp ứng được yêu cầu tín dụng, khó tiếp cận nguồn vốn.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, những khó khăn trong bối cảnh hiện tại vẫn còn kéo dài, không ai có thể nói trước được sẽ kéo dài bao lâu. Vì thế, điều quan trọng là sự đồng bộ cũng như thực thi trong quá trình triển khai các chính sách. Cụ thể, vị này cho biết: “Với thị trường bất động sản, khó khăn chủ yếu là về vấn đề pháp lý. Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng coi đây là vấn đề rất trọng tâm, mục đích làm sao tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, vì lĩnh vực này là một trong những động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng”.
Dòng tiền nhàn rỗi quay lại thị trường BĐS năm 2024 vẫn không cao
Chia sẻ với Doanhnhan.vn, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho biết, trong điều kiện thị trường nếu nền kinh tế hoạt động ổn định sẽ giúp tất cả các thị trường hoạt động ổn định theo. Khi lãi suất thấp, nhiều người đã vay tiền để đầu tư và đầu cơ. Nhưng khi thị trường bất động sản bị đẩy giá lên mức quá cao, dù lãi suất giảm đến 50% cũng chưa chắc có người dám vay tiền để mua bất động sản.
Chuyên gia này khẳng định, lãi suất giảm chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để kích thích dòng tiền vào bất động sản. Ở đây, điều kiện đủ là thị trường có đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư hay không. Vị này cũng phân tích thêm, giá bất động sản trong suốt thập kỷ qua đã nhiều lần lập đỉnh.
Cụ thể, giá bất động sản năm 2013 vẫn ở mức vừa phải, phù hợp để mua đầu tư hoặc khai thác cho thuê. Đến giai đoạn 2016-2018, giá bất động sản tăng tương đối mạnh, sau đó tăng chậm lại vào năm 2019. Đến khi tưởng như chuẩn bị đảo chiều, giá bất động sản bất ngờ tăng mạnh vào giai đoạn 2020-2021. Thời gian qua, giá bất động sản liên tục tăng lên, nhưng cũng không thể tăng mãi.
Nhiều người băn khoăn, một khi nền kinh tế phục hồi thì giá bất động sản ở các khu vực trung tâm thành phố lớn sẽ đi ngang, tăng thêm hay giảm xuống? TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, khả năng dòng tiền nhàn rỗi trong năm 2024 quay trở lại thị trường bất động sản sẽ không cao. Hiện tại, nhiều người ôm đất đang phải gồng lãi ngân hàng từng ngày, từng tháng. Đồng thời, thị trường cũng sẽ không xuất hiện những nhà đầu tư mới đổ tiền mua bất động sản giống như trước. Ngoài ra, số lượng người ôm đất mong có thể thoát hàng cũng nhiều hơn số người có sẵn tiền để ôm hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, cung đang cao hơn so với cầu.
Cụ thể, ông Hiển nhận định: “Dòng tiền đầu tư vào bất động sản trong năm 2024 sẽ rõ ràng hơn. Nhiều người sẽ xuống tiền mua bán tại những nơi tiềm năng rõ ràng, có thể khai thác được, không mua bán ồ ạt từ thành thị cho đến thôn quê hẻo lánh như trước. các nhà đầu cơ hiện cũng không còn niềm tin mua đất sẽ lãi bằng lần; họ sẽ không mạo hiểm để xuống tiền giống như nhiều năm trước đây”.