Đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất xăng dầu trong nước
BÀI LIÊN QUAN
Giá xăng Việt Nam vẫn cao hơn 29 quốc gia khácDoanh nghiệp xăng dầu vẫn gặp khó vì nguồn cung nhỏ giọt và chiết khấu vẫn thấpHà Nội sẽ truy trách nhiệm các doanh nghiệp đầu mối nếu để thiếu xăng dầuGiảm thuế nhập khẩu mặt hàng condensate
Theo haiquanonline.com.vn, tại dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN mặt hàng condensate (mã HS 2709.00.20). Đây là một trong những nguyên liệu dùng để sản xuất xăng dầu trong nước.
Mặt hàng này có thuế suất MFN là 3% thuế nhập khẩu thông thường là 4,5%, thuế suất tại các FTA (ATIGA, ACFTA, AKFTA, AANZFTA là 5%, AJCEP, VJEPA, AIFTA, VCFTA là 3%; VKFTA, VNEA-EU, EVFTA, CPTPP là 0%.
Hiện đơn vị sản xuất condensate tại Việt Nam là Tổng công ty Khí Việt Nam. Mỗi năm đơn vị này sản xuất khoảng 250.000 tấn condensate từ nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn tại 2 nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Nam Côn Sơn. Condensate ở Việt Nam chủ yếu được dùng để sản xuất nhiên liệu: LPG, Xăng, DO, FO.
Mặt hàng condensate là nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên có tính chất tương tự dầu thô nhưng thành phần nhẹ. Theo quy định biểu thuế, thuế suất, các mặt hàng là tài nguyên khoáng sản thô chưa qua chế biến thì mức thuế xuất khẩu sẽ cao nhằm hạn chế xuất khẩu, mức thuế nhập khẩu MFN thấp để tăng cường nhập khẩu nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến ở trong nước.
Tại dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN mặt hàng condensate từ 3% xuống 0%. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm tương ứng mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2709.00.20 từ 4,5% xuống 0%.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu thông thường đối với mặt hàng mặt hàng condensate sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do thời gian qua không phát sinh kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất nhập khẩu thông thường.
Nếu phương án này được phê duyệt sẽ góp phần tạo điều kiện cho các nhà máy lọc hóa dầu trong nước được tiếp cận nguồn nguyên liệu với chi phí thấp hơn, trong đó có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Góp phần giảm giá thành và tăng mức sản lượng xăng dầu được sản xuất trong nước.
Giảm thuế nhập khẩu mặt hàng T-DAO và VGO
Một số mặt nguyên liệu sản xuất xăng dầu khác cũng được đề xuất giảm thuế nhập khẩu là T-DAO (thuộc mã HS 2710.19.90) và mặt hàng VGO (mã HS: mã HS 2710.19.90 (cùng mã HS với mặt hàng T-DAO nêu trên) hoặc mã HS 2710.20.00 (tùy thuộc chất lượng dầu).
Các mặt hàng này đều là nguyên liệu, sản phẩm trung gian cho các nhà máy lọc dầu và được sử dụng để tăng sản lượng sản phẩm có giá trị tại nhà máy. Nguồn nhập khẩu các mặt hàng này từ nhiều khu vực, tùy theo trọng lượng dầu mỏ và khoáng bitum có trong sản phẩm. Hiện các mặt hàng này có thuế nhập khẩu MFN là 5%, thuế nhập khẩu thông thường là 7,5%, thuế suất FTA (ACFTA là 8%, AANZFTA, AIFTA, AJCEP, VJEPA, VCFTA, VN-EAEU là 5%; CPTPP là 7%; ATIGA, AKFTA, VKFTA là 0%).
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN các mã HS (2710.19.90, 2710.20.00) từ 5% xuống 0%. Nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, góp phần giảm bớt áp lực từ giá xăng, dầu và việc thiếu nguyên liệu cho nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm tương ứng mức thuế suất thuế thông thường của các mã HS (2710.19.90, 2710.20.00) từ 7,5% xuống 0%, góp phần giảm chi phí đầu vào và tạo điều kiện mở rộng nguồn cung nguyên liệu cho Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất.
Giảm thuế nhập khẩu mặt hàng Residue và Propen
Mặt hàng Residue (thuộc mã HS 2713.90.00), hiện có thuế nhập khẩu MFN là 0%, thuế nhập khẩu thông thường là 5%, thuế suất tại các FTA là 0%. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2021 cho thấy, mặt hàng Residue không phát sinh kim ngạch nhập khẩu từ thuế thu nhập thông thường. Tuy nhiên để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu mặt hàng này cho Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nói riêng và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước nói chung, tránh bị ép giá bởi các thị trường nhập khẩu truyền thống, tại công văn số 8437/BTC-CST, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thông thường của mã HS 2713.90.00 từ 5% xuống 0%.
Mặt hàng Propen (propylen), mặt hàng này thuộc mã HS 2901.22.00, có mức thuế suất MFN và thuế suất FTA đều là 0%, thuế nhập khẩu thông thường là 5%. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2021, mặt hàng propen này không phát sinh kim ngạch nhập khẩu từ thuế nhập khẩu thông thường.
Tại công văn số 8437/BTC-CST, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2901.22.00 từ 5% xuống 0% do mức thuế suất MFN và các FTA đã về 0% và việc điều chỉnh này không làm giảm thu ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế nhập khẩu thông thường sẽ tăng thêm cơ hội, lợi thế về thuế khi chào mua tại các quốc gia không phải là thành viên của tổ chức WTO và chưa ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam.
Các phương án giảm thuế được Bộ Tài chính đưa ra đều góp phần giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất xăng, dầu trong nước. Đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường nguồn cung nguyên liệu mới cho sản xuất xăng dầu trong nước. Đây là cơ sở để tăng nguồn cung từ xăng dầu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn xăng dầu thành phẩm nhập khẩu.