Cuộc đua tăng lãi suất khiến nhiều nhà đầu tư “ngộp thở”
BÀI LIÊN QUAN
PGS. TS. Doãn Hồng Nhung: “Quản lý đất đai muốn hiệu quả thì rất cần ứng dụng công nghệ”TS. LS. Đặng Văn Cường: Đánh thuế cao sẽ giảm được đầu cơ, lướt sóng bất động sảnTS. KTS. Trương Văn Quảng: Công nghệ số góp phần thay đổi bộ mặt quy hoạch đô thịMất nhà, mất xe vì gồng lãi trong tình trạng đuối sức
Vừa hoàn thiện xong căn nhà mới vào tháng 7/2022 với mức giá khoảng 9 tỷ đồng, anh Ngọc Khánh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện đang rao bán nhà giá 7,8 tỷ đồng do đang phải gồng lãi suất mỗi tháng quá nặng khoảng 65 triệu đồng cho ngân hàng từ khoảng vay thêm để xây nhà.
Theo dự định ban đầu của anh Khánh là sẽ sử dụng thêm tiền bán đất để xây một căn nhà khang trang, rộng rãi để làm nơi ở cố định cho gia đình tuy nhiên do việc bán đất bị chậm trễ mà lại thiếu tiền để hoàn thiện xong căn nhà, nên anh đã đánh liều đi vay thêm tiền từ ngân hàng. Nhưng đến nay, anh vẫn chưa thể bán được mảnh đất anh đang nắm giữ khiến cho việc trả lãi kéo dài thêm.
“Những tính toán của tôi đều sai lệch hết, nhất là từ khi ngân hàng tăng lãi suất khiến cho khoản nợ mỗi tháng của tôi tăng cao. Thu nhập đến từ việc kinh doanh không mấy khấm khá là bao mà lại còn đang rơi vào khủng hoảng, mặc dù đã rao bán đất từ năm ngoái nhưng đến năm nay vẫn chưa thể bán được. Do vậy, tôi đã buộc phải tính đến việc bán căn nhà to này để có tiền trả ngân hàng, chuyển sang một căn nhà nhỏ hơn”, anh Khánh than thở.
Cùng tình cảnh sắp mất nhà, gia đình chị Bích Ngọc (Hà Nam) vốn là một doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại địa phương cũng rơi vào cảnh khủng hoảng, mất nhà, mất xe vì ngân hàng. Để có vốn làm ăn, chị đã thế chấp từ xe ô tô cho đến căn biệt thự rộng hơn 500m2 cho ngân hàng, tuy nhiên tình hình kinh doanh năm ngoái bị thua lỗ khiến khả năng trả nợ mỗi tháng của chị bị “lung lay”.
Khi nhận được thông báo từ phía ngân hàng nếu không trả lãi và trả tiền thì sẽ đến tịch thu nhà, khiến chị Ngọc đã phải đánh liều đi vay tín dụng đen để có tiền giữ được nhà. Tuy nhiên tình hình kinh doanh hiện nay vẫn không có tiến triển, nếu từ giờ đến tháng 4 chị không gom đủ số tiền để trả nợ thì gia đình chị sẽ phải ký vào giấy bán nhà cho bên tín dụng đen.
Anh Mạnh Lâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang rất “căng thẳng” khi đang ôm rất nhiều mảnh đất mà không thể bán được, dù cho có cắt lỗ đến 300 – 500 triệu đồng nhưng vẫn không thể đẩy được hàng đi. Để có tiền đầu tư bất động sản, anh đã phải đi vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng nhưng khi biết lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng, công việc của cả hai vợ chồng bị giảm thu nhập do công ty gặp khó khăn nên dù có phải bán lỗ thì anh cũng vẫn phải bán để giảm bớt gánh nặng tài chính cho đỡ căng thẳng.
“Cảm giác mỗi tháng trôi qua đều rất nặng nề, nhất là đến ngày trả lãi và trả tiền cho ngân hàng. Nhiều tháng không có tiền trả, tôi đã phải bán đi cả chiếc ô tô dù mới mua được 6 tháng để có dòng tiền duy trì trả lãi trước, còn phương tiện đi lại tạm thời tôi sẽ đi lại chiếc xe máy cũ”, anh Lâm nói.
Chung nỗi lo khi lãi suất có xu hướng tăng trong năm
Lãi suất cho vay không chỉ là mối quan tâm của riêng các doanh nghiệp mà còn là của chung các nhà đầu tư, những người có nhu cầu ở thực. Từ những ghi nhận thực tế cho thấy, không ít các nhà đầu tư “lao đao” vì phải gồng gánh lãi suất ngân hàng tăng cao trong thời gian qua khiến họ phải chấp nhận bán đi các tài sản cá nhân để có dòng tiền.
Chị Bùi Hạnh, kinh doanh lĩnh vực nhà hàng tại Hà Nội cho biết, lãi suất ngân hàng ở mức cao tới 15 – 16% đã đủ khiến dân tình hoang mang, đặc biệt là dân kinh doanh càng lao đao hơn nữa khi việc kinh doanh hiện nay gặp nhiều hạn chế. “Điều tôi lo lắng nhất bây giờ là về mức lãi suất có tiếp tục tăng trong năm hay không? Nếu theo đồn đại của mọi người về mức tăng 1 – 2% nữa thì chắc chắn hầu hết các công ty sẽ bị thua lỗ nặng nề. Vì vậy tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có mức giảm lãi suất và ổn định mặt bằng lãi suất để các nhà đầu tư yên tâm hơn”.
Mới đây, các ngân hàng thương mại đã công bố về mức giảm lãi suất cho vay từ 1 – 2%, tuy nhiên điều này mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ, với từng sản phẩm được thiết kế riêng cho một số ngành cụ thể. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay trong khoảng 10 – 10,5% cho kỳ hạn 6 tháng và 11 – 12% cho kỳ hạn 12 tháng đối với thị trường doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng vẫn ở mức cao lên tới 14 – 16%/năm.
Theo các chuyên gia tài chính, trong hoàn cảnh khó khăn tài chính thông thường các nhà đầu tư nếu không thể vay mượn từ các quan hệ thân quen thì chỉ có một cách duy nhất là phải bán đi các tài sản cá nhân như ô tô, bất động sản,… để nhanh chóng có dòng tiền xoay chuyển. Hơn nữa, hiện nay các kênh đầu tư đều bị “chặn” và rất khó để có thể khai thác nguồn tiền từ những dòng này.
Trước thực trạng lãi vay ngày càng tăng cao sẽ khiến các giao dịch bất động sản tiếp tục đà giảm sút, do đó trước khi quyết định xuống tiền đầu tư hay mua sản phẩm nào mà cần phải dựa vào vốn vay ngân hàng thì người mua nên xem xét, cân nhắc kỹ càng về tỷ trọng vốn vay. Bởi phần trăm vay càng ít sẽ càng tốt, tránh những rủi ro đuổi tài chính khi lãi suất thả nổi. Trước áp lực tài chính kéo dài sẽ khiến tâm lý của những các nhà đầu tư chìm trong lo toan, rơi vào hoảng loạn, sợ hãi với những rủi ro có thể gặp phải nếu không trả được tiền cho ngân hàng.