Cổ nhân dạy “Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ”: Vế sau giá trị thế nào mà nhiều người phải gật gù?
BÀI LIÊN QUAN
Cổ nhân dạy “Người ngủ ba giấc, mạng mỏng hơn giấy”: Ba giấc ở đây là gì?Cổ nhân dạy “Nạn ở miệng, ốm ở chân”: Muốn sống khỏe sống lâu cần nhớ kỹCổ nhân dạy “Tiệc đã dọn sẵn không nên ăn, rượu đã rời bàn không được đụng”: Tại sao lại nói như vậy?Văn hóa Á Đông vốn kéo dài cả ngàn năm, lại bác đại tinh thâm để lại cho đời nhiều trí huệ và giá trị nhân sinh quý báu. Trong số đó, không thể bỏ qua kho tàng những câu thành ngữ, tục ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của người xưa.
Những câu tục ngữ dân gian được tạo ra bởi những con người bình dị. Tuy nhiên, nó lại ẩn chứa những đạo lý nhân sinh, đồng thời định hướng cho các thế hệ tương lai. Nhiều câu tục ngữ quen thuộc đến mức chúng ta đã nghe quá nhiều trong đời sống hàng ngày. Những câu tục ngữ này mộc mạc, giản dị, không rườm rà hay tao nhã nhưng lại phản ánh chân thực những giá trị cuộc sống, là kim chỉ nam giúp con người có được lựa chọn phù hợp.
Đặc biệt, cổ nhân Trung Quốc có câu nói rằng: “Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ”. Nguyên văn của câu nói này là “Hảo mã bất ngật hồi đầu thảo”. Câu nói này có ý nghĩa gì. Chưa kể, vế còn lại của câu nói cũng ẩn chứa những tinh hoa mà ít người có thể lý giải.
Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ
Theo câu nói này, khi một con ngựa vừa bước ra khỏi chuồng và đi đến một thảo nguyên rộng lớn, nó sẽ nhanh chóng bị thu hút bởi đám cỏ xanh tươi trước mắt. Thực tế, một con ngựa tốt sẽ chỉ thuận theo con đường đã chọn, men theo con đường này mà ăn cỏ, không cần quan tâm những đám cỏ xung quanh có xanh non, tươi tốt hay không.
Một khi đã đi qua rồi, dù có nhìn thấy hai bên đường hoặc phía sau có nhiều đám cỏ ngon hơn, con ngựa cũng sẽ không quay đầu lại. Đây chính là nguồn gốc của câu nói “Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ”.
Hiểu rộng hơn, câu nói này muốn nhắn nhủ về một đạo lý ở đời. Con người dù làm gì cũng phải làm cho đến nơi đến chốn, từng bước thận trọng từ đầu cho đến cuối. Một khi bắt tay vào làm đừng “Đứng núi này trông núi nọ” hay một dạ hai lòng, cũng không nên chần chừ, do dự.
Thay vào đó, mỗi người cần học cách luôn nhìn và tiến về phía trước. Dù trên đường có gặp gian nan, khó khăn thế nào, hãy kiên định tới bước cuối cùng, không quay đầu lại hay từ bỏ.
Thời xưa, câu nói này ám chỉ sự kiên trì trong làm việc. Tuy nhiên, thời thế thay đổi khiến ý nghĩa của nó cũng có một phần thay đổi theo. Ngày nay, câu nói “Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ” còn muốn nói đến sự quyết tâm của các cặp vợ chồng, một khi đã đổ vỡ thì sẽ không bao giờ quay lại.
Con hư biết nghĩ quý hơn vàng
Nửa sau của câu tục ngữ có ít người biết tới nhưng lại ẩn chứa trí huệ thâm sâu của cổ nhân. Đó chính là “Con hư biết nghĩ quý hơn vàng”. Nguyên văn của vế này là “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”. Kim Bất Hoán ở trong câu này thực chất là tên của một người.
Chuyện xưa kể rằng, có một gia đình giàu có họ Kim hiếm muộn, mãi tới hơn 50 tuổi mới có được một mụn con để nối dõi tông đường. Vì thế, cả gia đình đều hết mực yêu chiều cậu bé, thậm chí người cha còn mời người đặt tên con là Kim Bất Hoán (tức là quý hơn vàng).
Cha mẹ luôn nâng niu cưng chiều, muốn gì là được nấy nên cậu bé vô cùng ngang ngược, bướng bỉnh. Cậu không thích đọc sách, cũng không muốn học tập và cả ngày chỉ giao du với những tên côn đồ xấu xa. Tiền bạc tiêu xài hoang phí, cậu cuối cùng trở thành kẻ phá gia chi tử.
“Miệng ăn núi lở”, dù có giàu có đến đâu gia đình cũng không đủ để Kim Bất Hoán tiêu xài. Chẳng mấy chốc, tiền bạc của cải trong nhà cứ đội nón ra đi, bạn bè của cậu ngày xưa cũng bỏ đi nốt. Cũng may, người mẹ không hề ghét bỏ hay mặc kệ con. Bà luôn ân cần chia sẻ, chỉ bảo và giúp con trai nhận ra được sai lầm của mình. Vì thế, Kim Bất Hoán đã cải tà quy chính, làm lại cuộc đời, tự mình gây dựng sự nghiệp. Câu chuyện này chính là nguồn gốc của câu nói “Con hư biết nghĩ quý hơn vàng”.
Câu tục ngữ này chính là lời khuyên răn của người xưa, một người mắc lỗi không quá đáng sợ, quan trọng là họ nhận ra được lỗi lầm của mình, biết sai mà sửa, biết đứng dậy sau vấp ngã, làm lại từ đầu thì chưa bao giờ là quá muộn.
Nói tóm lại, câu tục ngữ “Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ, con hư biết nghĩ quý hơn vàng” truyền tải cho mọi người về những đạo lý sống cơ bản. Đầu tiên, con người cần phải kiên định vào con đường mà mình đã chọn. Dù bên ngoài có nhiều cám dỗ, mỗi người cần phải kiên định, không được đánh mất chính mình; một khi đã xác định được mục tiêu thì hãy mạnh mẽ tiến về phía trước, đừng nghĩ đến việc bỏ cuộc hay quay đầu lại. Thứ hai, con người chắc chắn không tránh khỏi giây phút mắc sai lầm. Dù là sai lầm gì đi chăng nữa, chỉ cần biết sai và nhìn nhận lại bản thân để thay đổi thì vẫn chưa muộn.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những câu nói của cổ nhân dường như vẫn còn nguyên giá trị. Những câu tục ngữ của người xưa không chỉ là tinh hoa văn hóa mà còn răn dạy nhiều bài học đạo lý làm người. Ẩn chứa trong sự đơn sơ, mộc mạc chính là những đạo lý uyên thâm.