Đồng sáng lập Tập đoàn FPT: Con đường tốt nhất của Việt Nam là bắt đầu từ các con chip
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán SSI nhận định: Năm 2023, lợi nhuận FPT vẫn tăng trưởng hai chữ sốChủ tịch Hoàng Nam Tiến kể lại 25 năm của FPT Telecom: Để bán mạng Internet, các anh em đã liều mạng và “bán mạng” cho công ty!Chủ tịch FPT Telecom bình luận về trào lưu FIRE của gen Z: Bạn nghe truyền thông thì tốt, nhưng về lấy bảng Excel tính sẽ thấy trào lưu FIRE này chỉ nói cho vui thôi!Cách đây không lâu, trên trang Facebook cá nhân của mình, doanh nhân Đỗ Cao Bảo - một trong số những người sáng lập Tập đoàn FPT đã khiến nhiều người chú ý khi nhận định, Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chip trên phạm vi toàn cầu.
Cũng theo ông Đỗ Cao Bảo, sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Washington cùng với Bắc Kinh trong việc tiếp cận công nghệ và việc Mỹ ban hành đạo luật Chip đã có tác dụng rõ rệt đến nhiều quốc gia Đông Á, đồng thời mở ra cơ hội mới để Việt Nam có thể tham gia vào nhóm những quốc gia sản xuất chất bán dẫn thuộc top đầu thế giới.
Thời điểm hiện tại, hàng loạt các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và cả Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong việc đón đầu xu hướng dịch chuyển đối với chuỗi cung ứng trên toàn cầu về chất bán dẫn và đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chip.
Cụ thể, lão tướng FPT cho biết: “Các chuyên gia quốc tế nhận định, “người chiến thắng lớn nhất” ở trong cuộc đua này có thể chính là Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng có khả năng trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới”. Bên cạnh đó, ông Đỗ Cao Bảo cũng đưa ra minh chứng mà ông cảm thấy là thuyết phục nhất, đó là Việt Nam hiện đang có sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong năm 2021, Intel - một trong số những công ty hàng đầu thế giới về ngành bán dẫn - đã rót vốn đầu tư 475 triệu USD để xây dựng nhà máy lắp ráp cũng như thử nghiệm chip lớn nhất của mình ở TP.HCM. Đến tháng 11 cùng năm, Amkor Technology (USA) - gã khổng lồ trong lĩnh vực bán dẫn tại Mỹ đã ký kết một thỏa thuận về việc đầu tư 1,6 tỷ USD với mục đích xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 8 mới đây, Tập đoàn Samsung - gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng đã công bố về khoản đầu tư với trị giá lên đến 3,3 tỷ USD với mục đích mở rộng quy mô sản xuất linh kiện bán dẫn tại nhà máy tại Thái Nguyên, dự kiến tiến hành triển khai vào tháng 7 năm tới. Điều đáng nói, Samsung còn đang tiến hành xây dựng một trung tâm R&D với quy mô rơi vào khoảng 3.000 kỹ sư ở Hà Nội. Theo như dự kiến, trung tâm này sẽ khai trương vào đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, Synopsys - một công ty hàng đầu thế giới về thiết kế chip - cũng đang có xu hướng chuyển những hoạt động đầu tư cũng như đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang bên Việt Nam. Thời điểm hiện tại, Synopsys đang có 2 văn phòng tại TP.HCM cùng với 2 văn phòng tại Đà Nẵng với khoảng hơn 400 nhân viên. Trong thời gian tới, công ty này cũng đang có kế hoạch bổ sung thêm khoảng 300 cho đến 400 lao động.
Ngoài ra, thị trường càng thêm tấp nập khi một thành viên của Tập đoàn FPT là FPT Semiconductor mới đây đã cho ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên thuộc lĩnh vực IoT (internet vạn vật) dành cho lĩnh vực y tế. Đồng thời, công ty này cũng đã có kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên phạm vi toàn cầu trong vòng ba năm tới.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, những khoản đầu tư này đã tạo nên hàng loạt những đột phá trong việc đưa Việt Nam từng bước tham gia vào nhóm những quốc gia sản xuất chip, nhiều khả năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn toàn thế giới. “Việc Synopsys chuyển quá trình đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam hoặc việc FPT thiết kế và tổ chức sản xuất và thương mại chip IoT cho lĩnh vực y tế là những bước khởi đầu, hứa hẹn đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu”, lão tướng FPT cho biết.
Vì thế, ông Bảo cho rằng, con đường đi tốt nhất của Việt Nam chính là bắt đầu từ các chon chip IoT cho lĩnh vực y tế, chip cho tủ lạnh và máy điều hòa không khí, máy giặt. Một khi đã tích lũy đầy đủ kinh nghiệm thì chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Việc tham gia chuỗi giá trị chip bán dẫn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội được chia phần ở trong miếng bánh béo bở vốn sở hữu quy mô lên đến 1.500 tỷ USD vào năm 2030, trong khi tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. Cụ thể, ông Bảo nhấn mạnh: “Chỉ cần đạt được 10% trong chiếc bánh quy mô trị giá 1.500 tỷ USD cũng đủ giúp Việt Nam cất cánh. Nguyên nhân bởi chip là công nghệ nền tảng cho tất cả công nghệ khác, chẳng hạn như quốc phòng, an ninh, máy bay, tên lửa cũng như tất cả thiết bị khác xung quanh chúng ta”.
Đôi nét về ông Đỗ Cao Bảo
Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/06/1957, có trình độ chuyên môn là cử nhân Toán điều khiển thuộc Học viện kỹ thuật quân sự. Sau này, ông Đỗ Cao Bảo còn được nhiều người biết đến hơn nữa khi là một trong những lão tướng sáng lập nên FPT.
Cụ thể, ông Đỗ Cao Bảo là một trong số 13 thành viên sáng lập nên Tập đoàn FPT, thời điểm hiện tại đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc FPT. Vì thế, với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin cả trong lẫn ngoài nước, vị “lão tướng” này chính là một chuyên gia phần mềm vô cùng uy tín tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, ông Đỗ Cao Bảo đã tham gia vào việc quản trị nhiều dự án với tầm cỡ quốc gia. Vị lão tướng này cũng đóng góp một phần to lớn vào sự nghiệp phát triển chung của Tập đoàn FPT. Theo nhiều người nhận định, ông Đỗ Cao Bảo đã nâng tên tuổi của Tập đoàn FPT lên một tầm cao mới, đồng thời giúp công ty có thể tiếp cận thêm đa dạng các đối tượng.
Đáng chú ý, kể từ năm 1994, ông Đỗ Cao Bảo trên cương vị là lãnh đạo cao nhất của FPT IS đã dẫn dắt doanh nghiệp này trở thành mũi nhọn công nghệ của cả Tập đoàn. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng liên tục dẫn đầu thị trường trong ngành phát triển phần mềm cũng như dịch vụ tin học trong nước. Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc FPT còn được mọi người biết đến là một trong những tỷ phú của sàn chứng khoán Việt Nam lừng lẫy trong thời kỳ đầu. Nhớ thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam sốt nóng vào năm 2006, cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT (thời điểm đó có tên là Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT) được xem là “cánh chim đầu đàn” của thị trường chứng khoán vốn vẫn còn non trẻ.
Tính đến giữa năm 2021, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Đỗ Cao Bảo là 264,75 tỷ đồng, xếp thứ 153 trong số những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.