Chứng khoán Mỹ đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ vì nỗi lo suy thoái
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ bán tháo trở lại, Dow Jones giảm 349 điểmChứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ sau báo cáo lợi nhuận tích cựcChứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh sau 4 phiên đỏ liên tiếpTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 28/12 đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư chuẩn bị khép lại một năm 2022 thất bát, đồng thời lo lắng về nguy cơ suy thoái và tiền tệ tiếp tục thắt chặt trong năm 2023 tới đây.
Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất gần 366 điểm, tương đương mức giảm 1,1% và đóng cửa ở 32.876 điểm. S&P 500 giảm 1,2% còn 3.783 điểm còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt lại xa nhất với mức giảm 1,35%, kết phiên ở 10.213 điểm.
Phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư ở Phố Wall trong phiên hôm nay là một vài số liệu kinh tế kém khả qua, số ca nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc cùng căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn dù thế giới đã chuẩn bị bước sang năm 2023.
CEO Greg Bassuk của AXS Investments nói với hãng tin Reuters rằng thị trường năm 2022 sẽ không có đợt phục hồi cuối năm nào. Thay vào đó, thị trường đã giảm điểm trong tháng này, trái ngược với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Tháng 12 thường là tháng tăng mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, với một đợt tăng trong tuần lễ Giáng Sinh. Theo dữ liệu từ Truist Advisory Services, từ năm 1950 đến nay, chỉ số S&P 500 mới có 18 lần giảm điểm trong tháng 12.
Vị CEO cho biết, một đợt tăng cuối năm thông thường sẽ xuất phát từ hy vọng về những nhân tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, năm nay, một số dữ liệu kinh tế bất lợi, cùng với mối lo lớn hơn về sự nổi lên của Covid và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn... tất cả đã ảnh hưởng đến chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như cản trở khả năng tăng điểm của thị trường.
Phiên ngày 28/12, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đều giảm điểm. Trong đó, năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm trên 2,2% do những lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc sẽ gây áp lực lên giá dầu. Các nhà đầu tư hiện đang đánh giá việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế vốn dĩ đã "tơi tả" bởi chính sách Zero Covid, khi số ca nhiễm mới tại nước này tăng mạnh kể từ khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp hà khắc.
Ông Bassuk nhận định dự kết hợp giữa số ca nhiễm gia tăng cùng với việc Trung Quốc nới các hạn chế hiện nay đang khiến giới đầu tư lo ngại rằng ảnh hưởng có thể sẽ lan rộng ra khắp nhiều ngành và lĩnh vực như giai đoạn đầu của Covid-19.
Chỉ số S&P 500 đã giả 20% trong năm nay và đang tiến tới hoàn tất năm giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bên cạnh đó, chỉ số Dow Jones giảm 9,5% và Nasdaq “bốc hơi” 34,7% trong cùng khoảng thời gian qua.
Chiến lược gia Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC rằng, nhà đầu tư đang tính đến khả năng suy thoái kinh tế rơi vào đầu năm 2023. Điều này thể hiện qua kỳ vọng lợi nhuận dự phóng của S&P 500 sẽ giảm 3 tháng liên tiếp và nhà đầu tư tiếp tục nghiêng về các nhóm cổ phiếu phòng thủ. Hiện tại, suy thoái tới mức nào vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.
Gần đây, các số liệu kinh tế đã phản ánh áp lực lạm phát đã giảm bớt, làm củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất chậm lại. Tuy nhiên, thị trường lao động thắt chặt và nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn vững vàng đã đặt ra mối lo rằng có thể lãi suất sẽ giữ ở mức cơ hơn trong thời gian lâu hơn.
Thị trường hiện đang đặt cược 69% khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 2 và lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức 4,94% trong nửa đầu năm 2023.
Trong ngày 28/12, thông tin từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ (NRA) cho thấy, doanh số nhà chờ bán trong tháng 11 đã giảm 4% so với tháng liền trước đó, tiêu cực hơn so với mức giảm 1,8% mà các nhà kinh tế dự báo.
Doanh số bán nhà đi xuống trong bối cảnh lãi suất vay thế chấp tăng đã khiến khách hàng ngần ngại không dám vay để mua nhà.
Ông Brian Levitt, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco cho rằng, có những dấu hiệu rõ ràng về việc nền kinh tế đang chậm lại, đơn cử như doanh số nhà chờ bán giảm xuống mức thấp thứ 2 trong lịch sử. Doanh số bán nhà thường là động lực mạnh mẽ của hoạt động kinh tế do ngôi nhà được bán ra thường hỗ trợ nhiều ngành khác nhau. Trong khi lãi suất tiếp tục nhích lên bởi Fed thể hiện quan điểm chính sách diều hâu.
Giá dầu hạ nhiệt
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,3 USD/thùng, tương đương với mức giảm 1,5%, còn 83,03 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,91 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn ở 78,62 USD/thùng.
“Tôi có cảm giác là tâm lý ngại rủi ro đang gây áp lực lên giá dầu, trong thời điểm mức thanh khoản trên thị trường giảm xuống thấp”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định.
Trước phiên 28/12, giá dầu đã ghi nhận 3 phiên tăng liên tiếp. Có thời điểm, giá dầu còn đạt mức cao nhất 3 tuần trong ngày thứ Ba, khi thời tiết lạnh giá tại Mỹ khiến nhiều cơ sở sản xuất và lọc hóa dầu phải tạm dừng hoạt động.
Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda cho biết, chúng ta đã chứng kiến việc giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong tuần qua và giảm trong phiên này, nhưng nhìn chung bối cảnh vẫn không hề thay đổi. Đồng thời ông nhận định, năm tới sẽ có nhiều điều khó lường và giá dầu cũng có nhiều cơ hội để tăng giá hơn, từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cho đến việc Nga giảm sản lượng dầu và OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.