Chứng khoán Mỹ đánh mất đà tăng đầu phiên, giá dầu bật tăng mạnh trở lại
BÀI LIÊN QUAN
Chứng khoán Mỹ đi xuống trong lúc chờ báo cáo lạm phát, giá dầu cũng dần đi xuốngChứng khoán Mỹ diễn biến thận trọng chờ số liệu CPI của tháng 7, giá dầu tăng bất chấp vì nỗi lo suy thoáiChứng khoán Mỹ lao dốc khiến tỷ phú Warren Buffett lỗ 53 tỷ USDTheo VnEconomy, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ 5 (11/8) phải loay hoay trong bối cảnh nhà đầu tư đón nhận thêm một báo cáo lạm phát tốt hơn dự báo của các chuyên gia. Giá dầu thô tăng mạnh, sắp tái lập lại mốc 100 USD/thùng nhờ một tin báo khả quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn trong thời gian tới.
Vào thời điểm đóng cửa phiên, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,07% xuống còn 4.207,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite đã trượt 0,58% xuống còn 12.779,91 điểm. Chỉ số Dow Jones kết phiên tăng 27,16 điểm, tương đương với mức tăng 0,08%, chốt phiên ở 33.336,67 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 11/8, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 có thời điểm tăng lần lượt 1,3% và 1,1, trong khi đó Dow Jones có lúc đã vọt tăng 342 điểm. Tuy nhiên, những chỉ số này đều không thể duy trì được xu hướng tích cực cho đến khi kết phiên.
Cũng trong phiên ngày hôm qua, thị trường đã đón nhận thêm những thông tin kinh tế tích cực. Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) trong tháng 7 bất ngờ giảm so với tháng 6. Theo đó, PPI đã giảm 0,5% so với hồi tháng 6 thay vì tăng lên 0,2% như dự báo của các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của Dow Jones.
Chỉ số PPI lõi, không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng có độ biến động lớn là lương thực, thực phẩm và năng lượng, chỉ số này có mức tăng ít hơn so với dự báo.
Những số liệu trên đã được đưa ra sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 được công bố vào hôm thứ Tư cũng có thấy lạm phát đang dịu đi. Chỉ số CPI tháng 7 của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn so với mức dự báo tăng 8,7% mà các chuyên gia được khảo sát bởi Dow Jones, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng mạnh nhất hơn 4 thập kỷ được ghi nhận trong tháng 6.
“Nhà đầu tư cảm thấy bớt lo lắng hơn khi lạm phát đã giảm xuống, tuy nhiên điều đó không làm thay đổi sự thật là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp tới. Tôi không dám chắc rằng mọi thứ đã rõ ràng ở thời điểm này, thế nhưng tôi thực sự tin rằng tâm trạng của nhà đầu tư đã tốt hơn trước nhiều, chẳng hạn như so với thời điểm cách đây 60 ngày”, theo nhận định của Giám đốc đầu tư Wayne Wicker của MissionSquare Retirement trên CNBC.
Một điểm sáng của phiên giao dịch ngày 11/8 là cổ phiếu của Disney với mức tăng hơn 4% sau khi ông lớn truyền thông công bố kết quả kinh doanh với lượng thuê bao lớn hơn so với dự kiến trong quý II. Doanh thu và lợi nhuận của Disney đều vượt với dự báo trước đó. Công ty này cho biết sẽ nâng giá đối với dịch vụ Disney+.
Sau hai báo cáo lạm phát cho thấy tốc độ gia tăng giá đã dịu đi, Phố Wall đang nghiêng về hướng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 9 thay vì áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như trong 2 cuộc họp trước đó. Tiến độ tăng lãi suất có thể giãn ra thế nhưng thực tế là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi nào lạm phát được kéo về ngưỡng mục tiêu 2%. Quyết tâm đó của Fed đã được các quan chức của cơ quan này khẳng định.
Tuy nhiên, có những chuyên gia đưa ra cảnh báo rằng thị trường không nên “ăn mừng” quá sớm khi thấy lạm phát đang dịu đi.
“Hôm qua, báo cáo CPI tốt hơn dự báo. Hôm nay, báo cáo PPI tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, những số liệu đó phản ánh rằng, lạm phát có thể đã qua đỉnh do giá năng lượng sẽ tiếp tục giảm. Thế nhưng tôi vẫn lo có thể chúng ta đang bị dẫn dắt đi sai hướng ban đầu”, theo nhận định của ông George Catrambone, trưởng bộ phận giao dịch tin tại Mỹ của DWS Group với hãng tin Reuters.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London đã tăng thêm 2,2 USD/thùng, tương đương với mức tăng 2,3%, chốt phiên ở 99,6 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau trên thị trường New York đã tăng 2,41 USD/thùng, tương đương với mức tăng 2,6% chốt phiên ở mức 94,34 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay, trên cơ sở cho rằng giá khí đốt trong thời gian sắp tới sẽ tăng cao khiến người dùng chuyển sang dùng nhiều dầu hơn.
“Giá khí đốt và giá điện đã lập mức cao kỷ lục mới, mang lại lý do khiến người tiêu dùng chuyển từ khí đốt sang điện ở một số quốc gia”, theo nhận định của IEA, tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp trong báo cáo thị trường dầu lửa hàng tháng. Cũng trong báo cáo này, IEA nâng dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 thêm 380.00 thùng so với con số dự báo được đưa ra vào tháng 6.
Ngược lại với động thái này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm nay, với các lý do được đưa ra trong đó có ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát cao cùng những nỗ lực nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. OPEC dự báo rằng, nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm nay tăng 3,1 triệu thùng/ngày. Con số này đã giảm 260.000 USD/thùng so với lần dự báo trước đó.
Tuy nhiên, con số dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 mà OPEC đưa ra vẫn cao hơn nhiều so với con số mà IEA đưa ra.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi mà tỷ giá đồng USD tiếp tục giảm so với đồng tiền chủ chốt khác.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu phần nào bị cản lại bởi số liệu được công bố vào hôm thứ Tư cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh và có nhiều thông tin cho biết, dòng dầu của Nga chảy qua đường ống Druzhba tới khu vực Trung Âu đã được kết nối lại.