Chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh sau biên bản cuộc họp Fed
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ vì nỗi lo suy thoáiChứng khoán Mỹ phân hóa sau khi Trung Quốc thông báo mở cửa, Nasdaq mất gần 1,4% vì cổ phiếu Tesla lao dốcChứng khoán Mỹ bán tháo trở lại, Dow Jones giảm 349 điểmTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 4/1 đóng cửa trong sắc xanh sau nhiều biến động giữa phiên khi nhà đầu tư đánh giá nội dung biên bản cuộc họp của Fed diễn ra trong tháng 12 cùng các báo cáo khác về thị trường việc làm và lĩnh vực sản xuất.
Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 133 điểm, tương đương 0,4%, qua đó đóng cửa sát mức 33.270 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite diễn biến khả quan hơn khi tăng lần lượt 0,75% và 0,69%.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính đều ghi nhận phiên tăng điểm đầu tiên sau 2 phiên giảm liên tục. Thị trường giao dịch trong sắc đỏ vào buổi chiều ngày 4/1, sau đó hồi phục dần về cuối phiên. Tuy nhiên đã để mất một phần thành quả tăng sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12.
Biên bản này cho thấy Fed vẫn cam kết đưa lãi suất lên mức cao hơn "trong một thời gian nữa". Mối lo ngại lãi suất tiếp tục tăng đã phủ bóng lên tâm trí giới đầu tư ở Phố Wall, sau khi nó từng khiến cho chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 trong năm 2022.
Bên cạnh đó, một báo cáo về số lượng công việc cần tuyển dụng đã cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang thắt chặt, đẩy mối lo rằng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong một thời gian nữa tới khi nào tình trạng khan hiếm lao động còn duy trì. Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất lại cho thấy rằng, lĩnh vực này suy giảm sau 30 tháng tăng trưởng liên tục. Các nhà đầu tư xem chỉ số này là một dấu hiệu tích cực rằng những đợt tăng lãi suất đã có của Fed bắt đầu phát huy tác động và đưa nền kinh tế "giảm nhiệt".
Chia sẻ với hãng tin CNBC, nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của GLOBALT Investments cho rằng, các nhà đầu tư vẫn còn "những vết thương chưa lành" từ năm 2022. Ông nói rằng các nhà đầu tư đang cố gắng cân bằng giữa những gì họ có thể suy ra từ mỗi mảnh thông tin hay mỗi nhận định của Fed với những mối lo lớn hơn trong tương lai.
“Mỗi ngày qua đi, thị trường lại đón nhận thêm một chút dữ liệu cho thấy mọi việc đang đi đúng hướng. Nhưng ngay sau đó lại là mối lo sợ rằng khoảnh khắc này thật là mong manh”, ông Buchanan cho hay.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, các nhà đầu tư sẽ đón chờ thêm dữ liệu việc làm, thâm hụt thương mại và hoạt động kinh doanh. Một số quan chức của Fed cũng sẽ đưa ra quan điểm và bình luận với về chính sách tiền tệ.
Tâm điểm chú ý của thị trường ngày thứ Sáu sẽ là báo cáo việc làm tổng thể tháng 12 do Bộ Lao động Mỹ công bố, trong đó bao gồm những dữ liệu quan trọng như tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương bình quân theo giờ. Đây là báo cáo có sức ảnh hưởng lớn đến các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed, vì vậy nó có khả năng sẽ gây biến động thị trường. Điều mà nhà đầu tư mong muốn không có trong báo cáo này là tốc độ tăng trưởng tiền lương cao.
Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên 4/1 lan rộng tới nhiều nhóm ngành. Tất cả 11 ngành thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên, trong đó dẫn đầu là nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu.
Giá dầu “bốc hơi” 5%
Trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, giá dầu Brent đã giảm 9,4%, đánh dấu chuỗi 2 phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/1991. Mối lo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc tăng mạnh đang gây áp lực giảm lớn đối với giá dầu.
Nhà giao dịch Bob Yawger của Mizuho nhận định, giá dầu thô đang giảm giá vì mối lo về dịch Covid ở Trung Quốc cùng với khả năng chính sách của Fed sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Cả 2 vấn đề trên đều phá hủy nhu cầu về dầu.
Một số nhà quản lý quỹ cho rằng, nội dung của biên bản cuộc họp Fed không có gì mới, nhưng dường như thị trường trước đó đã bấu víu vào hy vọng rằng sẽ có những tín hiệu cho thấy Fed ít nhất cũng đang nới lỏng chính sách.
Do giá dầu giảm sâu, nên cổ phiếu năng lượng là nhóm yếu nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu nhóm ngành chính của S&P 500 trong phiên này. Tuy nhiên, nhóm năng lượng vẫn chốt phiên với mức tăng 0,06%.
Phát biểu hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng lãi suất, đồng thời đưa ra dự báo rằng lãi suất chính sách nên dừng ở mức 5,4%.
Ông Mike Loewengart, trưởng bộ phận xây dựng danh mục của Morgan Stanley Global Investment Office nhận định, biên bản cuộc họp của Fed là một lời nhắc nhở đối với các nhà đầu tư rằng lãi suất sẽ còn tăng cao trong cả năm 2023. Với thị trường lao động còn mạnh, cuộc chiến chống lạm phát vẫn là vấn đề trọng tâm của Fed. Ông cho rằng, dù đã sang năm mới, nhưng những trở ngại của năm cũ vẫn còn nguyên.
Thị trường hiện đang đặt cược khả năng 68,8% khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 2 và cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh dưới mức 5% vào trước tháng 6.
Năm 2022, Fed đã tăng lãi suất 7 lần. Không ít ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng có lần tăng lãi suất đầu tiên sau nhiều năm để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, chiến tranh tại Ukraine cùng với chính sách Zero Covid ở Trung Quốc cũng khiến các thị trường chứng khoán lao đao.
Theo đó, lĩnh vực năng lượng tăng trưởng mạnh nhất với mã tăng tốt nhất là ExxonMobil. Theo sau là các lĩnh vực y tế và hàng không vũ trụ, quốc phòng.
Ngược lại, lĩnh vực lao dốc mạnh nhất là công nghệ với một loạt cổ phiếu Big Tech như Apple, Amazon, Tesla, Microsoft giảm giá từ 27 - 65%. Lĩnh vực sản xuất ô tô cũng trải qua một năm chật vật với nhiều mã giảm giá sâu như Rivian và Lucid (đều giảm hơn 90%), Tesla (giảm 65%).