Chủ tịch HoREA: Người mua nhà ở xã hội với lãi suất 8,2% vẫn ở mức cao
BÀI LIÊN QUAN
Từ 3/4/2023: NHNN giảm các mức lãi suất điều hànhNgân hàng Nhà nước giảm tiếp loạt lãi suất điều hành từ ngày 3/4Người vay mua nhà vẫn “đứng ngồi không yên” vì lãi suất giảm chưa đủ nhiềuDoanhnhan.vn thông tin, vào ngày 1/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh và thành phố, hướng dẫn một số nội dung cũng như yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, đồng thời cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ đúng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Được biết, đối tượng vay vốn của chương trình này chính là những pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án cũng như mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, dự án cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ nằm trong danh mục dự án đã được Bộ Xây dựng công bố theo quy định, bao gồm: khách hàng là chủ đầu tư đầu tư dự án (chủ đầu tư) cũng như khách hàng là người mua nhà ở tại dự án (người mua nhà).
Đối với nguyên tắc cho vay, khách hàng buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, cũng như cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đúng theo quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đồng thời đáp ứng được những điều kiện vay vốn đúng theo quy định pháp luật.
Theo quy định của chương trình, mỗi người mua nhà sẽ chỉ được tham gia vay vốn một lần, mua một căn hộ duy nhất tại dự án nằm trong danh mục dự án được Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Ngoài ra, mỗi dự án của chủ đầu tư cũng chỉ được tham gia vay vốn một lần đúng theo quy định của chương trình. Chương trình này có thời hạn giải ngân không quá ngày 31/12/2030, cho đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 đồng.
Đối với chủ đầu tư, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi là 3 năm và 5 năm đối với người mua nhà tính từ ngày giải ngân, tuy nhiên không quá thời hạn cho vay ở thỏa thuận cho vay ban đầu. Trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư, còn với người mua nhà là 8,2%/năm. Sau đó, cứ định kỳ 6 tháng một lần kể từ ngày 1/7/2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi đối với những ngân hàng thương mại tham gia chương trình này.
Đến khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ được thỏa thuận, thống nhất bởi ngân hàng thương mại và khách hàng, đảm bảo phù hợp với những quy định của pháp luật, đồng thời được xác định rõ ràng hoặc nêu rõ cách xác định đối với thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng cùng với khách hàng.
Người mua nhà ở xã hội với lãi suất 8,2% vẫn ở mức cao
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), lãi suất cho vay với người mua nhà ở xã hội trong khoảng thời gian ưu đãi áp dụng từ nay đến 30/06/2023 là 8,2%/năm vẫn rất cao so với mức lãi suất ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với những người mua nhà ở xã hội được quy định tại Quyết định số 2081 ngày 12/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Chưa kể, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong khoảng thời gian ưu đãi là 5 năm, cộng thêm lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận và thống nhất. Điều này có thể dẫn đến rủi ro cho những người vay vốn mua nhà ở xã hội; bởi họ là bên yếu hơn, phải thương lượng và thỏa thuận với các ngân hàng thương mại.
Ông Châu cho rằng, khoảng thời gian 5 năm ưu đãi là quá ngắn và không phù hợp với bản chất của các chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội, đó là họ cần được vay với lãi suất thấp trong thời gian dài. Do đó, sau khi hết khoảng thời gian ưu đãi, nhiều khả năng người mua nhà ở xã hội sẽ phải vay vốn với lãi suất thương mại bình thường. Điều này vô tình trở thành gánh nặng cho người vay, đặc biệt là công nhân lao động và các đối tượng thu nhập thấp.
Theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét, hoàn thiện việc xây dựng cơ chế sao cho linh động và phù hợp hơn. Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và có thể huy động được các nguồn lực xã hội hóa nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội hiệu quả, hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào những nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, HoREA đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội đúng theo giải pháp tại điểm b khoản 1 Mục III của “Đề án”.
Trong đó, điều quan trọng là phải xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho những người lao động có thu nhập thấp. Đây là một hạng mục đầu tư nằm trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới cũng như tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành, từ đó hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo hướng: Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương phục vụ cho việc phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhằm phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, đồng thời bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.