Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, làn sóng bán tháo và nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề
BÀI LIÊN QUAN
Dù Fed nâng lãi suất đúng như dự tính, chứng khoán Mỹ vẫn đồng loạt lao dốcDow Jones rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7, chứng khoán Mỹ đỏ lửaThị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc sau nhận định của Phó Chủ tịch FedChứng khoán Mỹ tiếp tục trượt dài
Theo Vietnambiz, tờ Bloomberg nhận định, phiên giao dịch ngày 26/9 đã phát đi một cảnh báo rõ ràng cho những kẻ liều lĩnh ở Phố Wall rằng: thị trường chứng khoán vẫn đang "rơi tự do" và tâm lý bi quan còn lâu mới kết thúc.
Lời cảnh báo trên đặc biệt đúng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tiếp tục xu hướng "diều hâu" gây xáo trộn thị trường - nơi mà nhà đầu tư hầu như luôn ám ảnh với nỗi lo suy thoái kinh tế.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 1,03% xuống 3.655,04 điểm. Tại một thời điểm trong phiên, chỉ số này thậm chí giảm xuống 3.644,76 điểm, chỉ thấp hơn 8 điểm so với mức thấp nhất trong ngày của năm 2022 là 3.636,87 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cũng giảm 329,60 điểm, tương đương 1,11%, xuống 29.260,81 điểm và đà giảm còn tiếp tục mạnh hơn trong những phút cuối phiên. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu này đã giảm khoảng 20,4% so với mức cao nhất đóng cửa vào ngày 4/1. Tương tự, Nasdaq Composite mất 0,6% xuống 10.802,92 điểm.
Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào thứ Hai, thậm chí có thời điểm giảm 4% xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0382 USD. Nguyên nhân khiến đồng bảng Anh rớt giá mạnh là do thị trường suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Anh có thể phải tăng lãi suất mạnh hơn nhằm giảm lạm phát.
Lộ trình điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng việc cắt giảm thuế của Vương quốc Anh công bố hồi tuần trước đã khiến đồng USD tăng giá. Bên cạnh đó, đồng Euro cũng chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2002. Việc đồng USD tăng giá có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia ở Mỹ và cũng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, khi mà phần lớn được giao dịch bằng đồng USD.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng vọt vào thứ Hai với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc đã đạt mức cao nhất 3,9%. Đây là mức cao nhất ghi nhận kể từ năm 2010.
Theo đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng tăng, bởi loại trái phiếu này vốn đặc biệt nhạy cảm đối với chính sách của Fed. Lợi suất trái phiếu 2 năm đã vượt qua mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,3%.
Với diễn biến này, thị trường ngày càng thêm bất ổn, khi các nhà đầu tư lo lắng về một cuộc suy thoái toàn cầu trong bối cảnh lạm phát cao nhất trong hàng thập kỷ. Chỉ số Biến động CBOE (VIX) đã dao động gần mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Khối lượng giao dịch trên các sản chứng khoán của Mỹ đạt 11,9 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 11,2 tỷ cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.
Làn sóng bán tháo và nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại cả Mỹ và châu u đều không chùn bước trước đà lao dốc của các tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng đáng kể.
Hãng nghiên cứu đầu tư Ned Davis Research nhận thấy khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện là 98%, trong khi nhà phân tích Lisa Shalett của Morgan Stanley Wealth Management đưa ra cảnh báo với những người lạc quan về lợi nhuận là đang mộng du và đi trên vách đá cheo leo.
Trong bối cảnh tin xấu không ngừng xuất hiện trên khắp thế giới, áp lực bán vẫn đang gia tăng nhanh chóng trên thị trường chứng khoán. Thị trường hiện vẫn đang trải qua giai đoạn giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Chia sẻ với Bloomberg bà Stephanie Lang - CIO tại công ty quản lý tài sản tư nhân Homrich Berg bày tỏ: “Thật không may, thị trường bị bán tháo là điều chắc chắn phải xảy ra bởi Fed sẽ không ngừng chu kỳ thắt chặt chính sách của mình và thị trường cần phải định giá theo đó”.
Bà Lang cũng cảnh báo, rủi ro sụt giá của thị trường chứng khoán vẫn còn bởi xét theo triển vọng kinh tế, nếu chúng ta chưa rơi vào suy thoái thì sớm muộn sẽ phải chứng kiến một cuộc suy thoái thực sự.
Sự băn khoăn, lo lắng về tăng trưởng kinh tế đã lan tỏa trong suốt nhiều tháng qua, tuy nhiên sự yếu kém ngay trong chu kỳ công nghiệp và nhà ở của Mỹ càng khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng mọi thứ đang đi xuống nhanh chóng.
Gần đây, mô hình xác suất suy thoái toàn cầu của Ned Davis Research đã tăng lên trên mức 98% qua đó phát đi tín hiệu suy thoái "nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu của công ty cho biết, lần duy nhất mô hình này đạt mức cao như vậy là trong các thời kỳ suy thoái trầm trọng trước đó, chẳng hạn như vào các năm 2020 và 2008 - 2009.
Các nhà đầu tư đã dành phần lớn thời gian của năm 2022 để nỗi lo lắng rằng lợi nhuận cả họ sẽ hao hụt khi thị trường rung lắc, cho dù điều này dường như ngày càng khó tránh né hơn.
Bà Shalett của Morgan Stanley Wealth Management cho rằng, các dấu hiệu về suy thoái kinh tế có thể các nhà đầu tư sắp phải tính toán lại đường đi nước bước khi họ nhận ra rằng chính sách của Fed thường có độ trễ và đôi khi là tới 2 năm.
Vấn đề ở đây là các nhà đầu tư cổ phiếu thường chỉ giỏi biến dữ liệu kinh tế thành dự báo lợi nhuận nửa năm, tức lợi nhuận hiện tại ổn định có thể khiến họ rơi vào cảm giác "an toàn chết người” mà không nhận ra rủi ro đang đến gần.
Ngoài ra, bà Shalett cũng lưu ý rằng, thị trường gấu này vẫn chưa kết thúc và nếu vẫn đánh giá thấp tác động của việc lãi suất tăng nhanh, các nhà đầu tư nên lường trước rằng những thông tin bất ngờ tiêu cực sẽ xuất hiện trong ngày mai.