meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Cựu “cò đất” bật mí chiêu thức nhồi nhét “hiệu ứng FOMO” vào đầu khách hàng để chốt kèo

Thứ tư, 02/03/2022-11:03
Chính “hiệu ứng FOMO” đã khiến lý trí của nhiều người bị suy giảm và chạy theo giá một cách mù quáng. Đây là cách mà các “cò đất” sử dụng để chốt kèo kiếm hoa hồng.

Từ xe ôm, “hai lúa” rẽ ngang thành “cò đất”

Hiện nay tại các huyện ngoại thành Hà Nội hoặc các tỉnh giáp thủ đô như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… xuất hiện tình trạng người người, nhà nhà đi làm “cò đất”. Có thể nói, những cơn sốt đất đã nuôi sống và làm giàu cho một bộ phận “cò”.

 Chẳng cần bằng cấp, không cần vốn liếng, một xe máy, một điện thoại và một chút sức lực để đi tìm người muốn bán, kẻ muốn mua, “cò đất” ngồi giữa bán nước bọt kiếm tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có duyên và sống được bằng nghề này. Bởi, một mảnh đất được gia chủ đem ra bán có đến hàng chục thậm chí hàng trăm “cò” lao vào môi giới.


Quốc Oai, Thạch Thất, hai huyện được xem là điểm nóng về bất động sản.
Quốc Oai, Thạch Thất, hai huyện được xem là điểm nóng về bất động sản.

Anh Nguyễn Tiến Đ. (39 tuổi, quê Thạch Thất, Hà Nội) có thâm niêm 13 năm làm “cò đất”.  Ngày anh Đ. đang học lớp 6, do hoàn cảnh gia đình khó khăn lại học liên tục “đội sổ” nên theo đám bạn bỏ học đi xếp gạch thuê ở một lò gạch thủ công. Sau này lập gia đình, anh làm ruộng, đến lúc nông nhàn thì xách xe ra khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.

“Năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Trước đó tầm 1 năm, người Hà Nội bắt đầu đổ xô về Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức mua bất động sản là đất nền. Khi đó tôi đang chạy xe ôm, thấy “cò đất” dễ kiếm nên rẽ ngang sang môi giới bất động sản”, anh Đ. kể lại.

Theo anh Đ. thời điểm đó, đất Quốc Oai, Thạch Thất bỗng dưng được đẩy lên cả 3-5 lần so với trước đó. Mảnh nào đẹp “cứ hở ra là mất”. Do chạy xe ôm, anh thông thạo đường đi lối về nên nhà nào có mảnh đất vuông, tròn thế nào, diện tích bao nhiêu anh đều nắm được.

Anh Đ. chia sẻ: “Cứ mỗi mảnh đất bán được, tôi được phía chủ bán trả hoa hồng 1%. Ngày đó có hôm tôi dắt cả vài chục khách đi xem đất, chốt được 5-6 mảnh đất là chuyện bình thường. Văn phòng công chứng thời điểm đó tại Quốc Oai, Thạch Thất chưa nhiều, chỉ 1-2 văn phòng. Hôm nào đến đó cũng đông nghịt người. Nói thế để thấy mức độ giao dịch thời điểm 2007, 2008 tại hai huyện này lớn như thế nào. Người người, nhà nhà đổ xô đi làm cò đất. Đến mấy bà bán trà đá cũng thành “cò”, chém “phong thủy” như đúng rồi”.

Nghề “cò đất” kiếm ăn được, anh bỏ hẳn làm ruộng cho vợ con. Bán đồng nát luôn con ware Tàu, đầu tư tiền mua xe SH, áo trắng, quần âu với quyển sổ cặp nách như giám đốc, hàng ngày, anh Đ. la cà ở các quán café, trà đá vỉa hè để tìm khách. Biệt danh Đ. “xe ôm” cũng chuyển luôn thành Đ. “bất động sản”.

Bí kíp của “cò”

Anh Đ. chia sẻ, làm “cò đất” ngoài thông thạo địa hình, cập nhật thông tin các mảnh đất thì phải biết “chém gió” đủ loại như kiểu “bách khoa toàn thư”. Khách hàng khi xem đất lăn tăn về phong thủy mình cũng chém được, do dự về thiết kế căn nhà sau này mình cũng phải chém được như kiến trúc sư, lăn tăn về pháp lý mình cũng phải nói chắc nịch như luật sư… “Tuy nhiên, để chốt được “kèo” thì phải biết nhồi nhét “hiệu ứng FOMO” cho khách hàng”, anh Đ. tiết lộ.

Anh Đ. nói rằng, “hiệu ứng FOMO” kiểu như sợ bỏ lỡ cơ hội. Mình không mua ngay lúc này thì người khác sẽ nhảy vào mua mất hoặc không mua giá này thì nó sẽ tăng giá ngay lập tức.


Nhiều cò đất sử dụng chiêu trò để nhồi nhét "hiệu ứng FOMO" vào đầu khách hàng. 
Nhiều cò đất sử dụng chiêu trò để nhồi nhét "hiệu ứng FOMO" vào đầu khách hàng. 

Cự “cò đất” Đ. tâm sự: “Cũng như giờ mọi người chơi chứng khoán. Đang do dự mua hoặc bán một mã nào đó thì thấy một tin có lợi hoặc có hại về mã đó. Nếu thấy tin có lợi, khi có “hiệu ứng FOMO” người ta nhập lệnh mua bằng được dù cổ phiếu đó đang cao hơn so với giá trị. Bởi họ cho rằng không mua lúc này thì một lát nữa giá sẽ tăng cao, lại mất thêm tiền.

Hoặc khi đang giữ mã cổ phiếu này, một thông tin xấu về doanh nghiệp bị đưa ra, người ta nhảy vào bán xả vì sợ không bán lúc này thì chỉ mấy phút sau cổ phiếu sẽ nằm sàn. Bất động sản cũng vậy, mình phải tạo tâm lý cho khách hàng nếu họ không đặt cọc ngay thì sẽ không còn cơ hội”.

Đầu tiên, “cò đất” sẽ liên miệng nhồi nhét vào đầu khách hàng về một mảnh đất vị trí đẹp, hồ sơ pháp lý đầy đủ nhưng giá rẻ.

Sau đó là màn “hùng biện” về việc rất nhiều người đã, đang đến xem và trong thời gian suy nghĩ và có thể xuống tiền bất cứ lúc nào.

Và thứ 3 là có một chút chiêu trò giữa các “cò” khi tạo ra “quân xanh, quân đỏ” vào hỏi đất và trên tay lúc nào cũng lăm lăm tiền để muốn vào cọc. Hoặc điện thoại đổ chuông liên tục có rất nhiều người hỏi mua về mảnh đất mà khách hàng đang quan tâm.

Khi khách hàng vẫn phân vân về nhà thì tuyệt đối không gọi điện hỏi, thậm chí khách hàng gọi điện mấy cuộc cũng không nghe máy để họ có cảm giác mất cơ hội mua mảnh đó rồi. Sau đó “cò” mới gọi lại cho khách để trao đổi.

Anh Đ. nói, để làm được điều đó thì phải trong thời điểm sốt đất và khách hàng của mình đã “kết nổ đĩa” mảnh đất đó nhưng chỉ lăn tăn về giá. Ví dụ mảnh đất chủ nhà muốn bán thu tiền về là 20 triệu đồng/m2, “cò” đẩy lên 22 triệu đồng/m2, khách còn do dự, muốn mua với giá 21 triệu đồng/m2. Sau khi “tâm lý chiến” với các biện pháp kể trên, “cò” giảm giá về 21,5 triệu đồng/m2 sẽ tìm được tiếng nói chung với khách. Bởi khách cũng lo sợ nếu không chốt ngay thì mảnh đất sẽ về tay người khác.

Với giá bán 21,5 triệu đồng, “cò” sẽ thu được 1,5 triệu đồng/m2 và 1% phí hoa hồng, bởi chủ nhà chỉ có nhu cầu thu về 20 triệu đồng/m2. “Không chỉ đợt sốt đất năm 2008, đến bây giờ chiêu thức “hiệu ứng FOMO” vẫn còn phát huy tác dụng. Nhiều người mới đầu tư BĐS thường “vào tròng” vì tâm lý này. Còn đối với những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp thì giá cả họ nắm lòng bàn tay, làm việc trực tiếp, “xanh chín” với chủ nhà, thuận mua, vừa bán”, anh Đ. nói.

Anh Đ. cho biết, do sức khỏe không còn tốt cộng với việc giờ nhiều người mua đất thường hay vào các công ty bất động sản nên anh nghỉ nghề “cò đất” vào cuối năm ngoái. Sau nhiều năm tích cóp, anh vừa mua mảnh đất mặt đường, mở một cửa hàng tạp hóa để kiếm tiền nuôi con học đại học. “Muốn nói gì thì nói, nghề “cò đất” phải có duyên và hiểu được tâm lý khách hàng cộng với chút chiêu trò thì mới hiệu quả”, anh Đ. chiêm nghiệm.

Về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, “hiệu ứng FOMO” (sợ bỏ lỡ cơ hội) chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những cơn sốt bất động sản. Cảm giác bị bỏ lỡ, hối tiếc khi bỏ lỡ cơ hội khiến người ta bị chi phối về mặt lý trí và dẫn đến những quyết định không chính xác.

Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, kinh tế khó khăn, nguồn cung bất động sản là đất nền ngày càng ít, nhiều người lo sợ rằng nếu không xuống tiền lúc này sẽ mất đi cơ hội sở hữu bất động sản giá tốt, vị trí tốt. Điều này khiến cho nhiều người lợi dụng vào “hiệu ứng FOMO” để kiếm tiền từ giới đầu tư.

Mã Tiến An
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Môi giới thỏa sức sáng tạo trên nền tảng meeyland.com khi tích hợp 2 tính năng mới đột phá

Môi giới không được giới thiệu cho khách hàng bất động sản do chính mình sở hữu

Kết luận 70% môi giới trên toàn quốc quay trở lại thị trường dễ gây hiểu lầm

TS. Nguyễn Văn Đính: "Môi giới không đủ khả năng tài chính để tích trữ bất động sản và chờ giá tăng"

Thuộc nhóm thu nhập cao nhất Việt Nam, nghề môi giới động sản có thực sự màu hồng?

Người mua nhà tại một số dự án phải chi khoản chênh "ngầm" lên đến 20% cho môi giới

Thị trường bất động sản ghi nhận tín hiệu mới từ lực lượng môi giới

Học môi giới bất động sản cách tiếp cận khách hàng trong năm 2024

Tin mới cập nhật

Amazon gây sức ép cho các đối tác bán hàng trên Temu

2 ngày trước

Nga bắt đầu sử dụng bitcoin trong giao dịch quốc tế

2 ngày trước

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

2 ngày trước

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

2 ngày trước

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản sắp bước vào chu kỳ “thật” hơn

2 ngày trước