“Cứ 3 năm là xuất hiện tình trạng khủng hoảng thừa, giá heo giảm mạnh”: Vì sao BaF vẫn quyết định chơi lớn với “heo ăn chay”?
BÀI LIÊN QUAN
Trong phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam, "heo ăn chuối" và "heo ăn chay" có điểm tương đồng nào?Bầu Đức liệu có "đu đỉnh" khi thịt heo giảm giá liên tục?Bầu Đức phải giải bài toán nào khi đặt tham vọng mở 1.000 cửa hàng bán thịt heo ăn chuối?Sáng ngày 26/10/2022, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) đã tiến hành tổ chức lễ ra mắt chính thức “Heo ăn chay” tại TP.HCM. Giữa những luồng thông tin trái chiều và gây chú ý về 2 dòng sản phẩm là heo ăn chay (BaF) và heo ăn chuối (Bapi của HAGL), phía BaF khẳng định rằng, việc làm thịt thương hiệu sạch là xu hướng tất yếu trong cuộc chơi nông nghiệp thời điểm hiện tại chứ không phải là hình thức PR thức thời.
Gây chú ý và tạo nên điểm nhấn với “heo ăn chay”
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch BaF - ông Trương Sỹ Bá cũng đặt vấn đề: “Tại sao BaF đầu tư ngành chăn nuôi và đầu tư khép kín chuỗi, liên kết với nông dân, làm heo ăn chay? Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang cạnh tranh bởi rất nhiều với tập đoàn đầu tư trong ngoài nước, BaF sẽ tồn tại và cạnh tranh thế nào?”.
Ông Trương Sỹ Bá cũng tiết lộ, BaF bắt đầu đầu tư thử nghiệm mảng chăn nuôi từ năm 2017. Thời điểm đó, công ty có mục tiêu là xem xét ngành này ra sao, có tương lai thế nào. Tuy nhiên cho đến tận năm 2019, bức tranh chăn nuôi vẫn còn rất phân hóa và mang tính chu kỳ cao, những yếu tố này khiến BaF hoàn toàn thất vọng. Cũng theo chủ tịch BaF, cứ 3 năm sẽ xuất hiện tình trạng khủng hoảng thừa và giá heo giảm mạnh. Thậm chí có những lúc, giá bán heo hơi còn rẻ hơn cả giá bán rau. Chính vì thế, BaF Việt Nam quyết định không dấn thân vào lĩnh vực chăn nuôi vì không cảm nhận được “tia sáng” nào.
Mãi đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, mảng heo bất ngờ xuất hiện dịch tả châu Phi. Hậu quả, đàn heo Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã giảm hơn 50%, gây thiệt hại vô cùng lớn đến người dân và doanh nghiệp. Dù là rủi ro, nhưng BaF cũng nhận ra rằng đây là cơ hội tốt danh cho doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp phải chủ động được con giống và tiến hành đầu tư bài bản. Nguyên nhân bởi, tầng lớp chăn nuôi nhỏ lẻ khi đó đã không thể nào tái đàn được nữa.
Cũng theo thống kê, khi đó tầng lớp chăn nuôi nhỏ lẻ từ chiếm đến 70-80% tỷ trọng ngành (các công ty FDI quy mô lớn nhưng chỉ chiếm khoảng 30%) đã giảm xuống rất mạnh sau khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Phần thị phần sụt giảm này chính là cơ hội “vàng” cho những doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp. Điều đáng nói, chăn nuôi quy mô công cũng trở thành xu hướng chung của thế giới. Vì thế, Chủ tịch BaF Việt Nam nhận định: “Với những luận điểm trên, cuối năm 2020 BaF mới quyết định lấy chăn nuôi làm trọng điểm. Và phải đến cuối năm 2021, chúng tôi mới có thể thực hiện được điều này”.
Năm 2020, tổng đàn lợn của BaF xuất phát điểm chỉ 300.000 con, thế nhưng đến nay con số này đã là hơn 1 triệu con. Được biết, công ty này cũng lên kế hoạch đầu tư với quy mô là 200.000 heo nái bố mẹ và cung ứng ra thị trường 6 triệu heo thương phẩm trước năm 2030. Bên cạnh đó, BaF đang tiến hàng hoàn thiện chuỗi liên kết với nông dân. Trong đó, công ty sẽ trở thành đầu mối cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi… và thu mua heo từ nông dân.
Khẳng định với các nhà đầu tư, ông Trương Sỹ Bá cho biết: “Ăn thịt heo ngày xưa ngon hơn, ngày nay điều kiện kinh tế tốt hơn nên mình ăn không còn thấy ngon nữa? Thế nhưng, bản chất không phải vậy. Với việc đầu tư bài bản, tôi có thể khẳng định heo BaF là ngon nhất Việt Nam và đang tiệm cận về mức độ ngon ngày xưa”.
Cuối tháng 9 vừa qua, BaF đã tiến hành khởi công 4 cụm trang trại heo công nghệ cao tại Tây Ninh. Được biết, động thái này nằm trong chiến lược xây dựng mạng lưới với khoảng 100 trang trại cùng với 200.000 heo nái và 6.000.000 heo thương phẩm vào năm 2030, tham vọng trở thành đối thủ của những công ty chăn nuôi FDI. Cũng theo như công ty này, nếu như làm 2F và chỉ bán heo hơi ra thị trường thì sẽ vô cùng khó khăn, bởi thương hiệu phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn vốn đang chiếm đến 95% thị trường. Phần còn lại đó là BaF phải cạnh tranh ngược lại với những người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì thế, BaF quyết định phát triển chuỗi khép kín 3F (feed-farm-food) để tìm một lối đi khác biệt cho mình.
Chưa kể, phân khúc mảng heo vốn lớn nhưng hiện được phân phối với hơn 90% là chợ đầu mối, các thương lái thu mua sau đó phân phối lại cho các chợ truyền thống. Heo lúc này nhiều khi bị trộn lẫn, không biết được nuôi từ trang trại nào và heo có sạch hay không. Vì thế, người tiêu dùng càng thêm bất an khi sử dụng những sản phẩm thịt này.
Dù lộ trình là thế, tuy nhiên cuộc chơi lại không hề dễ dàng, chưa kể nhiều “đại gia” trong nước cũng tham gia vào mảng chăn nuôi này. Không thể phủ nhận điều này, Chủ tịch Trương Sỹ Bá cũng nhấn mạnh, nếu như muốn thành công thì doanh nghiệp phải tạo ra được sự khác biệt. Đây cũng là nguyên nhân mà BaF gia nhập thị trường chăn nuôi trong bối cảnh trong nước đã có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn khác tham gia. Tuy nhiên, BaF khác biệt ở chỗ, heo của BaF có thể gọi là heo ăn chay.
BAF: Nuôi heo khép kín bằng “cám chay” là xu hướng tương lai của ngành chăn nuôi
Trước đó, BaF cũng khẳng định sẽ có một cuộc họp báo chia sẻ chi tiết về vấn đề này. Phía doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, nuôi heo khép kín bằng “cám chay” chính là xu hướng tương lai của ngành chăn nuôi, không phải là hình thức PR thức thời.
BaF cũng lấy dẫn chứng về việc chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau lúa gạo. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển từ quá khứ cho đến nay, tỷ trọng doanh nghiệp chăn nuôi nội địa so với các doanh nghiệp FDI vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, cần nhìn nhận một thực tế rằng, tỷ lệ giết mổ ở trên tổng đàn heo của các doanh nghiệp này vẫn còn đang rất ít. Bởi vậy, 3F (feed-farm-food) chính là xu hướng cũng được mọi người xem là công cụ giúp doanh nghiệp nội địa cạnh tranh trên thị trường.
Thời điểm hiện tại, thịt heo BaF và các sản phẩm chế biến như xúc xích, chả giò… của thương hiệu này đang được bán độc quyền tại chuỗi cửa hàng Siba Food cùng với mô hình xe bán thịt Meat shop. Cho đến nay, toàn hệ thống đã có khoảng 60 cửa hàng Siba Food cùng với 250 Meat Shop; và theo kế hoạch sẽ mở rộng lên 100 cửa hàng Siba Food và 1.000 cửa hàng Meat Shop vào năm 2023.