Chuyên gia chỉ ra cơ hội để Đà Nẵng tiếp tục phát triển bất động sản cao cấp
Theo VnExpress, Đà Nẵng có sự phát triển kinh tế vượt trội, dân số tăng nhanh, du lịch đột phá tạo được ấn tượng nhất định. Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Văn Đính đã có một vài chia sẻ về tiềm năng của BĐS Đà Nẵng trong thời gian tới.
Để đánh giá về tiềm năng của thị trường BĐS thì phải nhìn nhận ở nhiều góc độ, trong đó có vấn đề về phát triển kinh tế, quy hoạch, dân số, môi trường sống… Áp dụng vào Đà Nẵng, hiện nay có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó khoảng 40% dân số ở độ tuổi lao động. Tỷ lệ tăng trưởng dân số trong vòng một thập kỷ qua đạt bình quân là 2,5%, kế hoạch tới năm 2030 đạt 1,5 triệu người.
Không chỉ vậy, đây là nơi thu hút lượng lớn người nước ngoài tới sinh sống và làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Anh… Năm 2022, ước tính người nước ngoài tới Đà Nẵng định cư đạt khoảng 100 nghìn người, chiếm 10% tỷ lệ cư dân. Các chuyên gia nước ngoài đã tìm hiểu và đánh giá kỹ chất lượng môi trường sống, tiện ích, dịch vụ để đáp ứng những tiêu chuẩn lựa chọn nơi ở, nơi làm việc.
Về kinh tế, Đà Nẵng có sự tăng trưởng ấn tượng trong trong thời gian qua. Tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng năm 2022 đạt trên 14%, đứng thứ 3 cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 102,6 triệu đồng, tăng 13,8% so với năm 2021.
Thành phố sông Hàn sở hữu cảnh quan hội tụ đủ núi rừng, biển, sông, tạo ra quần thể có nhiều chất liệu phát triển du lịch. Thành phố cũng được đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm kết nối thuận lợi, phát huy tiềm năng sẵn có. Đồng thời kết hợp cùng tỉnh Quảng Nam tạo ra khu vực tâm điểm phát triển du lịch.
Về quy hoạch, Đà Nẵng hiện nay đã điều chỉnh lại quy hoạch nhằm nâng tầm đô thị, từng bước trở thành một "Singapore mới của châu Á".
Nhận định về sự tác động từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, ông Đính cho rằng thị trường BĐS Đà Nẵng đang khan hiếm nguồn cung mới. Chính phủ cũng đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn về cơ chế, pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ… giúp thị trường phục hồi.
Tuy nhiên, những quy định này cần có thời gian để thực hiện nên sẽ tạo độ trễ. Đây cũng là cơ hội để điều chỉnh cơ chế, chính sách theo cách tốt hơn và thanh lọc thị trường.
“Bản chất thị trường là tốt, cả nhu cầu đầu tư, kinh doanh BĐS đều rất cao. Trên thực tế, kinh tế Việt Nam kể cả khi ở giai đoạn dịch Covi - 19 thì vẫn tăng trưởng dương. Hay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì Việt Nam vẫn ghi nhận các con số tăng trưởng ấn tượng” - Vị chuyên gia nói.
Mức tăng trưởng đến từ các hoạt động xuất khẩu, phát triển hạ tầng, đầu tư công nghệ, giao thông trên cả nước,... Các hoạt động này đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở và đầu tư kinh doanh.
“Vì vậy, chúng tôi đánh giá cao dư địa phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Chúng tôi hy vọng từ nay tới cuối năm 2023, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ phục hồi lại” - Ông Đính chia sẻ và cho rằng mô hình BĐS phục vụ nhu cầu thực sẽ là xu hướng tại Đà Nẵng trong thời gian tới.
Theo đó, Đà Nẵng vẫn còn dư địa lớn để phát triển các đô thị theo hướng mới như đô thị thông minh, đô thị xanh, tổ hợp BĐS hiện đại đầy đủ tiện ích. Bởi, người nước ngoài có thu nhập cao luôn có nhu cầu sống tại các đô thị đáp ứng đủ yêu cầu về môi trường sống, chất lượng, tiện ích…
Vị chuyên gia nhìn nhận: “Đã có một số chủ đầu tư lớn nghiên cứu và xúc tiến phát triển các loại hình BĐS cao cấp, hiện đại. Chúng tôi cho rằng, khi đã có các sản phẩm như vậy thì Đà Nẵng sẽ được nâng tầm và ngày càng khẳng định vị thế”.
Nhận định về cơ hội nếu BĐS cao cấp gắn với du lịch và nghỉ dưỡng Đà Nẵng, vị chuyên gia cho biết, Đà Nẵng có lợi thế lớn để phát triển du lịch. Bởi thành phố đã đón hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Đến nay vẫn còn dư địa phát triển mô hình này, cũng như BĐS cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng, hướng tới đối tượng là khách hàng hạng sang. Nếu phát triển đúng hướng, Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ càng thu hút khách quốc tế, nhất là nhóm khách giàu có.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có đủ điều kiện về hạ tầng để phát triển thành phố du lịch biển, trong đó có sự góp sức của các doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vingroup… Khi du khách hạng sang tới thành phố, giá trị BĐS khu vực sẽ tăng lên, thúc đẩy hiệu quả khai thác kinh doanh.
Vì khi người giàu tới các điểm du lịch đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, họ sẽ chi tiêu cao hơn nhiều lần so với khách bình thường. Do đó, sản phẩm cao cấp gắn với du lịch sẽ càng có nhiều lợi thế để khai thác.
“Bất động sản cao cấp ngày càng thu hút những nhà đầu tư thứ phát. Đây là dư địa mà chúng tôi nhìn thấy được để các nhà phát triển nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm đẳng cấp, dịch vụ khác biệt” - Ông Đính cho hay.
Cuối cùng, nhìn về dư địa giá trị của ngành này trong trung và dài hạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, giá trị BĐS Đà Nẵng đang ổn định trong khoảng 3 - 4 năm nay. Ở giai đoạn 2017 - 2018, nhà ở của một vài dự án dao động từ 30 - 60 triệu đồng/m2. Gần đây đã tăng lên 70 - 80 triệu đồng/m2 với các vị trí đắc địa.
“Theo tôi thì đây vẫn là một mức giá “dễ chịu” tại một đô thị du lịch biển đang phát triển tốt như Đà Nẵng. Với sự đầu tư như hiện tại, dư địa tăng trưởng của BĐS thành phố biển sẽ còn rất lớn” - Vị chuyên gia chia sẻ.