Đồng bảng mất giá ảnh hưởng thế nào tới Premier League, và nguy cơ về một đợt thâu tóm mới
BÀI LIÊN QUAN
Võ sỹ triệu phú Conor McGregor và sở thích… mang tiền về cho vợGerard Pique, từ thạc sỹ Harvard đi đá bóng đến cuộc chia ly tốn nhiều giấy mựcTay đấm vĩ đại Holyfield đã đốt sạch khối tài sản nửa tỷ đô như thế nào?Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử so với đô la Mỹ vào tuần qua, khi 1 bảng đổi 1,0382 đô hôm 26/9, mức thấp nhất trong lịch sử. Nhà chiến lược Kamal Sharma của Bank of America nói rằng nước Anh đang rơi vào cuộc khủng hoảng mang tính sống còn. Theo ông, “lạm phát tăng cùng sự trì trệ của nền kinh tế sẽ khiến đồng bảng Anh tiếp tục mất giá”, và “sớm ngang giá với đồng đô la Mỹ trong năm nay”.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại sàn giao dịch tiền tệ OANDA, thì nói: “Đồng bảng đã bị đè bẹp bởi nhiều yếu tố, gần nhất là sự vỡ mộng hoàn toàn với kế hoạch tăng lãi suất và cắt giảm thuế”. Và sự tụt giảm của đồng bảng dẫn đến nhận định, đây là thời điểm tuyệt vời để các nhà đầu tư Mỹ thâu tóm các câu lạc bộ ở Anh quốc cũng như toàn châu Âu.
“Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đương nhiên nhìn thấy sức mạnh của đồng đô la, khi các giao dịch ở mức cao lịch sử. Điều này không bền vững trong dài hạn, vì vậy phải nhanh chóng tận dụng cơ hội. Một trong các đề xuất là mua lại các đội bóng”, Erlam cho biết.
Mark Gregory, chuyên gia kinh tế của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Ernst & Young bình luận: “Việc đồng bảng ngày càng mất giá khiến các CLB Anh trở nên rất rẻ với các nhà đầu tư nước ngoài”. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên toàn châu Âu cũng là có thể dẫn đến việc các chủ sở hữu hiện tại nghĩ tới khả năng bán đi tài sản của mình.
Thật ra không phải đợi đến tận bây giờ các nhà đầu tư Mỹ mới nhìn ra cơ hội. “Hầu hết giới doanh nhân ở Bắc Mỹ đã tính toán khả năng thâu tóm các CLB châu Âu từ mùa hè”, Christian Nourry, đối tác quản lý của công ty phân tích bóng đá Retexo, nói, “đồng bảng đã suy yếu trong phần lớn năm 2022 và những nhà đầu tư thông minh nhận thấy đồng đô la sẽ tiếp tục mạnh lên và ít biến động hơn so với các đồng tiền khác”.
Nhưng Nourry cũng cảnh báo, không chỉ người Mỹ phát hiện ra cơ hội. Sự đi xuống của nền kinh tế Anh và châu Âu cũng làm hồi sinh sự quan tâm của các nhà tài phiệt ở Trung Đông và châu Á. Mới đây Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đã chỉ đạo Nasser Al Khelaifi, Chủ tịch PSG cũng là người đứng đầu Quỹ đầu tư thể thao Qatar, đàm phán mua Espanyol nhằm tạo đối trọng với Barca ở La Liga. Vào năm ngoái quỹ đầu tư công của Saudi Arabia cũng mua lại Newcastle và rót cả tỷ bảng để nâng sức cạnh tranh của đội bóng tại Premier League.
Tựu trung, quan điểm các CLB Anh đang rẻ đi, mang đến cơ hội tốt để mua là chính xác. Vấn đề nằm ở sau đó. Do lãi suất tăng, tổng chi phí vốn tăng theo. Trong bối cảnh các câu lạc bộ đang phải vật lộn để tạo ra lợi nhuận kinh tế, chi phí vốn cổ phần, tức khoản tiền được rót từ chủ sở hữu rất quan trọng đối với sự tồn tại của nhiều câu lạc bộ, cũng đội lên đáng kể.
Ví dụ như Todd Boehly, chủ sở hữu mới của Chelsea. Sau khi bỏ ra 2 tỷ bảng mua lại đội bóng Tây London, 261 triệu bảng tiếp tục được chi ra để tăng cường cầu thủ, chưa kể nhiều chi phí khác. Con số này sẽ lớn hơn nhiều nếu đặt trong bối cảnh Chính phủ Anh tăng lãi suất như hiện tại. Đó là chưa kể sự sụt giảm nghiêm trọng của đồng bảng cũng ảnh hưởng đến khả năng mua cầu thủ ngoại với chi phí cao của các CLB ở Premier League. Mùa hè vừa rồi, khi bảng Anh vẫn giữ được vị thế, họ đã tốn tới 1 tỷ bảng cho thị trường chuyển nhượng.
Cùng cần phải lưu ý, tình trạng nợ nần diễn ra phổ biến ở các CLB châu Âu nói chung và Anh nói riêng. Như Barca gánh khoản nợ lên đến 1,1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD), với phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn, hoặc MU, theo báo cáo tài chính năm 2021-22, số nợ đang là 514,9 triệu bảng.
Chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire tính toán rằng, nhà Glazer, chủ sở hữu MU, đã vay 650 triệu đô từ các ngân hàng Mỹ, theo tỷ giá hối đoái ngày 30 tháng 6, là 530 triệu bảng. Bây giờ, hệ quả trực tiếp của việc đồng bảng mất giá so với đồng đô, con số kia tăng thêm 82 triệu thành 612 triệu bảng. Với doanh thu tính bằng đồng bảng nhưng cổ tức chi tra 6 tháng một lần cho nhà Glazer bằng đồng đô, MU lại thiệt hại thêm lần nữa.
Thế nên kế hoạch mua lại các CLB Anh vào thời điểm này, nếu có, cần phải xem xét một cách tổng thể và kỹ lưỡng. Mua với giá rẻ nhưng chi phí vận hành lại tốn kém hơn đặt ra bài toán thực sự.
Mặc dù vậy, ngay cả trong bối cảnh đồng bảng vẫn giữ sức mạnh thống trị, Premier League luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư. Hiện 10/20 CLB Premier League đang thuộc sở hữu (hoàn toàn hoặc một phần) của người Mỹ. Bournemouth sẽ sớm trở thành đội thứ 11, khi chủ sở hữu Maxim Demin đang đàm phán để bán lại đội bóng cho Bill Foley, một doanh nhân ở Las Vegas.
Bất chấp tình trạng suy thoái, các gói bản quyền truyền hình và giao dịch thương mại trị giá hàng tỷ bảng vẫn tạo nên một giải đấu giàu có và hào nhoáng. Thêm nữa, sân vận động tại Premier League vẫn kín chỗ vào dịp cuối tuần cùng khả năng kiếm tiền bên ngoài lãnh thổ chưa bao giờ hạ nhiệt. Thỏa thuận phát sóng ở nước ngoài hiện mang lại nhiều hơn thị trường trong nước, với tổng giá trị ước tính khoảng 10,5 tỷ bảng trong ba năm tới, tăng 16% so với trước.
Vậy mà những người điều hành đều cảm thấy Premier League vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thương mại. Giải đấu này còn có thể kiếm được nhiều hơn nữa nếu đưa một số trận đấu ra ngoài lãnh thổ hoặc tổ chức các trận kinh điển giữa ngôi sao hai miền Nam - Bắc theo gợi ý của Todd Boehly.
Sẽ phải mất nhiều thời gian để biết sự mất giá của đồng bảng ảnh hưởng thế nào tới Premier League, cũng như không thể dự đoán về cuộc đổ bộ ồ ạt của các nhà tài phiệt nước ngoài xuống xứ sở sương mù. Các CLB Anh tạm thời vẫn được bảo vệ trước cuộc suy thoái, và cho dù bất cứ điều gì xảy ra, nó vẫn còn nguyên sức hút cả với người hâm mộ và giới đầu tư.