Cơ sở dữ liệu đất đai là gì? Các quy định pháp luật liên quan
Cơ sở dữ liệu đất đai là gì?
Căn cứ khoản 23 điều 3 tại Luật đất đai 2013 định nghĩa về cơ sở dữ liệu đất đai là gì:
Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp dữ liệu đất đai được sắp xếp và tổ chức để có thể truy cập, khai thác, cập nhật và quản lý thông qua phương tiện điện tử.
Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp của các thông tin có cấu trúc về dữ liệu địa chính, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất, dữ liệu quy hoạch sử dụng đất đai được sắp xếp và tổ chức để có thể truy cập, khai thác, cập nhật và quản lý thường xuyên bằng phương tiện điện tử. Thành phần cơ bản của cơ sở dữ liệu đất đai là cơ sở dữ liệu địa chính, được sử dụng làm cơ sở xây dựng và định vị không gian cho các cơ sở dữ liệu thành phần khác.
Cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng như thế nào?
Sau khi nắm được cơ sở dữ liệu là gì, chúng ta cùng tìm hiểu những quy định liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu. Căn cứ tại Điều 3 trong Thông tư 05/2017/TT-BTNMT quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do cơ quan TW (Trung ương) đảm nhiệm và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do tỉnh, thành phố trực thuộc TW đảm nhiệm (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh).
Quy định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do cơ quan TW đảm nhiệm
Cơ quan TW xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm có:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai: chứa các dữ liệu báo cáo, biểu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và toàn quốc, bảng số liệu thống kê, kiểm kê đất đai; dữ liệu về quản lý sử dụng đất theo chuyên đề.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: chứa dữ liệu báo cáo thuyết minh tổng hợp, bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp quốc gia, cấp vùng kinh tế - xã hội.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất: chứa dữ liệu khung giá đất, giá đất khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Quy định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do cấp tỉnh đảm nhiệm
Tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gồm có:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính: chứa dữ liệu về lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đăng ký đất đai, hồ sơ địa chính.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai: chứa dữ liệu báo cáo, biểu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bảng số liệu thống kê, kiểm kê đất đai cấp xã, huyện, tỉnh; và dữ liệu về quản lý sử dụng đất theo chuyên đề theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: chứa dữ liệu báo cáo thuyết minh tổng hợp, bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ của cấp tỉnh, cấp huyện.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất: chứa dữ liệu bảng giá đất, bảng giá điều chỉnh, bổ sung; hệ số điều chỉnh giá; giá đất cụ thể; thông tin giá đất trong Phiếu thu thập thông tin về thửa đất; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Nguyên tắc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia
Nguyên tắc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai được quy định tại Điều 5 của Thông tư 05/2017/TT-BTNMT ban hành ngày 25/04/2017 như sau:
- Việc xây dựng, cập nhật phải bảo đảm tính đầy đủ, khoa học, chính xác và kịp thời.
- Cấu trúc, nội dung và kiểu thông tin của cơ sở dữ liệu đất đai phải được thực hiện theo quy định kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Các cơ sở dữ liệu thành phần phải được xây dựng đồng thời, được liên kết và tích hợp với nhau. Trường hợp chưa đủ điều kiện, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính để làm cơ sở xây dựng và định vị không gian cho các cơ sở dữ liệu thành phần khác trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
- Quy mô của cơ sở dữ liệu địa chính sẽ được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện.
Mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là gì?
Mục tiêu của cơ sở dữ liệu đất đai là phục vụ công tác quản lý của nhà nước, cung cấp dịch vụ công liên quan đến đất đai và chia sẻ thông tin đất đai tới các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai sẽ tạo nên nền tảng dữ liệu phục vụ triển khai và vận hành Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Phạm vi dữ liệu của cơ sở dữ liệu đất đai như thế nào?
Phạm vi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu đất đai gồm tập hợp dữ liệu về đất đai có giá trị pháp lý và mang tính tổng hợp cấp quốc gia. Theo đó, cơ sở dữ liệu đất đai gồm các thành phần sau:
- Cơ sở dữ liệu tổng hợp về địa chính: gồm dữ liệu không gian (bao gồm dữ liệu Bản đồ địa chính đã được kiểm tra và nghiệm thu), dữ liệu về thửa đất, dữ liệu tổng hợp về thửa đất theo địa bàn và biểu số liệu tổng hợp về địa chính đã được phê duyệt.
- Cơ sở dữ liệu hiện trạng sử dụng đất: gồm dữ liệu hiện trạng sử dụng đất cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
- Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2010 - 2020: gồm dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2010 - 2020 cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
- Cơ sở dữ liệu giá đất: gồm khung giá đất, bảng giá đất, giá đất giáp ranh.
- Cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai: gồm dữ liệu điều tra đánh giá chất lượng đất, dữ liệu điều tra đánh giá thoái hóa đất, dữ liệu điều tra đánh giá tiềm năng đất đai, dữ liệu quan trắc tài nguyên đất, dữ liệu điều tra đánh giá ô nhiễm đất.
Ai có trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai?
Cơ sở dữ liệu đất đai là gì và ai là người quản lý cơ sở dữ liệu đất đai là hai câu hỏi gắn liền với nhau. Hai cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai là Tổng cục Quản lý đất đai và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trách nghiệm của Tổng cục Quản lý đất đai
- Tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư Số: 05/2017/TT-BTNMT. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất quá trình xây dựng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương.
- Đánh giá và xếp hạng năng lực thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các tổ chức; tiến hành công bố kết quả công khai hàng năm.
- Phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trách nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
- Xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư Số: 05/2017/TT-BTNMT.
- Kiểm tra nhiệm vụ cập nhật cơ sở dữ liệu của Văn phòng đăng ký đất đai.
- Báo cáo tình hình xây dựng và quản lý vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước 15/01 hàng năm.
Cơ sở dữ liệu đất đai sử dụng nguồn thông tin nào?
Các nguồn thông tin được sử dụng để xây dựng và cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai là:
- Dữ liệu tổng hợp địa chính: dữ liệu được tổng hợp trực tiếp từ cơ sở dữ liệu đất đai hiện có của các địa phương, tổng hợp dữ liệu thửa đất và hồ sơ địa chính tại địa phương.
- Dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai: dữ liệu được lấy từ kết quả thống kê, kiểm kê đất đai cấp vùng, cấp quốc gia đã được phê duyệt.
- Dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: dữ liệu từ kết quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được phê duyệt.
- Dữ liệu giá đất: dữ liệu từ kết quả xây dựng khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể, giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
- Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai: dữ liệu từ kết quả điều tra đánh giá chất lượng đất, điều tra đánh giá thoái hóa đất, điều tra đánh giá tiềm năng đất đai, điều tra đánh giá ô nhiễm đất, quan trắc tài nguyên đất.
Phương thức chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu đất đai
Phương thức bắt buộc phải chia sẻ theo mặc định: Bắt buộc kết nối và chia sẻ dữ liệu trực tuyến, trực tiếp với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin quốc gia của các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dữ liệu quốc gia…
Phương thức chia sẻ theo yêu cầu đặc thù: Cung cấp dữ liệu trực tuyến, trực tiếp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật thông qua Cổng Thông tin đất đai quốc gia, Cổng dữ liệu và Cổng dữ liệu mở ngành tài nguyên và môi trường, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dữ liệu Quốc gia…
Kết luận
Để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chính xác, hiệu quả, Đảng và Nhà nước đã có một loạt quyết sách hướng đến xây dựng và vận hành một hệ thống thông tin đất đai hiện đại, minh bạch, công khai, đa mục tiêu và thống nhất trên cả nước. Cho phép mọi đối tượng chia sẻ và tiếp cận với các thông tin và dịch vụ đất đai một cách dễ dàng. Từ đó, hỗ trợ các cơ quan nhà nước lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và giám sát quá trình sử dụng tài nguyên đất, hỗ trợ cải cách hành chính và phát triển thị trường bất động sản.
Trên đây là thông tin tổng quan về cơ sở dữ liệu đất đai là gì. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp về bất động sản, theo dõi website để tìm thêm thông tin hữu ích.