Đòn bẩy tài chính và cái kết đắng cho Barca
BÀI LIÊN QUAN
Hành trình "quay xe" để trở thành doanh nhân cỡ bự của gã béo RonaldoVõ sỹ quyền anh Manny Pacquiao: Từ tận cùng nghèo khổ đến người giàu nhất trong những người giàuRoger Federer giải nghệ sau khi tích lũy hơn 1 tỷ đô từ quần vợtMột cảnh tượng đáng kinh ngạc đã diễn ra ở Nou Camp đêm thứ Tư, sau trận hòa 3-3 với Inter. Trong khi một nhóm nhỏ người hâm mộ đội khách ăn mừng, phần lớn trong số 92.302 người ngồi chết lặng vì choáng váng. Bầu không khí im lặng chết chóc bao trùm, khi những người Barca nhận ra họ 99% bị loại khỏi Champions League dù vẫn còn 2 trận đấu nữa.
Không ai có thể lường trước điều này. Barca đã khởi đầu mùa giải một cách tuyệt vời, với rất nhiều chiến thắng được tạo ra bởi các pha lập công của Robert Lewandowski. Chiến lược “đòn bẩy kinh tế”, hay “thế chấp tương lai” của Chủ tịch Joan Laporta được biện minh.
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vào Chủ nhật tuần trước được tổ chức tại hội trường Auditorium 1899 của Nou Camp, Laporta nói rằng “chúng ta đã cùng nhau cứu Barca”, nhắc nhở mọi người về việc CLB gần như phá sản thế nào khi ông tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch của Josep Maria Bartomeu vào tháng 3 năm ngoái.
Laporta cũng giải thích cách sử dụng “các đòn bẩy tài chính” để vay từ các khoản thu nhập dự kiến trong tương lai sẽ tạo ra một “vòng tròn nhân đạo”. Nó giúp thúc đẩy Barca thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ, qua đó gia tăng doanh thu và các khoản vay sẽ sớm được trả hết. Các đại biểu có mặt đồng ý với lập luận của ngài Chủ tịch.
Các con số cũng ủng hộ lập luận của Laporta. Theo tính toán, thu nhập thương mại và tài trợ mùa này dự kiến là 369 triệu euro, tăng 38% so với 267 triệu euro của năm ngoái. Cơ sở để họ đạt được điều này là sự gia tăng của người hâm mộ. Trung bình số người đến Nou Camp mùa trước là 55.026. Mùa này, 4 trận đầu tiên ở La Liga và trận mở màn Champions League gặp Viktoria Plzen có sống người tham dự trung bình là 81.890, tăng 19%.
Tuy nhiên mọi thứ không chỉ màu hồng. Bản tổng kết về tình hình tài chính của Barca được đưa ra khi Phó chủ tịch tài chính Eduard Romeu thừa nhận vào tuần trước, rằng “nếu không có thu nhập từ đòn bẩy tài chính”, năm ngoái CLB đã lỗ 106 triệu euro, và năm nay khoản lỗ sẽ là 210 triệu”.
Chi tiết này nhắc nhở rằng đội bóng xứ Catalan đang sống vượt quá khả năng của mình và tiếp tục phải trả giá cho những sai lầm trong quá khứ. Mùa trước, tổng số tiền chi trả cho tiền lương và phí chuyển nhượng được khấu hao là 518 triệu euro. Nó đã tăng 27% lên 656 triệu euro trong năm tài chính 2022-23 sau khi mua về một loạt ngôi sao mới, bao gồm Lewandowski và Raphinha.
Thêm một rắc rối khác, thỏa thuận trả chậm lương các cầu thủ trong các mùa giải trước nay đã đến hạn thanh toán. Tâm điểm nằm ở những người hưởng lương cao, như Frenkie de Jong, Marc-Andre ter Stegen cùng ba trụ cột Sergio Busquets, Gerard Pique và Jordi Alba, mỗi người tiêu tốn của Barca hơn 40 triệu euro mỗi năm. Trong ba cựu binh chỉ có Ter Stegen đang chơi tốt. Busquets, 34 tuổi là một gánh nặng còn Pique, 35 tuổi, thậm chí chỉ mang tới tai họa, trở thành điểm yếu lớn nhất.
Chưa hết, bản cáo bạch chỉ ra rằng Barca vẫn còn nợ phí chuyển nhượng từ nhiều năm trước, bao gồm cả những cầu thủ đã không còn ở CLB như Philippe Coutinho, Miralem Pjanic và Neto Moura. Hơn 100 triệu euro trong tổng số này phải được trả trong bảy tháng tới.
Dự án cải tạo Nou Camp mà Laporta theo đuổi sẽ đặt lên Barca khoản nợ mới trị giá 1,5 tỷ euro. Và khi Nou Camp ở tình trạng sửa chữa, đội bóng sẽ mất 50 triệu euro trong mùa tới vì phải thuê sân Montjuic có sức chứa nhỏ hơn, kém hiện đại hơn.
Mọi thứ sẽ ổn nếu Barca tiếp tục đà thăng tiến, đạt được hai mục tiêu: vô địch La Liga và vào đến tứ kết Champions League. Khi đó hình cảnh CLB tiếp tục được cải thiện, người hâm mộ tới sân nhiều hơn và các đối tác thương mại cũng kéo tới.
Thế nhưng đời không như là mơ. Trận thua Inter tại Giuseppe Meazza đã khiến mọi thứ đi chệch hướng. Đó là lý do Xavi tuyên bố trước trận lượt về với Inter ở Nou Camp, “đây là một trận chung kết với chúng tôi”. Không may cho họ, 90 phút hỗn loạn và điên rồ kết thúc với kết quả hòa 3-3. Barca rơi vào ác mộng. Chỉ cần Inter đánh bại Plzen ở trận kế tiếp, Barca sẽ bị loại khỏi Champions League.
Điều này sẽ khiến Barca mất khoản tiền 52,7 triệu euro, bao gồm các khoản thưởng từ UEFA theo mức độ tiến xa của CLB và tiền bản quyền truyền hình. Nếu tính cả những khoản liên quan, như vé vào sân và nhiều giá trị gia tăng khác, con số có thể lên đến 75 triệu euro.
Chưa dừng ở đó, việc không còn hiện diện ở giải đấu danh giá nhất châu Âu cũng khiến hình ảnh của Barca suy giảm. Một mặt nó làm cho họ kém hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư. Trong khi có nhiều lựa chọn tốt hơn, tại sao họ phải đầu tư vào một CLB liên tục thất bại ở Champions League, thậm chí 2 mùa liên tiếp không vượt qua vòng bảng? Chỉ số tín dụng của đội bóng xứ Catalan cũng suy giảm đáng kể, khiến các vụ vay mượn trở nên khó khăn.
Chủ tịch Laporta đang có ý định tiếp tục thực hiện các đòn bẩy bằng việc bán 49% cổ phần trong chi nhánh BLM, công ty con của CLB. Họ cũng tính đến việc bán một phần trong bảo tàng Barca, một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất ở Catalan. Cho đến nay Barca vẫn chưa tìm được đối tác sẵn sàng cho ra 300 triệu euro. Nó sẽ càng rơi vào bế tắc sau trận hòa Inter.
Một trong các giải pháp cứu Barca khỏi vũng lầy là Super League, siêu giải đấu được khởi xướng bởi Chủ tịch Rea, Florentino Perez. Tuy vậy, rất ít khả năng Super League trở lại bởi lập trường cứng rắn của Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin vừa gia hạn thỏa thuận hợp tác với Ủy ban châu Âu. Điều này đảm bảo các giải đấu của UEFA là hợp pháp và không có chỗ cho Super League.
Chính Laporta nói trước Đại hội đồng cổ đông, Barca không thể sống dựa vào đòn bẩy và cần tạo ra kết quả tích cực càng sớm càng tốt. Khi kết quả không đến, gã khổng lồ xứ Catalan thực sự lâm nguy.