Điểm nổi bật của thị trường tài chính 2022: Khi những “cá mập” Việt trở thành người dẫn dắt cuộc chơi chính trên thị trường M&A
BÀI LIÊN QUAN
M&A bất động sản: Năm 2023 mang tới cơ hội cho người mua sẵn tiền mặtChuyên gia nhận định: Ngành bất động sản tiếp tục là một phần quan trọng trong bối cảnh M&A năm 2022Liệu có làn sóng M&A ồ ạt vào thị trường BĐS năm 2023?Có thể nói, năm 2022 là năm ấn tượng của thị trường tài chính Việt khi hàng loạt các doanh nghiệp trong nước trở thành người dẫn dắt cuộc chơi mua bán và sáp nhập (M&A) thay vì khối ngoại giống như những năm trước.
Nếu như năm 2019, các doanh nghiệp Việt xếp thứ 3 về giá trị giao dịch tại thị trường M&A, sau 2 cái tên lớn là Singapore và Hàn Quốc thì đến năm 2020, doanh nghiệp Việt đã vươn lên dẫn đầu khi giá trị giao dịch lên đến 2,2 tỷ USD; đến năm 2021 đã lùi về vị trí thứ hai. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp Việt đã lấy lại được vị thế dẫn đầu của mình.
Masan trở thành doanh nghiệp M&A tích cực nhất
Theo Nhịp sống thị trường, trong 2 năm qua, Masan Group đã đóng góp hơn 10 thương vụ M&A đình đám. Vì thế, Masan đã được ban tổ chức M&A Vietnam Forum 2022 bình chọn là doanh nghiệp sở hữu chiến lược M&A tiêu biểu năm 2021-2022. Nếu tính riêng trong năm nay, ngay từ tháng 1 đầu năm tập đoàn này đã tiến hành “thâu tóm” hơn 2,4 triệu cổ phần của CrownX đến từ các nhà đầu tư khác, nâng tỷ lệ lợi ích vốn chủ sở hữu từ 81,7% lên con số 84,9%.
Cũng trong tháng 1, công ty con được sở hữu gián tiếp bởi Masan là Công ty TNHH The SHERPA đã mua lại 31% cổ phần của Phúc Long với giá trị 2.490 tỷ đồng, tương đương với mức định giá lên đến 8.034 tỷ đồng. Đồng thời, The SHERPA cũng đã chuyển Phúc Long từ công ty liên kết trở thành công ty con sở hữu gián tiếp. Tháng 8 cùng năm, The SHERPA tiếp tục mua thêm hơn 10,8 triệu cổ phiếu, tương đương 34% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage cùng tổng số tiền thanh toán là 3.618 tỷ đồng. Với con số này, Phúc Long tiếp tục được nâng lên mức định giá là 10.640 tỷ đồng (tương đương với 450 triệu USD).
Bên cạnh đó, Masan cũng chi 65 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần của Công ty Trusting Social; chi 52 triệu Euro để sở hữu 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt Limited (Nyobolt).
Hàng loạt những thương vụ nổi bật khác
Tính đến thời điểm hiện tại, thương vụ của doanh nghiệp Việt sở hữu giá trị công khai lớn nhất là Viva Land chi 550 triệu USD để mua lại tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place tại trung tâm Hà Nội từ tay CapitaLand. Đáng chú ý, thị trường M&A ở Việt Nam còn sôi động hơn rất nhiều những thương vụ nổi bật khác, điển hình như CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát (Công ty An Phát) đã mua hơn 41,7 triệu cổ phiếu đấu giá của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị cùng với Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS), con số này tương đương với 36,65% vốn điều lệ của SJS. Mức giá mua của mỗi cổ phiếu lên đến 102.000 đồng, tương đương với tổng giá trị của thương vụ là 4.258 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2022, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) đã tiến hành chuyển nhượng toàn bộ 192,3 triệu cổ phần - tương đương với 99,86% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Sài Gòn – KL (Sài Gòn – KL) – chủ đầu tư của dự án Astral City tại Bình Dương cho 4 pháp nhân là Công ty TNHH Bất động sản Lyra, Công ty TNHH Bất động sản Orion và công ty TNHH Bất động sản Vega cùng với công ty TNHH Bất động sản Gemini với kỳ vọng sẽ mang về 3.350 tỷ đồng. Được biết, cả 4 pháp nhân này đều có nhiều mối liên hệ với giới chủ CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC).
Ngoài ra, còn có những thương vụ M&A nổi bật khác như: Vingroup tiến hành thu mua cổ phần của CTCP Phát triển Kinh doanh Bất động sản SV Tây Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã thoái hết phần vốn Nhà nước tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC), PC1 Group tiến hành đầu tư sở hữu gần 31% vốn Công ty cổ phần Western Pacific (1.110 tỷ đồng); TNG mua cổ phiếu TTL cũng như VC9… Đồng thời, không thể bỏ qua cái tên Thaco trong thương vụ mua lại 100% vốn của siêu thị Emart tại Việt Nam và đã hoàn thành trong năm 2021.
Trước đó vào năm 2021, một số thương vụ nổi bật phải kể đến như vụ sáp nhập giữa GTNFoods và Vilico với trị giá lên đến 203,5 triệu USD; CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã tiến hành mua 49% cổ phần thuộc Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW của CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), Bamboo Capital đã mua 81% vốn CTCP Bảo hiểm AAA…
Đáng chú ý, dù tổng giá trị của những thương vụ M&A của các doanh nghiệp Việt là lớn nhất, thế nhưng thương vụ tiêu biểu nhất của năm 2022 vẫn thuộc về một doanh nghiệp nước ngoài. Đó chính là thương vụ Ngân hàng UOB (Singapore) đã tiến hành mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam. Đây là một phần trong số thương vụ trị giá 3,7 tỷ USD mà Citigroup bán lại mảng bán lẻ ở 4 quốc gia Đông Nam Á, gồm có Thái Lan, Malaysia, Indonesia cùng với Việt Nam, cho UOB. Tuy nhiên, giá trị của thương vụ này lại không được tiết lộ.
Năm 2021, hai thương vụ có giá trị lớn nhất thuộc về Kuehne + Nagel khi mua lại Apex International thuộc sở hữu của MBK Partners - hiện nay đang có công ty con gián tiếp tại Việt Nam là Công ty TNHH Apex Logistics (với trị giá 1,5 tỷ USD) và thương vụ Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) thâu tóm 49% cổ phần VPBank tại FE Credit (với trị giá 1,4 tỷ USD).
Tại sao doanh nghiệp Việt trở thành người dẫn dắt cuộc chơi?
Liên quan đến vấn đề này, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia từng đưa ra lời nhận định về thị trường M&A trong năm 2020 rằng: “Covid-19 đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong thời gian ngắn hạn. Điều này đã khiến họ phải áp dụng việc tiếp cận thận trọng hơn trong việc đầu tư trong bối cảnh những chuyến kiểm tra thực địa bị hạn chế”.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nguyên nhân khiến cho số lượng thương vụ M&A vào thị trường Việt Nam năm 2020 giảm mạnh là do đặc thù của khác thương vụ này. Theo đó, các thương vụ M&A là sự chảy vào của dòng vốn ngoài biên giới; thế nhưng việc các quốc gia hạn chế đi lại trong thời điểm dịch bệnh đã khiến cho nguồn nhân lực cùng với máy móc không thể di chuyển, trực tiếp hạn chế hoạt động nghiên cứu thị trường cũng như ra quyết định mua bán.
Trong một bài phỏng vấn với Forbes Việt Nam, ông Phạm Duy Khương - Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH ASL đã nhắc đến vấn đề pháp lý, đây là một mắt xích vô cùng đặc biệt đang và sẽ được chú trọng ở trên thị trường M&A tại Việt Nam trong bối cảnh bên mua đã không còn nhiều như xưa. Ông Khương cho biết, những thương vụ M&A ngày càng mất nhiều thời gian để có thể hoàn tất so với giai đoạn trước; đặc biệt khi điều này còn có liên quan đến quá trình thẩm định pháp lý cũng như rà soát các điều khoản hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Công Ái – Phó Tổng giám đốc KPMG, các doanh nghiệp việt vươn lên mạnh mẽ là do đã trải qua 3 giai đoạn phát triển. Trong đó, trước năm 2010 chính là giai đoạn tích lũy, tức là đa số các doanh nghiệp tư nhân nằm trong tay một ông chủ, ghi nhận tốc độ phát triển nhanh. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn của thị trường, điển hình như cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra vào năm 2008. Tiếp đến, giai đoạn 2010 -2019 là thời gian tái cơ cấu, củng cố để phát triển cũng như chuyển giao thế hệ giữa những người sáng lập cho thế hệ tiếp theo.
Kể từ năm 2019 chính là giai đoạn phát triển bền vững, hàng loạt những tập đoàn đa ngành lớn mạnh như VinGroup, Thaco Group, Masan Group, NovaGroup… sau một khoảng thời gian phát triển nội tại, củng cố tiềm lực và thu hút được nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài; đã đến lúc họ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và hình thành nên các hệ sinh thái phát triển một cách vững chắc.
Điển hình, Vingroup là tập đoàn bất động sản tham gia vào sản xuất ô tô; Thaco là tập đoàn chuyên về ô tô đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ; Masan từ sản phẩm nước tương chủ lực đã tiến đến hoàn thiện chuỗi 3F, bán lẻ và khoáng sản; NovaGroup đã và đang từng bước trở thành tập đoàn đa ngành. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp này có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, đó là thông qua các thương vụ M&A để tạo nên hệ sinh thái.
Ngoài ra, ông Ái cho rằng việc những doanh nghiệp Việt dẫn đầu các thương vụ M&A là do các nhà đầu tư khác đều đã giảm đi. Năm 2021, tổng số thương vụ là gần 700, đến 10 tháng đầu năm nay đã giảm một nửa xuống chỉ còn 350. Đối với giá trị trong mỗi thương vụ, 10 tháng đầu năm 2022 là khoảng 16,5 triệu USD, đã giảm gần một nửa so với con số 31 triệu USD năm 2021.
Điều đáng nói, dù công nghệ là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhưng các hoạt động M&A trong mảng này lại chưa được như kỳ vọng. Trong nửa đầu năm 2022, chỉ có 4 thương vụ có liên quan đến công nghệ, trong khi cùng kỳ năm trước là 7 thương vụ, theo Mergermarket.