ĐHCĐ VPBank năm 2022: Hoàn tất bán vốn cho nước ngoài trong quý 3, chia cổ tức bằng tiền mặt tới 30%
BÀI LIÊN QUAN
ĐHCĐ TPBank năm 2022: Dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 52,725 tỷ thông qua phát hành cổ phiếuĐHCĐ PG Bank năm 2022: Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 430 tỷ đồng, tổng tài sản tăng trưởng 7,7%ĐHCĐ ngân hàng MB: Đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 20.000 tỷ đồng trong năm nayTheo Nhịp sống kinh tế, chiều ngày 29/4/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay. VPBank đã và đang có nhiều bứt phá mạnh mẽ trên thị trường nên đây là một trong những đại hội cổ đông được mong chờ nhất năm 2022.
Nhìn lại năm 2021 với những con số ấn tượng
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban điều hành VPBank, năm 2021 là một năm đầy thách thức với nền kinh tế VN nói chung, ngành ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo cùng sự nỗ lực của cả tập thể, VPBank vẫn giữ được đà tăng trưởng và duy trì hiệu quả hoạt động, vượt hầu hết các chỉ số kinh doanh quan trọng mà cổ đông giao phó.
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 547 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2020. Đồng thời, con số này giúp VPBank duy trì vị thế một trong 3 ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng quy mô.
Có được kết quả ấn tượng này, hoạt động tín dụng đã tăng 18,9%, giao dịch thoái vốn tại FE Credit cũng thu về nguồn tiền khổng lồ. Năm 2021, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, duy trì vị trí quán quân khối ngân hàng tư nhân.
Bên cạnh đó, chỉ số CIR giảm hơn 5% xuống 24,2% cuối năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 14,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn có hai mảng năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu. Đầu tiên là huy động vốn từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng thấp hơn. Tuy nhiên, điều này cũng phù hợp với chủ trương tối ưu hóa nguồn vốn của VPBank.
Chỉ số tiếp theo chưa đạt chỉ tiêu chính là lợi nhuận hợp nhất. Dù cổ đông đã ủy quyền cho ban lãnh đạo điều chỉnh kế hoạch hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngân hàng phải dự phòng nhiều. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua VPBank không đạt chỉ tiêu này.
Cũng trong năm 2021, ngân hàng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) và một đối tác khác vào tháng 10/2021. Việc hoàn tất này đã xác lập kỷ lục thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam, đồng thời được bình chọn là thương vụ của năm 2021; đưa VPBank lên vị thế hàng đầu về quy mô vốn tự có. Đồng thời, VPBank cũng trở thành ngân hàng có mức tăng trưởng vốn tự có cao nhất ngành trong năm 2021. Thương vụ M&A này cũng đóng góp gần 38 nghìn tỷ đồng vào thu nhập của ngân hàng mẹ.
Mục tiêu năm 2022
Năm 2022, ngân hàng nhà nước tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14%, trong đó chủ yếu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Để hỗ trợ phát triển kinh tế, lãi suất sẽ được giữ mức ổn định, kiểm soát chặt chẽ tín dụng với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Năm nay, ngân hàng cũng phải có những hình thức xử lý phù hợp với vấn đề nợ xấu. Ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng cao ở ngân hàng mẹ năm 2022 ở mức 35% (nếu được NHNN cho phép và tùy thuộc diễn biến thị trường). VPBank cũng kỳ vọng lợi nhuận đạt trên 23 nghìn tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Nhờ nền tảng vững chắc cùng hệ thống mạnh, VPBank tự tin sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Theo ban lãnh đạo, trong thời gian tới ngân hàng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2021 và đầu năm 2022 VPBank đã có những mắt xích ban đầu phục vụ cho sự phát triển trong thời gian tới.
Tại đại hội, một nội dung đáng chú ý khác chính là kế hoạch tăng vốn ngân hàng năm 2022. Theo đó, VPBank đã tăng vốn qua 2 phương án, thứ nhất là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài; thứ hai là trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Với phương án thứ nhất, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành tối đa 2.237.736.693 cổ phiếu với tỷ lệ 50%. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới. Dự kiến, thời điểm thực hiện vào quý 2 hoặc quý 3 năm nay. Sau lần phát hành này, VPBank sẽ tăng vốn thêm hơn 22,3 tỷ đồng; vốn mới sẽ là hơn 67,4 nghìn tỷ đồng.
Đối với phương án thứ hai, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho Nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, để tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhà băng này lên đến tối đa 30% vốn điều lệ. Dự kiến, ngân hàng sẽ phát hành tối đa 1.190.000.000 cổ phiếu, tương đương mức sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 15% vốn điều lệ sau phát hành. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, VPBank sẽ phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài ngay trong năm nay. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến hơn 79,3 nghìn tỷ đồng ( 79.334.296.800.000 đồng).
Trong năm nay, ngân hàng còn có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Trong đó, dự kiến 10 triệu cổ phiếu là dành cho cán bộ nhân viên là người nước ngoài làm việc tại VPBank.
Đáng chú ý, VPBank còn “chơi lớn” khi tặng cho mỗi cổ đông tham dự đại hội một món quà siêu xịn sò, đó là một chiếc đồng hồ Xiaomi band 6 trị giá 900 nghìn đồng. Như vậy, có tổng cộng 171 cổ đông VPBank đã nhận được món quà thời trang và thiết thực này. Trước đó, cũng có 2 ngân hàng khác tiến hành tặng quà cho cổ đông, đó là Sacombank tặng mỗi cổ đông dự đại hội nửa chỉ vàng 9999 và MB tặng mỗi cổ đông 500 nghìn đồng.