Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bất động sản công nghiệp sẽ là xu hướng 2024
BÀI LIÊN QUAN
Xu hướng mới của bất động sản khu công nghiệpCơ hội “lội ngược dòng” của doanh nghiệp bất động sảnChuyên gia tư vấn bất động sản dự báo M&A năm 2024 sẽ sôi động hơnBất động sản công nghiệp sẽ là “điểm sáng” năm 2024
Trong khi các phân khúc bất động sản liên tục đối mặt với sự lao dốc “không phanh” thì phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn được ghi nhận là “điểm sáng” trong cung cầu, tỷ lệ lấp đầy cao và giá thuê tăng trưởng tích cực.
Cuối năm 2023, cả nước có 414 khu công nghiệp, gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài và 45 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế, với tổng diện tích gần 130 ngàn ha, tăng 7 khu công nghiệp so với cùng kỳ.
Theo Hội Môi giới bất động sản (VARS), giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 20% so với kỳ trước, trong đó khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất. Giá thuê trung bình ở khu vực này là 135 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 33% so với năm 2022. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15% so với năm 2022.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư VARS cho biết, cả nhu cầu lẫn nguồn cung bất động sản công nghiệp đều có sự tăng trưởng lớn ở cả hai miền Bắc và miền Nam. Vừa qua, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư với hàng loạt các dự án đầu tư khu công nghiệp, đang triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 – 2023 quy hoạch tại các tỉnh, thành được thông qua sẽ giải quyết được các vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy bất động sản trong năm nay tăng trưởng cao và duy trì vị thế “dẫn đầu”.
Vốn đầu tư nước ngoài vào (FDI) Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều lợi thế từ các chính sách ưa đãi thuế. Với nhiều phương án đầu tư cơ sở hạ tầng cam kết thuộc “top” đầu trong khu vực, hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ. Ngoài ra, các dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp cũng được cải thiện đáng kể.
“Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm tựa sản xuất kinh doanh mới cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, đây sẽ là phân khúc tăng trưởng tốt trong năm 2024”, bà Miền nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính – kinh tế cho hay, hàng loạt các tỉnh thành vừa được thông qua nhiều quy hoạch phát triển bất động sản công nghiệp. Chính vì vậy, các yếu tố như diện tích, quy mô, pháp lý sẽ được củng cố để cân đối cung cầu.
“Trong khó khăn chung của thị trường bất động sản thì phân khúc bất động sản công nghiệp có triển vọng sáng nhất trong năm 2024. Năm tới sẽ đón nhận sự gia tăng lớn của các nhà đầ tư trong nước và thu hút vốn nước ngoài, thể hiện sức hấp dẫn cao về cả giá thuê và nguồn cầu”, ông Ánh nói.
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản công nghiệp phát triển chuyên nghiệp và bền vững thì bên cạnh có môi trường pháp luật ổn định, các chính sách thuế hợp lý thì cần xây dựng hạ tầng hiện đại hơn, thích nghi với xu hướng chuyển đổi số trong bất động sản công nghiệp để thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong bất động sản công nghiệp
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan rộng tại hầu hết các lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Do đó, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong ngành bất động sản công nghiệp đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Nhất là trong bối cảnh, các nhà đầu tư quốc tế lớn từ Châu Âu, Mỹ đều đặt các tiêu chuẩn cao về môi trường, công nghệ trong quá trình đầu tư.
Những doanh nghiệp hay chủ đầu tư nào tiên phong áp dụng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số không chỉ tăng tính cạnh tranh cho các khu công nghiệp, thu hút nhà đầu tư hơn mà còn tạo không gian làm việc an toàn cho người lao động, đây cũng là cách giữ chân nguồn nhân lực tài năng cho công ty.
Ông Hán Minh Cường, Công ty CP Tập đoàn S-Group Việt Nam cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay của thị trường bất động sản công nghiệp là hệ thống pháp luật về công nghiệp xanh, thông minh, sinh thái chưa đầy đủ, đồng bộ. Hiện nay, các khu công nghiệp việc áp dụng các yêu cầu về tăng trưởng xanh, thông mình còn chịu nhiều chi phối của các bộ luật, quy định nên việc thực hiện còn khó khăn, phức tạp.
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, trở ngại trong quá trình áp dụng công nghệ xanh, công nghệ số khi thiếu tính thống nhất, rõ ràng về những quy định hướng dẫn việc tái sử dụng chất thải. Hơn nữa, các quy định trong việc quản lý, sản xuất chuyển đổi số cũng chưa có nên việc áp dụng thực tế còn mang tính tự phát, tùy thuộc vào khả năng của các doanh nghiệp.
Chính vì thế, trong thời gian tới, mục tiêu lớn của bất động sản công nghiệp là cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng công nghệ xanh, công nghệ số để vượt qua những thách thức trước mắt cũng như để phát triển bền vững, phù hợp với xu thế toàn cầu.