Doanh nghiệp BĐS: “Không lo lãi suất cao, chỉ sợ không tiếp cận được nguồn vốn”
BÀI LIÊN QUAN
Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng dù thị trường khó khănVẫn còn nhiều lo ngại rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Sẽ không có "món quà" nào cho tín dụng bất động sản trong năm 2023"Khốn đốn" vì tín dụng
Chiều 6/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức cuộc họp kín với các vụ, ngành trực thuộc và các ngân hàng để nghe báo cáo về tình hình cho vay trong lĩnh bất động sản. Thông tin này không chỉ giới kinh doanh, nhà đầu tư bất động sản mà người dân cũng vô cùng qua tâm. Bởi thời gian qua, việc các ngân hàng siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã khiến cho ngành này “khốn đốn” trăm bề.
Được biết, sau cuộc họp kín này, đến 8/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản để nắm bắt khó khăn và lắng nghe đề xuất ý kiến của các doanh nghiệp địa ốc. Từ đó, sẽ đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa thị trường bất động sản và ngân hàng. Đây là thông tin rất tích cực và vô cùng qua trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Dù chưa biết các biện pháp tháo gỡ cho ngành bất động sản sẽ được thực hiện như thế nào nhưng thông tin này cũng mang đến tín hiệu lạc quan cho thị trường.
Còn nhớ, cách đây vài ngày, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức cuộc họp ngay trong tháng 2. Và có lẽ, động thái của Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong những hành động thiết thực để hướng đến việc giải khó cho thị trường địa ốc.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp “than trời” vì khó tiếp cận vốn ngân hàng. Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội cho biết, anh cũng thường xuyên trao đổi với chi nhánh ngân hàng được xem là đối tác “ruột” của công ty. Tuy nhiên, các nhân viên ở chi nhánh này đều lắc đầu vì không thể cho vay trong thời điểm này. Mặc dù tiền trong ngân hàng vẫn còn rất nhiều. Bởi, việc rà soát kỹ đối với nguồn tín dụng cấp cho các doanh nghiệp bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa khẳng định, doanh nghiệp ông khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng để triển khai NOXH. Mặc dù đây là loại hình ở đang được Nhà nước khuyến khích. Vị này chia sẻ, thời gian qua, phía ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NOXH chứ doanh nghiệp tiếp cận rất khó. Nếu các doanh nghiệp phát triển bất động sản mà vay được tiền cũng phải chịu mức lãi suất cao lên tới 14%/năm.
Lãi suất 14%/năm tương đương 1,16%/tháng. Đây là một mức lãi suất quá cao so với việc vay vốn bình thường chứ chưa nói rằng vay vốn để thực hiện nhà ở xã hội. Ông Nghĩa cho biết, Chính phủ đưa ra mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong vài năm tới. Tuy nhiên, với mức lãi suất như thế này thì rất khó để các doanh nghiệp thực hiện được. Nhà ở xã hội đang vướng ở nhiều phía từ pháp lý cho đến lãi suất rồi dòng vốn. Chính vì thế, rất nhiều người cho nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp không thể thực hiện được việc xây dựng nhà ở xã hội thì lấy đâu ra sản phẩm cho người dân mua. Bên cạnh đó, làm nhà ở xã hội mức lãi rất thấp lại còn vướng nhiều chỗ nên doanh nghiệp không thể mặn mà với việc phát triển.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản lên đến gần 800.000 tỷ đồng. Trong khi đó, đến cuối thời điểm năm 2021 là khoảng 700.000 tỷ đồng.
Cần khơi thông nguồn vốn vào thị trường BĐS
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần khơi thông nguồn vốn vào thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải đa dạng hóa các nguồn vốn như trái phiếu, cổ phiếu và các quỹ đầu tư…Đây là các nguồn vốn có thể phần nào đó thay được cho nguồn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, ở thời điểm hiện tại, nguồn vốn tín dụng ngân hàng vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng để có được nguồn vốn tín dụng thì thị trường bất động sản cần phải minh bạch hơn.
TS.Vũ Tiến Lộc nói thêm, hiện nay, nguồn vốn ngân hàng đang được ưu tiên tập trung vào những ngành tiềm năng để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tài chính, tiền tệ phải linh hoạt để đảm bảo đối phó được với lạm phát.
Dưới góc nhìn vĩ mô, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, không tăng nóng, không tạo ra bong bóng bất động sản. Việc này cũng tạo ra những điểm tích cực khi thị trường bất động sản dần trở nên ổn định, cân bằng hơn. Các hình thức đầu cơ đang dần bị loại bỏ.
TS. Lê Xuân Sang chi sẻ, về cá nhân, ngân hàng chỉ siết cho vay đối với các đối tượng đầu cơ, tích trữ bất động sản. Trong khi đó, các chủ đầu tư có dự án kém hiệu quả cũng bị siết để nhường cho các dự án thiết thực và hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính, kinh tế Lại Minh Thành cho rằng, nguồn vốn tín dụng hiện nay đang được xem là “mạch máu” của thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn chẳng khác nào một “bệnh nhân” thiếu máu trầm trọng.
“Tôi trao đổi rất nhiều với các doanh nghiệp bất động sản. Họ nói rằng thời điểm này, lãi suất cao không phải là vấn đề quá lớn. Mà vấn đề khó khăn nhất là không thể tiếp cận được vốn vay. Vì thế, trong lúc việc huy động vốn qua các kênh còn đang gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cần “bơm máu” ra thị trường để giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn. Tôi rất trông chờ vào cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp vào ngày 8/2. Đây là thời điểm để các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản có thể trao đổi trực tiếp để tìm ra những biện pháp tốt nhất cho thị trường bất động sản. Bởi ai cũng biết, nếu không cho doanh nghiệp bất động sản vay thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gỡ khó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản sẽ sớm được bơm ra thị trường”, chuyên gia Lại Minh Thành nói.