Dự án bất động sản “nằm đắp chiếu” hàng loạt giữa Thủ đô
“Treo cẩu” hàng loạt
Theo Thanh Niên, sau nhiều năm ách tắc, dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP. HCM) chủ đầu tư là Công ty Tài Nguyên, nay đã xây dựng xong phần thô hàng ngàn căn hộ, nhà phố và được Tập đoàn Novaland cam kết mua lại. Đầu năm ngoái, Novaland chính thức triển khai thi công lại dự án, thay đổi hàng rào bên ngoài với tên mới là Grand Sentosa, áp dụng trương trình bán hàng mới khiến khu vực này sôi động hẳn lên.
Nhưng từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản bất ngờ chững lại và lao đốc khiến Tập đoàn Novaland cũng rơi vào cảnh khó khăn, buộc phải cắt giảm lượng lớn nhân sự. Vì vậy mà dự án Kenton Node cũng phải đắp chiếu từ đó đến nay.
Khảo sát quanh khu vực dự án, có thể thấy cảnh hoang tàn, đổ nát và chưa biết đến bao giờ mới có cơ hội “tái sinh” lần nữa. Không chỉ có Kenton Node, hàng loạt dự án được Tập đoàn Novaland đang triển khai tại TP. HCM, Bình Thuận, Đồng Nai… cũng phải “treo cẩu”. Nguyên do một phần vì thủ tục hành chính phức tạp, một phần không thanh khoản được, không còn tiền.
Theo lãnh đạo Công ty Tài Nguyên, ở thời điểm đầu năm 2022, Novaland cam kết mua lại dự án và đã cọc trước mấy trăm tỉ đồng. Đến các đợt thanh toán sau thì ngân hàng sẽ tài trợ. Tuy nhiên, thương vụ này gãy cánh giữa đường vì thị trường địa ốc “đóng băng”, chính Novaland cũng đang đuối sức. Vì vậy mà bản thân vị lãnh đạo này cũng chưa biết dự án sẽ ra sao sau hàng chục năm “đắp chiếu”.
Cách đó không xa, một dự án rộng hàng chục hecta của Công ty Phúc Long sau một thời gian bán hàng, thi công rầm rộ thì nay cũng đang trong cảnh hoang vắng vì chủ đầu tư cạn tiền, thanh khoản kém. Một lãnh đạo công ty này cho biết, máy tháng rồi không bán được một sản phẩm nào, không có tiền thu về, ngân hàng không cho vay trong khi có hàng loạt khoản phải chi tiêu mỗi tháng.
Để giảm thiểu chi phí, công ty buộc phải dừng hoặc giãn tiến độ thi công một số dự án. “Bởi có làm để bán cũng chẳng ai mua, càng làm càng lỗ, càng không có tiền duy trì bộ máy hoạt động” - Vị này nói.
Lãnh đạo Công ty HT Land cũng thừa nhận, phần lớn các dự án của công ty đều đã tạm dừng thi công. Chỉ dự án nào buộc phải giao nhà cho khách hàng thì mới dồn lực để làm nốt. Tuy nhiên, giải pháp của công ty là đàm phán với các nhà thầu để đổi sang sản phẩm thay vì trả tiền, vì hiện tại không thể kiếm đâu ra tiền mặt.
Thậm chí, đại diện chủ đầu tư một dự án ở TP. Thủ Đức nói rằng ông đang rất hối hận vì đổ quá nhiều tiền vào xây dựng dự án, vì khi xây xong một block chung cư lại chẳng có ai mua.
“Khi mở bán những block còn lại tới đây, công ty sẽ cho khách hàng đăng ký trước. Để không bán được thì chúng tôi hoàn tiền lại, không xây dựng tiếp hoặc kéo dài tiến độ thanh toán” - Vị này cho biết.
Cần cho dự án vay tiền
Theo thống kê, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã có trên 700 dự án phải dừng triển khai. Trong đó, Hà Nội đang có khoảng 400 dự án, TP. HCM là hơn 300 dự án. Lãnh đạo Hiệp hội BĐS VN cho hay, con số dự án BĐS tạm dừng trên cả nước hiện đã lên đến hàng nghìn, tổng giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó có khá nhiều dự án nhà ở xã hội. Đây nguồn cung khổng lồ nhưng lại bị đóng băng không biết tới khi nào, không thể tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội mà còn ẩn chứa nhiều hệ lụy.
Để giải quyết tình trạng này, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN Phạm Lâm cho rằng, giải pháp tốt nhất chính là Chính phủ cần “bơm” thêm gói tín dụng mới khoảng 100.000 tỷ đồn, giống như gói 30.000 tỷ đồng trước đây với lãi suất 5 - 6% cho cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, nhằm kéo người dân trở lại thị trường, giúp các dự án đang xây dựng dở dang tiếp tục triển khai.
Nếu cứ để những dự án “treo cẩu” kéo dài sẽ rất lãng phí, thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp, chính quyền và xã hội. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp vừa và lớn, có sức lan tỏa, tác động tới thị trường và nền kinh tế nhưng vẫn phải thúc thủ. Vì vậy, cần nhanh chóng bơm thêm vốn vào cho các doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện dự án, tránh làm lãng phí nguồn lực và để có thêm nguồn cung cho thị trường.
“Hàng tồn kho hiện nay rất nhiều, dự án dở dang phải dừng lại cũng ngành càng nhiều. Nhất là cả các dự án đã đủ điều kiện bán mà không bán được vì người mua mất niềm tin. Vì thế cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, nhằm kích cầu tiêu dùng, thực tế nhu cầu nhà ở còn rất lớn.
Phải có gói tín dụng tiếp cận được khách hàng cụ thể thì mới khơi thông được thị trường. Có thể xem xét đối tượng mua nhà lần đầu hoặc giới hạn tỷ lệ cho vay 50% trên giá trị BĐS. Bên cạnh đó phải có chính sách để các doanh nghiệp đang tồn tại phát triển bền vững, vì đây là các doanh nghiệp có năng lực thực” - Ông Lâm đề xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM và Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - Ông Lê Viết Hải cho rằng, thị trường BĐS “đóng băng” khiến cho nhiều chủ đầu tư phải dừng thi công dự án hoặc chỉ thi công cầm chừng. Điều này dẫn tới các khoản nợ từ đầu năm tới nay của Hòa Bình cũng không đòi được, đây là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử mấy chục năm của tập đoàn.