Chuyện nghề “giải cứu” tủ quần áo giới thượng lưu của House to Home: Hành trình thổi hồn vào căn nhà của nữ Founder Cao Thị Lê Hiền
BÀI LIÊN QUAN
Dấu ấn của cà phê Việt: Hành trình từ thức uống quý tộc đến món ngon đường phố khiến thế giới nể phụcHành trình 25 năm của thương hiệu Dừa Lương Quới: Biến thứ quả dân dã quê hương thành dòng sản phẩm chất lượng cao, vươn tầm thế giớiHành trình một thập kỷ chuyển mình của Giao Hàng Nhanh: Phát triển mạnh mẽ để dẫn đầu thị trường LogisticsTừ năm 2021, House to Home chính thức đi vào hoạt động, chuyên về cung cấp dịch vụ sắp xếp nhà cửa. Điều đáng nói, nghề sắp xếp chuyên nghiệp được cho là đã xuất hiện tại Mỹ từ những năm 1980, đến tháng 1/2021 thì trở thành một nghề mới ở Trung Quốc. Dịch vụ này trỗi dậy là nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành tiêu dùng xa xỉ và sự thu hẹp không gian sống vì giá nhà ở ngày càng đắt đỏ.
Báo cáo năm 2021 của Sina Finance, Trung Quốc cho thấy, đã có tổng cộng hơn 7.000 người sắp xếp chuyên nghiệp. Giá trị của ngành này năm 2023 được ước tính vượt 60 triệu USD. Khảo sát năm 2020 của Sina cho thấy, có đến 83% người tham gia trả lời rằng có hơn 500 bộ quần áo trong tủ và 91% thừa nhận có xu hướng tích trữ đồ.
Nghề sắp xếp dù ngày càng phổ biến trên thế giới nhưng dường như lại khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhiều khi, khái niệm sắp xếp lại thường bị mọi người đánh đồng với dọn dẹp. Thế nên, khá nhiều khách hàng cảm thấy thắc mắc về mức giá lên đến 285.000 đồng/giờ cho mỗi nhân sự. Cũng theo bà chủ này, nhiều khi khách hàng không hiểu tại sao các nhân viên sắp xếp lại mất nhiều thời gian để xử lý quần áo như thế. Bản thân người phụ nữ 36 tuổi cũng không thể ngờ, số lượng quần áo của khách hàng lại nhiều đến thế. Có những người thậm chí còn mua đồ với đủ 3 size S, M, L để đề phòng khi tăng cân hoặc là giảm cân.
Hành trình thổi hồn vào căn nhà của nữ Founder Cao Thị Lê Hiền
Trong tiếng Anh, House được hiểu đơn giản chỉ là nơi để ở; còn Home là không gian quen thuộc và tạo cảm giác ấm cúng, an yên cho mỗi người. Hiểu đơn giản, “House to Home” chính là thổi hồn vào căn nhà. Thông qua tên gọi “House to Home”, nữ Founder mong muốn mọi khách hàng có thể thấu hiểu được hoạt động của doanh nghiệp cùng tinh thần xuyên suốt là mang đến sự đầm ấm cùng với không gian thoải mái cho những gia đình sử dụng dịch vụ.
Hoạt động chính của “House to Home” là cung cấp dịch vụ sắp xếp nhà cửa. Ngành nghề này ở nước ngoài đã phát triển vô cùng mạnh nhưng tại Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ. Tuy nhiên, theo chị Hiền, nhiều khách hàng của Việt Nam vẫn đang bị nhầm lẫn giữa khái niệm sắp xếp với dọn dẹp và vệ sinh. Nhiều năm nay, dịch vụ dọn dẹp đã khá phổ biến tại Việt Nam, với chi phí mỗi giờ rơi vào khoảng 50.000 - 120.000 đồng. Vì thế, khi biết đến “House to Home” rất nhiều người thắc mắc tại sao lại có mức giá cao như thế. Tuy nhiên, chỉ khi trải nghiệm dịch vụ, họ mới hiểu được giá trị thực sự mà “House to Home” mang đến cho ngôi nhà.
Ý tưởng thành lập “House to Home” manh nha từ khi bạn thân của chị tìm hiểu về ngành nghề này tại nước ngoài và cảm thấy khá thú vị. Đặc biệt, với bản thân chị Hiền dịch vụ này vô cùng thiết thực. Trước kia, chị cũng là một người mua sắm không kiểm soát và không quản lý được tủ quần áo của mình, không có không gian để chứa đồ cho các thành viên trong gia đình. Khi tiếp xúc với khách hàng, chị Hiền phát hiện họ cũng có những vấn đề nan giải như thế. Họ đều là những tín đồ mua sắm, nhiều khi đứng hàng giờ trước tủ quần áo mà không biết mặc gì, muốn mặc đồ này nhưng lại tìm mãi không thấy, lại đi mua. Họ tạo thành một vòng luẩn quẩn, cứ mua xong lại chất đống, vừa tốn kém tiền bạc lại tốn thời gian, có những bộ quần áo còn chưa bao giờ đụng đến.
Theo chia sẻ của nữ Founder, “House to Home” có khoảng 10 nhân viên cố định. Tuy nhiên trong quá trình làm, nếu như cần bổ sung nhân sự thì chị Hiền sẽ có các cộng tác viên hỗ trợ. Mức giá của dịch vụ này là 285.000 đồng/giờ cho một người, tối thiểu sẽ thuê 2 người. Trong quá trình sắp xếp sẽ có những lúc cần leo trèo, bê vác thế nên bắt buộc cần 2 người.
Không phải việc nhẹ lương cao, nghề sắp xếp tủ quần áo cần phải có tư duy, hiểu biết và sự tỉ mỉ
Không chỉ đơn thuần là lao động chân tay, công việc của “House to Home” đòi hỏi sức sáng tạo lớn để sắp xếp lên một không gian sống khoa học nhất. Mỗi gia đình là một bài toán khác nhau, không thể áp dụng cách sắp xếp của gia đình này sang gia đình khác.
Để tạo ra một không gian sống khoa học, nhân viên của “House to Home” sẽ đến nhà khách hàng để khảo sát trước. Thay vì một ngày đi nhiều nhà để khảo sát, nhóm nào đi sắp xếp sẽ tiến hành khảo sát luôn và dự kiến thời gian để hoàn thành cho khách. Một khi đã có được kinh nghiệm, người làm chỉ cần nhìn không gian và số lượng quần áo, sau đó trao đổi khoảng 10-15 phút là có được tư duy sắp xếp.
Trong quá trình trao đổi với các khách hàng, người làm cần phải biết được thói quen của họ, ví như khách sẽ thuận bên trái hay bên phải, để giày dép ở bên nào, trẻ em trong nhà có bao nhiêu tiền, giày dép nào thường xuyên sử dụng… Sau đó, các nhân viên sẽ tiến hành phân loại quần áo và cố gắng làm những khi khách ở nhà để họ có thể thanh lọc được tủ đồ luôn. Sau khi phân loại là quá trình sắp xếp. Đến khi hoàn thiện, nhân viên sẽ ghi tem ghi chú vào những khu vực quần áo như một bản đồ, sau này khách sẽ tự động biết được đặt đồ ở khu vực nào…
Đặc biệt, nhân viên của “House to Home” cần phải có kỹ năng gấp quần áo, sắp xếp sao cho khi lấy đồ sẽ bị ảnh hưởng đến đồ khác. Mỗi khu vực được phân chia phụ thuộc vào loại hình quần áo, là đồ treo hay đồ gấp, ít mặc hay mặc thường xuyên. Với đặc thù công việc là tính phí theo thời gian, nhân viên của “House to Home” luôn phải làm việc hết công suất nên việc nhịn ăn uống là hoàn toàn bình thường. Đôi khi, nhân viên có thể làm liền từ sáng đến tận chiều mới ăn trưa, nhiều khi làm đến tận 22h đêm mới ăn tối. Có trường hợp, nhân viên phải làm đến tận 1h30- 2h sáng mới về nhà.
Đặc biệt, công việc này gặp áp lực rất lớn về mặt thời gian, luôn phải suy nghĩ gấp làm sao, kích thước thế nào hay cho nào đâu. Nhiều khi còn không biết gấp đồ bởi đó là đồ của người nổi tiếng có khi còn chưa nhìn thấy bao giờ, có những bộ đồ đính đá nặng tới mấy chục kg hoặc đôi bốt dài đến tận eo, phải xử lý thế nào để không bị hỏng phom dáng. Do đó, với những nhân viên mới, chị Hiền luôn yêu cầu phải tham gia đầy đủ những buổi đào tạo theo chương trình đào tạo của Học viện tổ chức nhà cửa Lijia của Trung Quốc và đảm bảo tính chuyên nghiệp khi làm việc.
Muốn doanh nghiệp bước đi vững chắc trong giai đoạn đầu
Được biết, khách hàng của “House to Home” đều là những người có thu nhập tốt, thuộc nhóm từ trung cấp cho đến cao cấp trở lên, quần áo cũng phải có chất liệu đặc biệt và giá trị lớn hơn. Do đó, họ cũng nâng niu quần áo nhiều hơn, bắt buộc tìm đến những người am hiểu về thời trang để có thể phân loại.
Những khách hàng này do nhiều khả năng mua sắm nên số lượng quần áo vô cùng lớn. Họ không thể tự sắp xếp vì quá bận rộn hoặc không có đủ thời gian, thậm chí bị stress vì số lượng quần áo của mình. Về cơ bản, họ không có khả năng thanh lọc quần áo. Có những bộ mua cả chục năm nhưng vẫn giữ; có những người mua cả 3 size S, M, L nhưng hiện lại mặc size M, nhưng lại nghĩ rằng size S là để mặc sau khi gầy đi và size L phòng lúc tăng cân. Trong quá trình làm, nhân viên của “House to Home” thường tư vấn cho khách, quyết định giữ hay bỏ vẫn là ở họ.
Chị Hiền từng gặp những trường hợp đau đầu đến nỗi không thể nghĩ ra phương án. Không gian để đồ này thì thừa nhưng đồ kia lại thiếu; hoặc tủ nhỏ nhưng lượng quần áo lại gấp nhiều lần sức chứa. Trong trường hợp này, họ cần phải có tư duy sáng tạo, tìm cách để thêm phụ kiện tủ… Đối với những nhà có không gian nhỏ, đồ trái mùa sẽ phải cất đi. Với những gia đình có không gian lớn, tần suất quay lại sẽ hạn chế hơn bởi họ có phòng để cho đồ mùa đông và mùa hè là hoàn toàn khác nhau. Những khách hàng mua sắm liên tục, có lượng quần áo nhiều hơn cũng sẽ quay trở lại để thuê dịch vụ.
Vốn là doanh nghiệp đang phát triển ở giai đoạn đầu, chị Hiền mong “House to Home” sẽ có những bước đi vững chắc và uy tín để khách hàng có thể tự giới thiệu cho nhau. Điều mà “House to Home” hướng đến không chỉ là phòng ốc gọn gàng mà còn là một không gian sống khoa học. Mọi người có thể thỏa thích mua những món đồ mà mình yêu thích và sử dụng những đồ thường sử dụng mà vẫn thấy ngăn nắp và thoải mái.
Chị Hiền cho rằng, “House to Home” sẽ ngày càng phát triển bởi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ ngày càng đông hơn. Mọi người cũng ngày càng có xu hướng yêu cuộc sống và sống tận hưởng. Việc thuê dịch vụ không chỉ chuyên nghiệp mà còn xây dựng định hướng để sau này họ dọn dẹp và sắp xếp theo; thay vào đó mọi người sẽ dành thời gian cho việc tập trung kinh doanh, kiếm tiền. Theo nữ Founder của “House to Home”, theo thời gian mọi người sẽ thấy việc chi trả cho những dịch vụ sẽ mang đến sự thoải mái rất xứng đáng, đặc biệt là trong không gian sinh hoạt thường xuyên của gia đình mình.