Đất nền Đà Nẵng ế ẩm, người bán liên tục bị “ép giá”
BÀI LIÊN QUAN
Bản tin BĐS 27/4/2023: Giao dịch đất nền phía Nam giảm hơn 90%Quý I, phân khúc chung cư “nóng sốt” nhưng đất nền lại “nguội lạnh”Quảng Ngãi: Sắp đưa vào thị trường 30.000 lô đất nền, giá cực hấp dẫnĐất nền ế ẩm dù giảm giá
Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường đất nền ở Đà Nẵng gần như “đóng băng” khi nguồn cung và thanh khoản liên tục sụt giảm. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, đất nền một số khu vực ở Đà Nẵng như quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu đã liên tục giảm giá trong thời gian gần đây.
Đơn cử, giá đất nền tại khu đô thị Nam Việt Á (quận Ngũ Hành Sơn) đã giảm 20-30% so với thời điểm đầu năm 2022. Hiện tại, mức giá đất nền nằm trên các trục đường Nguyễn Thế Kỷ, Đa Phước, Tùng Thiện Vương đang dao động từ 4-4,2 tỷ đồng. Còn tại các tuyến đường như Đoàn Khuê, Nghiêm Xuân Yêm,… mức giá dao động khoảng 50-57 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích.
Khảo sát tại một số văn phòng môi giới đất nền trên địa bàn quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, số lượng người mua rất ít, nếu có thì cũng rất khó “xuống tiền”. Nhiều văn phòng môi giới không bán được hàng trong một thời gian dài nên đã tạm thời đóng cửa, chờ đợi thị trường phục hồi.
Anh Nguyễn Thế Hiển, môi giới bất động sản tự do ở Đà Nẵng cho biết, hiện nay đa số người rao bán đất nền ở Đà Nẵng đều đang trong tình trạng “kẹt tiền” nên cần bán gấp, bán cắt lỗ để giảm áp lực tài chính. Tuy nhiên, trên thị trường rất ít giao dịch thành công vì người mua đang có tâm lý chờ đợi để “bắt đáy” bất động sản.
Vị môi giới này cho biết thêm, thị trường đất nền ở Đà Nẵng đang xảy ra hiện tượng “ép giá”. Người mua nắm được tâm lý đang cần “thoát hàng” nhanh của người bán nên đã ép chủ đất bán phá giá thị trường. Có những lô đất có giá rẻ hơn thị trường 200-300 triệu đồng/lô nhưng chủ đất vẫn đồng ý giao dịch.
Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, trong quý 1/2023, mặt bằng giá đất nền trên thị trường thứ cấp ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận vẫn ghi nhận mức giảm 8-12% so với quý 1/2022. Thậm chí có một số dự án có mức giá chuyển nhượng bằng giá gốc hợp đồng năm 2018. Các giao dịch cắt giảm lợi nhuận tập trung chủ yếu ở nhóm dự án lâu năm chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý và nhóm khách hàng có sử dụng vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, nguồn cung và lượng tiêu thụ đất nền ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận cũng đang sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giảm lần lượt là 92%-98%. Các dự án mở bán mới tập trung chủ yếu ở Quảng Nam chiếm khoảng 90,9% nguồn cung toàn thị trường. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng không ghi nhận nguồn cung mới.
Theo báo cáo, việc chậm cấp phép dự án mới cùng việc thanh tra đồng loạt các dự án bất động sản tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận đã dẫn đến nhiều dự án bị tạm ngừng hoặc phải đợi giải quyết về pháp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cũng như thanh khoản của thị trường trong thời gian tới.
Cần những chính sách hỗ trợ phát triển
Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường đất nền Đà Nẵng luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, lượng giao dịch liên tục giảm mạnh. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các chính sách kiểm soát tín dụng, lãi suất ngân hàng tăng cao.
Thanh khoản sụt giảm đang gây áp lực cho nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Đà Nẵng. Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản ở đây đã phải sa thải nhiều nhân viên, thậm chí đóng cửa vì tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá Đà Nẵng là khu vực tiềm năng để phát triển các loại hình bất động sản trong tương lai. Trong đó, với lợi thế về bất động sản du lịch, Đà Nẵng sẽ là trở thành vùng thu hút khách du lịch, đặc biệt là nhóm khách hạng sang.
Để “gỡ khó” cho thị trường bất động sản miền Trung, ông Đính kiến nghị các cơ quan quản lý cần cấp bách phê duyệt các dự án bất động sản cần thiết cho xã hội, tăng nguồn cung mới, giảm giá nhà ở. Đồng thời, thị trường địa ốc rất cần những gói hỗ trợ lãi suất để phục hồi và phát triển. Việc nguồn vốn bị tắc nghẽn là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
“Cần khơi thông dòng vốn cho các dự án bất động sản trọng yếu, phù hợp với nhu cầu xã hội, thị trường và người lao động. Đặc biệt, chính quyền các địa phương nên quyết liệt hơn trong công tác phê duyệt dự án”, ông Đính nhấn mạnh.
Một cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã cho thấy rõ thực trạng khan hiếm nguồn cung bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các địa phương. Cho nên, các địa phương cần có những giải pháp thiết thực để đảm bảo nguồn cung đất nền để thu hút đầu tư. Và từ năm 2023 sẽ bắt đầu tháo gỡ vướng mắc để thị trường dần lấy lại niềm tin, phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Dự báo, trong quý tiếp theo, thanh khoản toàn thị trường đất nền dự án ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận vẫn trầm lắng chưa có dấu hiệu khởi sắc khi mặt bằng giá dự án vẫn neo cao và lãi suất vay mua bất động sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó, chỉ có các dự án bất động sản hoàn thiện pháp lý, đáp ứng được nhiều yêu cầu của thị trường có vị trí đắc địa, mức giá giảm mạnh sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Mặt bằng giá sơ cấp đất nền vẫn duy trì ở mức ổn định so với quý 1/2023, tuy nhiên khó có những đợt tăng giá trong ngắn hạn. Còn nguồn cung mới vẫn sẽ trong tình trạng khan hiếm.
Dự kiến, nguồn cung mới sẽ tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Lượng sản phẩm đưa ra thị trường trong quý 2/2023 sẽ chỉ tăng nhẹ so với quý 1/2023, dao động ở mức trung bình khoảng 90-120 sản phẩm.