Chuyện CEO D&T Group cầm cố cả nhà cửa để khởi nghiệp: Từ chủ doanh nghiệp mỹ phẩm “tay ngang” sang rong nho
BÀI LIÊN QUAN
Chân dung anh Nguyễn Văn Hùng - nhà sáng lập CNCTech: Hành trình từ chàng công nhân thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷHành trình phát triển của Infosys - Công ty của bố vợ Tân thủ tướng Anh: Từ doanh nghiệp nhỏ với 250 USD vốn trở thành tập đoàn giá trị hàng chục tỷ USDHành trình khởi nghiệp đầy chông gai của “tiên sinh sườn xám”: Từ gánh hàng rong cho đến doanh thu hơn 10 triệu USDÔng Nguyễn Quang Duy được biết đến là Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK D&T (D&T Group) - doanh nghiệp sản xuất cũng như chế biến rong nho lớn nhất tại Việt Nam. Mỗi tháng, công ty này xuất khoảng 40 tấn rong nho các loiaj sang thị trường Nhật và Mỹ. Bên cạnh sản phẩm rong nho chủ lực, D&T Group còn có hàng chục sản phẩm làm đẹp khác từ bùn khoáng Ania và yến sào D&Tnest cũng được thị trường tin dùng và xuất khẩu.
Từ chủ doanh nghiệp mỹ phẩm “tay ngang” sang rong nho
Trước khi gắn bó với rong nho, ông Nguyễn Quang Duy là quản lý của một công ty dược tại Khánh Hòa. Dù sở hữu mức thu nhập ấn tượng, ông vẫn quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, khởi nghiệp từ những sản vật của địa phương như yến sào, bùn khoáng thông qua việc thành lập Công ty TNHH SX-TM-XNK D&T vào tháng 10/2010.
Nói về rong nho, vào năm 2012 Viện Hải dương học Nha Trang đã đưa giống rong nho nổi tiếng tại Okinawa, Nhật Bản về xã Ninh Hải, Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nhằm tiến hành nuôi thử nghiệm. Khi ấy, ông Duy cũng chính là một trong số những người thực hiện mô hình nuôi trồng này với quy mô vào khoảng 3ha. Người dân trong nước thời điểm đó vẫn chưa biết nhiều đến rong nho, thế nên dù doanh nghiệp bán với giá rất thấp nhưng vẫn không có thị trường tiêu thụ. So với những cọng rong nho chất lượng cao được D&T Group xuất sang Nhật với mức giá trong khoảng 5,2 USD/kg, giai đoạn đầu chính là thời gian thua lỗ do sản lượng thấp cùng với đầu ra ở mức nhỏ giọt.
Theo ông Duy, sau 2 năm nuôi trồng rong nho với hiệu quả thấp, doanh nghiệp đang tính đến việc tạm ngưng sản xuất để tập trung cho dòng sản phẩm khác thì người Nhật đến vùng nuôi trồng Ninh Hải hồi năm 2014. Các bước kiểm nghiệm cho thấy, rong nho ở Ninh Hải có chất lượng tốt hơn cả Okinawa Nhật Bản - vốn được biết đến là “thủ phủ” rong nho của thế giới. Vì thế, họ đã đề nghị doanh nghiệp ông Duy mở rộng vùng nuôi để “xuất ngược” sang Nhật.
Nhận ra tiềm năng vàng của rong nho, đồng thời bản thân ông Nguyễn Quang Duy - một người con Khánh Hòa - luôn khao khát có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng và giá trị từ nông sản quê mình, ông đã quyết tâm phát triển ngành nuôi rong nho thành một ngành kinh tế biển mang lại thu nhập cao tại địa phương.
Khi người Nhật về nước, ông Duy cùng các đồng nghiệp đã đầu tư mở rộng vùng nuôi, không ngừng học hỏi và cải tiến cách nuôi trồng cũng như chế biến, thế nhưng bài toán đầu ra lại rất nan giải. Theo ông Duy, thời điểm đó mọi người đã đến các siêu thị và nhà hàng lớn để giới thiệu sản phẩm, tuy nhiên người Việt vẫn còn quá lạ lẫm với rong nho. Trong khi một số khác lại coi đây như một loại rau sống cao cấp bởi có mức giá dao động trong khoảng từ 90.000 đến 120.000 đồng/kg - gấp rất nhiều lần các loại rau sống khác.
Để mở rộng và phát triển ngành này, D&T Group đã dồn lực từ tài chính cho đến quỹ thời gian đến nước ngoài để học tập nghiên cứu, đọc tài liệu, xin tham vấn của chuyên gia về nuôi trồng thủy sản. Với diện tích 10.000 m2, từ sản lượng thu hoạch ở mức 2,5 tấn/vụ (cứ 45 ngày một vụ), công ty đã dần nâng lên 4 tấn/vụ, đỉnh cao là 5 tấn/vụ. Từ cọng rong nho không đều trái và nhạt màu, lẫn nhiều tạp chất và vi khuẩn… D&T Group cũng dần loại bỏ hết để cọng rong trở nên xịn sò hết mức có thể, tuy nhiên vấn đề đầu ra vẫn vô cùng bí bách.
Ông Duy không thể nào quên được thời điểm năm 2016, D&T Group đã xuất lô hàng trị giá khoảng 1 tỷ đồng đi Hà Nội, tuy nhiên đối tác sau đó đã trả về đến 80% sản phẩm vì không thể tiêu thụ được. Từ căn nhà cầm cố ngân hàng, ông Duy đã phải bán hẳn, sau đó vay mượn bạn bè để có thể tiếp tục duy trì sản xuất.
Bước ngoặt bất ngờ
Thực tế, rong nho sẽ rất mau hỏng nếu tiếp xúc với nước bởi đây là một loại thực phẩm giàu đạm. Nếu không bảo quản đúng cách, rong tươi chỉ sau 2 đến 3 ngày là hỏng. Rong nho thành phẩm dùng để ăn tươi, nhiều nước khác tiến hành tách nước để tiến hành lâu hơn cũng chỉ bảo quản được vài tháng là hỏng. Vì thế, D&T Group nhận ra, nếu kéo dài thời gian bảo quản mà vẫn đảm bảo được chất lượng thì cơ hội thành công cũng sẽ cao hơn. Thế nên, cả công ty đã dồn toàn lực nghiên cứu, mong muốn tạo ra sản phẩm rong nho tách nước với thời gian bảo quản tối ưu nhất.
Với sự hỗ trợ nhiệt tình của bạn bè là các chuyên gia trong ngành thủy sản, doanh nghiệp của ông Duy cuối cùng đã nghiên cứu thành công công thức rong nho tách nước với thời gian bảo quản là hơn 12 tháng, giảm trọng lượng vận chuyển xuống từ 20% đến 30%. Sau các đợt kiểm tra nghiêm ngặt, sản phẩm rong nho tách nước của D&T Group đã được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ và Nhật.
Đặc biệt, tại nhiều nước khác trên thế giới, sau khi rong nho được tách nước sẽ đóng gói rong nho cùng nước muối để có thể bảo quản được trong 2-3 tháng. Một túi rong nho với trọng lượng 100g thì sẽ có 80g rong nho cùng với 20g nước muối. Thế nhưng, sản phẩm rong nho tách nước của D&T Group hoàn toàn là rong nho, không ngâm thêm dung dịch nước muối, có thể bảo quản ở môi trường tự nhiên trong vòng 1 năm mà chất lượng vẫn đảm bảo y như rong tươi.
Để có được sản phẩm ấn tượng này, D&T Group đã chuẩn hóa ngay từ quy trình nuôi trang trại. Một khi rong nho đủ điều kiện xuất khẩu sẽ thu hoạch, tiếp tục được nuôi cơ học tại các hồ nuôi tại nhà xưởng để có được chất lượng tốt nhất. Tại các hồ nuôi, doanh nghiệp cũng sử dụng nước biển sâu trên 5m, qua hệ thống lọc lắng RO cùng với than hoạt tính và 5 công đoạn khác nhau nhằm loại bỏ những vi khuẩn có hại, giữ lại các vi khuẩn có lợi.
Kể từ ngày thả giống cho đến lúc thu hoạch, rong nho hoàn toàn được nuôi lớn nhờ nước biển, không sử dụng bất kỳ loại phân hay thuốc nào; thế nên đây là những cọng rong sạch để ăn ngay được sau khi rửa nước ngọt để xả mặn. Vì thế, rong nho được ví von là “trứng cá hồi xanh” vừa giòn rụm lại giàu dinh dưỡng. Cũng từ đây, D&T Group nhận được nhiều đơn hàng lớn tại nhiều quốc gia. Mỗi tháng hiện tại, doanh nghiệp đang xuất hơn 40 tấn rong nho thành phẩm ở 2 thị trường khó tính nhất là Nhật và Mỹ.
Nỗ lực chinh phục cả thị trường trong nước
Dễ dàng thấy được, mức sống của người dân trong nước đang ngày càng nâng cao. Hầu hết mọi người đang hướng đến tiêu dùng sạch, sử dụng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, một trong số đó chắc chắn không bỏ qua rong nho. Tại siêu thị, sản phẩm rong nho của D&T Group được bán mới giá hơn 300.000 đồng/kg nhưng vẫn vô cùng thu hút khách hàng.
Thế nhưng, việc phát triển cũng đi kèm với nhiều rủi ro về chất lượng. Để có được những cọng rong nho với chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi một quy trình chuẩn chỉnh từ khi thả giống cho đến khi thu hoạch cũng như sơ chế thành phẩm. D&T Group đã phải nuôi trong môi trường giàu dinh dưỡng; sạch từ 5 cho đến 7 ngày, đồng thời cọng rong phải được chăm sóc tốt nhất trước khi được sơ chế. Tỷ lệ rong đạt chuẩn chỉ chiếm khoảng 50%.
Thời điểm hiện tại, thị trường trong nước vẫn đang bán loại rong nho có giá vài chục nghìn đồng một kg. Được biết, đây là rong nho loại 2, loại 3 không thể xuất bán. Nhiều người hô hào “giải cứu” rong nho, ông Duy cho rằng điều này không đúng bởi D&T Group có mua bao nhiêu vẫn không đủ xuất bán. Công ty cũng không dùng cách luộc rong qua nước muối để chất dinh dưỡng trong nho giảm đi cũng như tăng màu xanh giả tạo.
Vì thế, ông Duy cảm thấy lo lắng, bởi thị trường vô hình chung đã khiến giá trị của rong nho giảm xuống. Đến một lúc nào đó, người tiêu dùng sẽ bị mất lòng tin vào những vào người nông dân vì sản phẩm họ làm ra đang bị chính họ làm giảm đi giá trị. Thông thường, người dân phải đầu tư khoảng 300 triệu đồng cho khoảng 10.000 m2 nuôi trồng để mua giống, đầu tư cơ sở vật chất (2 năm/lần). Thế nhưng chỉ sau 2 vụ nuôi, tức là khoảng 4 tháng là sẽ lấy lại được vốn nếu như không bị thiên tai tác động.
Mỗi năm, nghề nuôi rong nho chỉ hoạt động 7-8 tháng bởi những tháng lạnh và mưa, rong sẽ không phát triển. Tính sương sương, 1ha trong một năm có thể thu về hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí người dân có thể lời lãi được hơn 350 triệu. Mức thu nhập này dù không cao bằng nuôi tôm hùm, tôm thẻ, ốc hương nhưng lại ổn định, không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt ông Duy nhấn mạnh, rong nho bên cạnh việc bán tươi có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác, kênh tiêu thụ vì thế cũng rộng hơn. Chưa kể, nuôi rong nho giúp cải tạo nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường.
Tính đến nay, tính chung phần diện tích sở hữu của D&T Group và bà con nông dân là khoảng 80 ha, công ty vẫn sẽ tiếp tục mở rộng cũng như kêu gọi mọi người tham gia trong thời gian tới. Hiểu đơn giản, D&T Group sẽ tiếp tục mở rộng thị phần, vùng nuôi và sản xuất thêm nhiều sản phẩm liên quan đến rong nho.