Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp, chỉ số S&P thủng mốc 3.000 điểm đầu tiên sau 2 tháng
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trên diện rộng, Dow Jones sụt hơn 1.000 điểm sau phát biểu của ông Powell, giá dầu tăng trở lạiChứng khoán Mỹ bùng nổ trong khi chờ bài phát biểu của ông Powell, giá dầu lao dốcChứng khoán Mỹ tăng trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá dầu tiếp tục đi lênTheo VnEconomy, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 30/8 đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp, tiếp tục làm vụt mất thành quả của sự phục hồi trong mùa hè năm nay. Nguyên nhân chính là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục phát đi những tín hiệu sẽ tiếp tục duy trì việc tăng mạnh lãi suất nhằm mục tiêu chống lạm phát, mặc cho những hệ quả tiêu cực của chính sách này đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lợi nhuận của các công ty niêm yết.
Trong ngày hôm qua, giá dầu thô đã giảm hơn 7 USD/thùng do mối lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Đóng cửa phiên ngày 30/8, chỉ số S&P 500 đã giảm 1,1%, xuống còn 3.986,16 điểm. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 7 khi mà chứng khoán Mỹ giảm dưới 4.000 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,1% xuống còn 11.883,14 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 308,12 điểm, tương đương với mức giảm gần 1% xuống còn 31.790,87 điểm.
Trong phiên này, thị trường đã tiếp diễn xu hướng giảm điểm bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 3% sau bài phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell. Đà giảm này tiếp tục kéo sang phiên giao dịch của ngày thứ Hai và thứ Ba.
Theo đó, thành quả phục hồi từ mức đáy được thiết lập từ giữa tháng 6 của chỉ số S&P 500 cho đến hiện tại đã mất đi một nửa, xuống còn 8,7%. Cả hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cũng mất hơn một nửa thành quả tăng kể từ giữa tháng 6 năm nay. Hiện tại hai chỉ số này đang ở mức cao tương ứng với 6% và 11% so với mức đáy được thiết lập trong mùa hè này.
Phát biểu cứng rắn gần đây của giới chức Fed đến từ Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams. “Tôi thực sự nghĩ rằng nhu cầu đang vượt xa nguồn cung. Chúng ta cần phải đưa lãi suất thực lên trên con số 0. Chúng ta đang cần đến chính sách thắt chặt để khiến cho nhu cầu của người tiêu dùng tăng chậm lại. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa làm được việc đó”, đây là nhận định của ông Williams khi trả lời cuộc phỏng vấn của tờ Wall Street Journal.
“Chúng ta vẫn đang còn cách mục tiêu đó khá xa”, ông Williams nói.
Trong ngày hôm đó, một quan chức làm việc tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn của mình về chính sách tiền tệ. Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Estonia Madis Muller, một thành viên của ECB nói rằng, ECB nên đưa ra những thảo luận liên quan đến việc tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong tháng 9 này khi xem xét mức lạm phát đang cao bất thường hiện nay.
Thời gian này, giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng tăng lãi suất cao hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tiếp tục đi lên. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã đạt mức cao nhất trong gần 15 năm trở lại đây.
“Thị trường hiện đang mong manh và sự cứng rắn của Fed cho ta thấy một điều rõ ràng là Fed sẽ không sớm thay đổi lập trường của mình và thay vào đó cơ quan này sẽ tiếp tục coi việc chống lạm phát chính là ưu tiên số 1”, theo nhận định của Giám đốc đầu tư Stephanie Lang của Homrich Berg với hãng tin CNBC. “Điều này sẽ tiếp tục gây ra những áp lực mới lên thị trường. Từ giờ đến cuối năm giá cổ phiếu sẽ còn biến động nhiều”.
Sự chú ý đang được đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến sẽ công bố vào thứ Sáu tuần này. Nếu số liệu của báo cáo tốt hơn dự báo thì Fed sẽ tiếp tục đưa ra những phát ngôn cứng rắn để cam kết chống lạm phát.
“Chúng ta đang ở trong một vị thế khó khăn. Tôi không cho là sẽ có một dữ liệu duy nhất nào có thể giúp thị trường giải tỏa được nỗi lo. Cần phải có vài tháng dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy giảm rõ rệt thì Fed có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một chút”, theo nhận định của bà Lang.
Nỗi lo lắng về lãi suất tăng cùng với khả năng suy thoái kinh tế có thể sẽ xuất hiện là nguyên nhân chính khiến cho giá dầu thô có phiên giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng trở lại đây. Trên thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau đã giảm 5,5%, chốt phiên ở mức 99,31 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ đã giảm 5,37 USD/thùng, xuống còn 91,64 USD/thùng, tương đương với mức giảm 5,5%.
Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát của nước Đức đã tăng lên mức 8,3% trong tháng 8, được coi là mức cao nhất trong gần 50, theo báo cáo được công bố ngày 30,8. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Hungary đã tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm lên đến mức 11,75%.
Ngoài ra, giá dầu còn phải chịu áp lực giảm giá do đà tăng của đồng USD. Đồng USD cũng được hưởng lợi nhờ Fed tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ. Dầu cùng những hàng hóa cơ bản khác được định giá bằng USD trong giao dịch quốc tế, chính vì vậy khi giá USD tăng thì các mặt hàng này thường phải chịu sức ép mất giá và ngược lại.
Trong một tin tức được Gazprom Neft của Nga phát đi thì công ty này cho biết sẽ tăng gấp đôi sản lượng dầu tại mỏ dầu Zhagrin của Tây Siberia, con số sẽ lên đến 110.000 thùng/ngày.
Tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong những phiên sắp tới là cuộc họp sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh trong đó có Nga (nhóm OPEC+), dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/9.
Trong tuần trước, Saudi Arabia đã đặt ra khả năng cao OPEC+ sẽ giảm sản lượng dầu. Nguồn thạo tin nói rằng, chuyện đó sẽ thực sự xảy ra nếu Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây và đẩy mạnh việc xuất khẩu dầu ra thị trường trở lại.