Có thị trường hay không phụ thuộc vào môi giới bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
PGS. TS. Doãn Hồng Nhung: “Quản lý đất đai muốn hiệu quả thì rất cần ứng dụng công nghệ”TS. LS. Đặng Văn Cường: Đánh thuế cao sẽ giảm được đầu cơ, lướt sóng bất động sảnTS. KTS. Trương Văn Quảng: Công nghệ số góp phần thay đổi bộ mặt quy hoạch đô thịMôi giới tự tạo nhu cầu và khai phá trên thị trường
Chưa bao giờ những cụm từ như “hỗ trợ”, “giải cứu” thị trường bất động sản lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Điều này đã chứng minh cho sự bất bình thường của thị trường bất động sản trong suốt thời gian qua, đòi hỏi tất cả các nguồn lực trên cả nước, các cơ quan, Chính phủ và cả doanh nghiệp vào cuộc.
Trước những khó khăn về mặt pháp lý vẫn đeo đẳng chưa thể giải quyết “một sớm một chiều” và vấn đề về nguồn vốn được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm nên chuỗi khó khăn ngày càng khó dần cho thị trường bất động sản, hàng ngàn dự án bị “đứng yên”, không được triển khai và đang nằm đợi cơ chế, chính sách.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay nguồn cung “bơm” vào thị trường đang thiếu, những khó khăn của thị trường được thể hiện rõ thông qua những con số. Cụ thể, năm 2019 – 2020 dung lượng thị trường giảm 20% so với năm 2018, năm 2020 – 2021 dung lượng thị trường giảm 40%, 2022 giảm còn 20%.
“Vướng mắc chính sách đã làm hơn 1200 doanh nghiệp bất động sản bị đóng cửa, nhiều công trường dừng hoạt động, không xuất hiện các doanh nghiệp mới. Đương nhiên là các ngành nghề liên quan đều bị ảnh hưởng theo như vật liệu xây dựng, máy móc sản xuất, thiết bị máy móc,… Khi ấy, hàng triệu lao động mất việc làm, đặc biệt là bộ phận môi giới bất động sản”, ông Đính cho biết.
Thị trường bất động sản khi trong giai đoạn “nóng bỏng” đã có rất nhiều người chuyển từ các công việc khác sang làm môi giới, khiến số lượng môi giới tăng lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Khi thị trường sụt giảm từ năm 2022 cho đến nay, nhiều sàn giao dịch lớn nhỏ đồng loạt tuyên bố đóng đại lý, giảm bớt chi nhánh, cắt giảm nhân sự. Có những đơn vị đã phải giảm đến 80% quy mô.
Ông Đính chia sẻ, mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức nhưng nhiều sàn giao dịch bất động sản đang rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để cứu vãn tình hình. Bởi vì, họ thừa biết rằng nếu cho lực lượng môi giới nghỉ hết thì khi thị trường bất động sản hồi phục sẽ không có quân số. Do đó, thay vì đóng cửa thì nhiều sàn lựa chọn việc giãn nhân sự, chia thời gian làm việc, tạm thời xử lý các việc khác. Nhiều đơn vị bất động sản còn khai thác sang các lĩnh vực khác, đây là điều đáng học hỏi.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, hiện nay các hiệp hội cũng đang nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ để giúp những người làm môi giới bất động sản bình tĩnh, chống đỡ thị trường trong lúc khó khăn. Cũng như liên hệ với các chuyên gia trong và ngoài nước về việc triển khai các chương trình trao đổi của những người trong nghề để có thêm kiến thức, phương pháp tự chuyển đổi trong bối cảnh hiện giờ.
“Thực tế là có thị trường hay không có thị trường đều phụ thuộc vào những người làm môi giới bất động sản. Trong lúc này, các môi giới có thể tìm kiếm những cơ hội mới từ những kẽ hở trên thị trường để khai thác. Bởi nhu cầu của người dân lúc nào cũng có, điều quan trọng là môi giới biết cách tìm ra được những khu vực phù hợp với khả năng chi trả của họ. Các môi giới phải là những người tự tạo ra nhu cầu, tự khai phá được thị trường”, ông Đính nhận định.
Theo các chuyên gia, không chỉ riêng các doanh nghiệp bất động sản tự tái cấu trúc mà bản thân những người làm môi giới bất động sản cũng cần nhìn nhận lại, tái cấu trúc, chuyển đổi theo hướng đi tốt hơn, phù hợp hơn để tiếp cận thị trường trong cả lúc khó khăn, ổn định được việc làm trong thời gian dài.
Cùng với đó là những hỗ trợ, giải pháp từ các cơ chế, chính sách và việc sửa đổi các điều luật sắp tới sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, giải quyết được những tồn tại trước mắt. Khi ấy, hoạt động của thị trường bất động sản đến các ngành, các lĩnh vực liên quan sẽ ổn định hơn.
Thị trường sẽ tích cực hơn vào những tháng cuối năm
Bối cảnh mặt bằng giá nhà sơ cấp vẫn giữ ở mức cao, thiếu các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực đã khiến cho lượng giao dịch bất động sản tụt giảm bởi việc hạn chế vay tín dụng. Điều này đã làm cho “sức khỏe” của thị trường ngay càng suy giảm. Tuy nhiên, năm 2023 được coi là năm tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng với nhiều chính sách tích cực sẽ giúp cải thiện những điều trên.
Theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay Chính phủ cũng như cơ quan, địa phương đều đang hết sức quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thị trường. Những nỗ lực này sẽ tạo ra động lực để thị trường bất động sản nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại.
“Hiện nay các giải pháp về mặt chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn đã có tuy nhiên là việc thực hiện còn chậm chứ không phải là không làm được. Vì vậy, kỳ vọng thị trường bất động sản có bắt đầu tươi hồng lên từ quý III năm nay”, ông Thiên nhận định.
TS. Nguyễn Văn Đính cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường trong giai đoạn tới khi đã có một loạt các dự thảo liên quan đến việc chỉnh sửa các quy định pháp lý đã được trình lên Chính phủ. Bắt đầu từ quý I, các văn bản quy định pháp luật được ban hành sẽ có tác động dần đến thị trường bất động sản. Từ quý II trở đi, thị trường sẽ có nhiều thay đổi tích cực khi các dự án được khơi thông, chuyển giao và triển khai.
Tuy nhiên, ông Đính cũng nhấn mạnh là sẽ tập trung tác động vào các dự án thuộc phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân phục vục cho những người có thu nhập thấp. Còn các nhóm dự án thuộc phân khúc khác sẽ được căn chỉnh, dần tháo gỡ sau nên sẽ phải chờ đợi lâu hơn.
“Các doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào những nghị định mà phải chủ động thực hiện tái cơ cấu, triển khai những giải pháp, ý tưởng để chuyển đổi dần các sản phẩm, phân khúc phát triển của mình sang các nhóm hàng dễ hấp thụ hơn trên thị trường, để sớm có dòng tiền ổn định trở lại”, ông Đính nói.